Chất lượng của bộ lọc

(ĐTCK) Cách đây khoảng hai năm, khi có ý kiến đề đạt từ phía các chuyên gia kinh tế vĩ mô về một hội đồng làm việc độc lập giúp việc Thủ tướng Chính phủ nhằm kiểm soát tính hợp pháp, hợp lý, cần thiết và hiệu quả của các văn bản có liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh do các bộ, ngành ban hành, nhiều ý kiến phản đối xuất hiện. Lý do là trong bối cảnh cần phải tinh giản bộ máy hành chính thì việc "đẻ" thêm một bộ máy có thể sẽ không hợp lý và cần thiết. Hơn thế, tính hiệu quả của hội đồng này cũng được phân tích là không cao khi chỉ mang tính chất tư vấn, có nghĩa là hoàn toàn không có quyền quyết định hay tạo nên bất cứ một áp lực nào với cơ quan đề xuất các văn bản.

Khi đó, các ý kiến không đồng tình với việc thành lập hội đồng này cho rằng, đó là trách nhiệm của Bộ Tư pháp, cụ thể là Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Một cách hợp pháp và hợp lý nhất là chức năng gác cổng, thanh lọc các văn bản quy phạm pháp luật là của Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, chính những chuyên gia kỳ vọng vào bộ lọc hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam cũng phải e dè khi nhận định về hiệu quả của đơn vị này. Điều đáng nói là Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật chỉ có thể thổi còi các văn bản có vướng mắc về tính pháp lý, chứ không thể nhận định về tính hợp lý, cần thiết của nội dung các văn bản vốn thuộc nhiều ngành, lĩnh vực có những đặc thù và chuyên môn khá riêng biệt. Chính điều này khiến đề xuất về thành lập hội đồng độc lập vẫn được đề nghị. Và Hội đồng Tư vấn cải cách hành chính thực hiện Đề án 30 của Chính phủ được ra đời. Tuy nhiên, giới hạn của hội đồng này chỉ là trong các văn bản liên quan đến thủ tục hành chính.

Thông tin về việc trong năm 2009, Bộ Tư pháp sẽ tập trung kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật thuộc những lĩnh vực đang gây nhiều bức xúc trong dư luận như đất đai, xây dựng, môi trường, an toàn lao động, an toàn thực phẩm, tổ chức, biên chế... đang thu hút sự quan tâm đặc biệt. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, chỉ một sự cải thiện nhỏ về thủ tục, quy trình, nội dung văn bản pháp luật trong những lĩnh vực nóng này cũng sẽ tạo nên bước tiến dài trong môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam. Hơn thế, theo bình luận của ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Nghiên cứu kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) về môi trường kinh doanh năm 2009, giới đầu tư kinh doanh đang kỳ vọng về những cải thiện cụ thể và có thể tính đếm được trong mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó. "Đây là điều mà năm 2008 giới đầu tư và kinh doanh chưa cảm nhận được", ông Cung nói.

Theo kế hoạch, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật sẽ tham mưu cho lãnh đạo Bộ Tư pháp lựa chọn và tổ chức kiểm tra văn bản tại một số bộ, ngành và địa phương có số lượng văn bản ban hành lớn hoặc những lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và doanh nghiệp.

Các tiêu chí được đưa ra giám sát như sự phù hợp của văn bản với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên; sự phù hợp của hình thức văn bản với nội dung của văn bản đó; sự phù hợp của nội dung văn bản với thẩm quyền của cơ quan ban hành văn bản... Mục tiêu của kế hoạch này là kịp thời đình chỉ việc thi hành, sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hoặc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản, đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xác định trách nhiệm của cơ quan, cá nhân đã ban hành văn bản sai trái. Trong tháng 6 tới, Bộ Tư pháp sẽ xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 135/2003/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật. Cơ chế để kiểm tra văn bản cũng sẽ được cải thiện mạnh mẽ.

Tuy vậy, vào thời điểm này, với một kế hoạch mạnh mẽ trong năm 2009 đã được công bố, lại xuất hiện những lo ngại về khả năng rà soát tính hợp lý, cần thiết của các chuyên gia về luật pháp trong những lĩnh vực chuyên môn sâu, có vẻ như tính hợp pháp, hợp hiến sẽ được cân nhắc trước tiên, song hiệu quả thực tế cũng đang được cân nhắc.

Nếu như nhìn lại hiệu lực của quy định về bãi bỏ các loại giấy phép kinh doanh không hội tụ đủ hai điều kiện về tính hợp pháp tại Nghị định 139/2007/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Doanh nghiệp, có thể thấy lo ngại này hoàn toàn hợp lý. Ngay sau khi Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công bố danh sách các văn bản hết hiệu lực theo quy định tại Nghị định 139 từ 1/9/2008, hầu như không có các cơ quan có liên quan thực hiện công bố tính hiệu lực của văn bản trong ngành. Mặc dù theo quy định, các văn bản này đương nhiên hết hiệu lực, song cũng không ai dám không thực hiện, vì không có một tuyên bố chính thức bằng văn bản nào cả.

Đây chính là áp lực mà Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật có thể phải đối mặt. Cơ hội để hình thành một bộ lọc đa năng cho môi trường kinh doanh Việt Nam dường như vẫn chưa chín muồi.

Bảo Duy
Bảo Duy

Tin cùng chuyên mục