Chặt chẽ với thành lập khu công nghiệp

Nghị định mới sẽ siết hơn các điều kiện thành lập khu công nghiệp, khu kinh tế.

Để tăng cường tính minh bạch và thực hiện mục tiêu kiểm soát chặt chẽ việc thành lập khu công nghiệp (KCN), Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định rõ các điều kiện cấp giấy chứng nhận đầu tư để đầu tư mới và mở rộng KCN.

Theo đó, việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN mới phải đáp ứng các điều kiện: phù hợp với quy hoạch và tỷ lệ lấp đầy các KCN trên địa bàn phải đạt ít nhất 60%. 

Đối với trường hợp đầu tư mở rộng KCN hiện hữu, để được xem xét việc cấp giấy chứng nhận đầu tư, việc mở rộng KCN phải phù hợp với quy hoạch, KCN hiện hữu đạt tỷ lệ lấp đầy ít nhất 60% và có công trình xử lý nước thải tập trung.

Ngoài ra, nhằm tăng cường tính chặt chẽ trong quy trình thẩm tra đầu tư, thành lập KCN, Nghị định sửa đổi đã quy định trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN, cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư phải xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan.

Do dự án phát triển kết cấu hạ tầng KCN là dự án có quy mô vốn lớn, đầu tư kinh doanh hạ tầng và liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực, việc tham gia ý kiến của các cơ quan cấp bộ, đặc biệt là các cơ quan chuyên ngành là cần thiết, đảm bảo cung cấp đủ thông tin, cơ sở pháp lý để cơ quan nhà nước xem xét, quyết định việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án.

Doanh nghiệp phát triển kết cấu hạ tầng KCN phải đăng ký khung giá thuê đất, thuê lại đất và các loại phí sử dụng hạ tầng

Về trình tự thành lập, mở rộng khu kinh tế (KKT), trong quá trình bổ sung quy hoạch KKT theo quy định của pháp luật về quản lý quy hoạch, cần giải trình rõ việc đáp ứng các điều kiện thành lập và phát triển KKT. Quy định này đảm bảo chặt chẽ hơn trong việc ràng buộc các điều kiện phát triển KKT, hạn chế việc phát triển KKT không phù hợp với điều kiện và khả năng thực tế của địa phương, vùng.

 

Rõ quyền hạn cho doanh nghiệp chế xuất

Quyền hạn, nghĩa vụ của doanh nghiệp (DN) KCN trước đây đã được quy định tại Nghị định 36/CP và Nghị định 108/2006/NĐ-CP, tuy nhiên lại không được quy định tại Nghị định 29/2008/NĐ-CP.

Vì vậy, Nghị định sửa đổi đã bổ sung Điều 21b về quyền hạn, nghĩa vụ của DN phát triển hạ tầng KCN, DN KCN, KKT để tạo căn cứ pháp lý cho các DN phát triển hạ tầng KCN, DN KCN, KKT thực hiện đầy đủ quyền hạn và nghĩa vụ. Các quy định này được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển các quy định tại Nghị định 36/CP và Nghị định 108/2006/NĐ-CP.

Điểm đáng chú ý liên quan đến nội dung này là quy định DN phát triển kết cấu hạ tầng KCN phải đăng ký khung giá thuê đất, thuê lại đất và các loại phí sử dụng hạ tầng tại ban quản lý KCN, KKT. Quy định này sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm được tình hình giá thuê đất KCN và có căn cứ pháp lý để trao đổi DN nhằm hạn chế việc DN định giá cho thuê đất, thuê lại đất và các loại phí cao một cách bất hợp lý, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các KCN và môi trường đầu tư tốt hơn cho các KCN.

Mặt khác, KCN có liên quan tới các vấn đề đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng là các vấn đề cần có sự điều tiết của các cơ quan nhà nước, do đó, việc Nhà nước kiểm soát khung giá đất, lệ phí để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên quốc gia là cần thiết.

Riêng với hoạt động của khu chế xuất và doanh nghiệp chế xuất, Nghị định 164/2013/NĐ-CP đã cụ thể hơn các quan hệ đặc biệt của chủ thể này.

Có thể nhắc tới như DN chế xuất được mua vật liệu xây dựng, văn phòng phẩm, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng từ nội địa Việt Nam để xây dựng công trình, phục vụ điều hành bộ máy văn phòng và sinh hoạt của cán bộ, công nhân làm việc tại DN.

DN chế xuất, người bán hàng cho DN chế xuất được lựa chọn thực hiện, hoặc không thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu và hải quan đối với vật liệu xây dựng, văn phòng phẩm, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng từ nội địa Việt Nam.

Doanh nghiệp chế xuất được bán vào thị trường nội địa tài sản thanh lý của DN và các hàng hóa theo quy định của pháp luật về đầu tư và thương mại. Quan hệ trao đổi hàng hóa được sản xuất trong các khu chế xuất, DN chế xuất với các khu vực khác trên lãnh thổ Việt Nam, trừ khu phi thuế quan, là quan hệ xuất, nhập khẩu.

DN chế xuất được cấp giấy phép kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam phải thành lập chi nhánh riêng nằm ngoài DN chế xuất, khu chế xuất để thực hiện hoạt động này.

 

Một số nhiệm vụ

Nghị định 164/2013/NĐ-CP được ban hành nhằm đáp ứng đòi hỏi thực tiễn hoạt động của KCN, KKT, tập trung sửa đổi những vấn đề cơ bản, đang gây bức xúc cho địa phương, DN và có thể giải quyết được ở tầm nghị định như trình tự, thủ tục, điều kiện đầu tư, thành lập KCN, KKT; chức năng, nhiệm vụ của ban quản lý; một số vấn đề về nhà ở, DN chế xuất... Để thực hiện Nghị định sửa đổi, trong thời gian tới, cần triển khai một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh trong phạm vi lĩnh vực, địa bàn quản lý cần sớm có hướng dẫn, ủy quyền cho ban quản lý thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với KCN, KKT trên địa bàn.

Thứ hai, ban quản lý KCN, KKT cũng cần nghiêm túc thực hiện các quy định của Nghị định sửa đổi và pháp luật, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ việc quy hoạch, đầu tư, thành lập KCN, KKT, đảm bảo hiệu quả đầu tư, sử dụng đất; chủ động trong việc triển khai các nhiệm vụ được phân cấp, ủy quyền; xây dựng được mối quan hệ công tác chặt chẽ với UBND cấp tỉnh và các sở, ban, ngành, cũng như các bộ quản lý ngành. Kịp thời tổng hợp các khó khăn, vướng mắc để tiếp tục tìm biện pháp tháo gỡ kịp thời.

  Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

>>Khu công nghiệp Liên Chiểu đón dự án 150 triệu USD

>>Công suất cho thuê trung bình của khu công nghiệp Hà Nội đạt 83%

 

Vũ Đại Thắng
Vũ Đại Thắng

Tin cùng chuyên mục