Chất lượng xăng dầu, Bộ Công Thương sẽ chịu trách nhiệm

Một số ý kiến cho rằng, hàng loạt vụ cháy xe máy, ô tô diễn ra vừa qua có nguyên nhân chính từ chất lượng xăng dầu…
Chất lượng xăng dầu, Bộ Công Thương sẽ chịu trách nhiệm

Trao đổi với báo chí chiều 6/1, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận, để xảy ra tình trạng một số cơ sở kinh doanh xăng dầu không đảm bảo chất lượng có phần lỗi của cơ quan này.

Trả lời câu hỏi về chất lượng xăng dầu, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, Nhà nước đã phân cấp quản lý cho ngành Khoa học và Công nghệ. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về nguồn cung và phân bổ chỉ tiêu nhập khẩu tối thiểu theo quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên, việc để xảy ra tình trạng một số cơ sở kinh doanh không đảm bảo chất lượng xăng dầu như dư luận đã nêu là có phần trách nhiệm của Bộ Công thương.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ sớm báo cáo Thủ tướng kết luận chính thức nguyên nhân gây cháy nổ xe máy. Ông Hoàng cho biết thêm, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các Sở Công Thương, các tổng công ty xăng dầu kiểm tra lại hệ thống phân phối; phối hợp với các Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra, xử lý theo các quy định về kinh doanh xăng dầu nếu sản phẩm không đảm bảo chất lượng.

“Nếu các cơ quan chức năng qua kiểm tra kiểm soát xác định nguyên nhân từ xăng dầu dẫn đến cháy nổ các phương tiện vận tải, chúng tôi xin nhận trách nhiệm”, ông Hoàng thẳng thắn.

Lãnh đạo Bộ cho biết, việc kiểm tra, phát hiện những sai phạm về chất lượng và giá cả hàng hóa, gian lận thương mại do lực lượng quản lý thị trường đảm nhận. Khi phát hiện xăng kém chất lượng, người dân có thể phản ánh qua rất nhiều kênh, hoặc là qua cơ quan quản lý thị trường địa phương, Cục Quản lý thị trường, hoặc phản ánh trực tiếp đến Bộ Công Thương.

Theo ông Hoàng, tình trạng lưu thông buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là một thực tế và ngày càng bức xúc. Bộ nhận trách nhiệm về hiệu quả của công tác chống hàng giả hàng nhái chưa đạt được như mong muốn. Sắp tới, cơ quan này sẽ tăng cường các biện pháp chống gian lận thương mại, tập trung vào hàng buôn lậu, giả, kém chất lượng, đặc biệt là những mặt hàng có ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng, sức khỏe nhân dân.

Xung quanh chuyện lỗ lãi xăng dầu, ông Hoàng cho biết, trong 4 năm, kinh doanh xăng dầu của Petrolimex, trừ năm 2009 là lãi, còn lại là lỗ. Trong báo cáo tài chính, khi chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, ghi có lãi, bởi ngoài lĩnh vực xăng dầu, Petrolimex được kinh doanh vận tải, ngân hàng, bảo hiểm... Đây là những mảng có lãi. "Khi cộng lãi này bù lỗ xăng dầu thì ra lãi tổng thể của tổng công ty. Như vậy không có nghĩa xăng dầu lãi mà báo lỗ", ông Hoàng khẳng định.

Lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh, chi phí định mức xăng dầu 600 đồng mỗi lít không đảm bảo cho các đại lý duy trì sản xuất kinh doanh. Do thực hiện hai nhiệm vụ cung ứng đủ xăng dầu cho nhân dân và duy trì hoạt động của đại lý, Petrolimex buộc phải chi vượt lên mức 600 đồng. Mức vượt này không được Nhà nước tính bù lỗ, mà Tổng công ty phải chịu.

 

THeo VNE
THeo VNE

Tin cùng chuyên mục