Chờ đón dòng vốn mới
Một thông tin đáng chú ý được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng đề cập tại cuộc họp báo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hôm qua (27/6), đó là vào ngày 30/6 tới đây, cùng với việc ký kết Hiệp định EVFTA, Việt Nam và EU sẽ ký kết cả Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA).
“Hiệp định này sẽ mở ra một trang mới trong chính sách đối với đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Chúng ta sẽ tiếp tục có những chính sách để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư thông qua các cơ chế đa phương, đồng thời tiếp tục theo đuổi thị trường tự do, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nói.
Phân tích rõ hơn về vấn đề này, ông Lương Văn Khôi, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia đã chỉ ra hàng loạt quy định đề cập trong IPA được cho là sẽ tạo điều kiện thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài từ EU. Chẳng hạn, các cam kết về bảo hộ đầu tư, mở cửa thị trường còn cao hơn cả các cam kết trong WTO, hay cam kết về giải quyết tranh chấp trong quá trình đầu tư, thậm chí cả các quy định về một số hành vi mà Chính phủ không được làm, tránh làm phương hại đến lợi ích của nhà đầu tư…
“Các quy định này sẽ không chỉ thúc đẩy thu hút đầu tư từ EU, mà còn từ các quốc gia khác”, ông Khôi cho biết.
Thông tin từ ông Khôi, vốn đầu tư nước ngoài từ EU vào Việt Nam trung bình chỉ đạt 1-1,5 tỷ USD/năm trong giai đoạn trước khi Việt Nam gia nhập WTO, sau đó tăng lên khoảng 3 tỷ USD giai đoạn sau gia nhập WTO. Lũy kế tính đến nay, đã có gần 25 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài từ EU đổ vào Việt Nam. EU luôn là nhà đầu tư nước ngoài quan trọng của Việt Nam.
Khi IPA và cả EVFTA được ký kết, thương mại và đầu tư giữa EU và Việt Nam được cho là sẽ gia tăng nhanh chóng. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Thương mại hàng hóa gia tăng sẽ thúc đẩy dòng đầu tư tăng theo, bởi hơn ai hết, các nhà đầu tư EU sẽ không bỏ lỡ cơ hội thị trường Việt Nam đang ngày càng rộng mở đối với mình.
Hơn thế nữa, thông qua EVFTA và IPA, nhà đầu tư EU cũng sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường các nước đã ký FTA với Việt Nam, với những đối xử ưu đãi hơn. Và do vậy, không khó hiểu khi các nhà đầu tư EU, với tiềm lực tài chính mạnh, năng lực công nghệ cao sẽ dồn dập đổ vào Việt Nam trong thời gian tới. Đây chính là dòng vốn đầu tư mà Việt Nam từ lâu vẫn ngóng chờ. Vốn đầu tư từ EU vào Việt Nam trong thời gian qua được cho là “chưa xứng với tiềm năng”.
“Việc thực thi EVFTA và IPA cũng sẽ buộc Việt Nam phải thực hiện cải cách nhiều hơn và điều này cũng sẽ tạo thuận lợi để Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài từ các đối tác khác ngoài EU, bao gồm cả Trung Quốc, Đài Loan… do các quy định về xuất xứ hàng hóa trong hiệp định”, ông Lương Văn Khôi nói.
Tránh dòng vốn “xấu”
Ngay cả khi chưa có EVFTA và IPA, Việt Nam cũng luôn là một địa điểm đầu tư hàng đầu. Một bằng chứng khá rõ ràng là trong 6 tháng đầu năm, đã có 18,47 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam. Tuy con số này chỉ bằng 90,8% so với cùng kỳ năm ngoái, do năm ngoái, thời điểm này có nhiều dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn được cấp chứng nhận đầu tư (Dự án Thành phố Thông minh 4,1 tỷ USD ở Hà Nội; Dự án Nhà máy Sản xuất Poplypropylene và kho ngầm chứa dầu mỏ hóa lỏng 1,2 tỷ USD ở Bà Rịa - Vũng Tàu), nhưng con số gần 18,5 tỷ USD chỉ trong nửa đầu năm là rất đáng kể.
Một phần của kết quả này, theo ông Nguyễn Nội, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, là do những tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, khiến các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng dịch chuyển đầu tư vào châu Á, trong đó có Việt Nam, những nước có môi trường đầu tư hấp dẫn.
Đặc biệt, một thông tin rất được quan tâm tại cuộc họp báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hôm qua, đó là dòng vốn đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc đã tăng nhanh thời gian gần đây. 6 tháng đầu năm, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 2,29 tỷ USD, chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và vươn lên vị trí thứ 3 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam. Tuy nhiên, nếu tính lũy kế, Trung Quốc vẫn xếp hạng thứ 7.
Điều khiến dư luận quan tâm, đó là dòng vốn đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc liệu có gây hệ lụy tới kinh tế Việt Nam hay không, bởi có thể có xu hướng nhà đầu tư từ quốc gia này đầu tư sang Việt Nam để lẩn trốn xuất xứ, tránh các “lệnh” trừng phạt và áp thuế cao từ Mỹ.
“Đúng là có xu hướng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam, khi phía Mỹ áp thuế cao. Có thể có chuyện lẩn trốn xuất xứ hàng hóa, có những dự án tác động không tốt đến môi trường. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ có chính sách, sẽ sửa đổi luật để làm sao đón nhận được các dự án tốt, hạn chế các dự án tác động không tốt tới kinh tế - xã hội Việt Nam”, ông Nguyễn Nội nói.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cũng nhấn mạnh, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung mang lại những cơ hội, đồng thời kéo theo những thách thức đối với kinh tế Việt Nam. Do vậy, vấn đề đặt ra với các cơ quan chức năng là phải nghiên cứu, đánh giá, đưa ra giải pháp để tận dụng cơ hội, nhưng cũng phải làm sao để tránh các thách thức, bao gồm cả việc doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam để lợi dụng lẩn tránh xuất xứ hàng hóa.
“Chúng tôi thường xuyên nắm tình hình để cập nhật với các cơ quan có thẩm quyền nhằm có chính sách để hạn chế những tác động ngược chiều không mong muốn do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đem lại”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nói.
Thông tin cho biết, hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030” và Đề án “Nghiên cứu tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam: cơ hội, thách thức và giải pháp”.
Tính đến ngày 20/6/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 18,47 tỷ USD, bằng 90,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, vốn cấp mới là 7,41 tỷ USD; vốn tăng thêm là 2,94 tỷ USD; còn vốn đầu tư qua góp vốn, mua cổ phần là 8,12 tỷ USD.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, đã có 95 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hồng Kông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,3 tỷ USD, chiếm 28,7% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc đứng thứ hai với 2,73 tỷ USD, chiếm 14,8%; Trung Quốc đứng vị trí thứ 3 với 2,29 tỷ USD, chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư...