Chàng trai tốt nghiệp Harvard truyền cảm hứng cho hàng trăm nghìn người

Câu chuyện tóm tắt hành trình đầy gian nan trước khi cầm tấm bằng Harvard của một chàng trai được chia sẻ hơn 205.000 lượt trên Facebook. 
Shannon Satonori Lytle nhận bằng Harvard ngày 25/5.
Ngày 25/5, Shannon Satonori Lytle trở thành tân cử nhân Đại học Harvard (Mỹ). Anh đánh dấu chặng đường đã qua bằng một bài đăng trên Facebook, hiện đạt hơn 205.000 lượt chia sẻ từ cộng đồng. 

"Khi học cấp ba, tôi làm thêm ở McDonald's để có thể trả phí thi SAT. Tôi nuôi nấng và chăm sóc ba đứa em cho đến khi chúng ngủ, thức đến 4h sáng để làm bài tập về nhà.

Tôi đi qua đoạn đường đầy nguy hiểm của thành phố sau giờ làm thêm để trở về bởi vì không thể mua được một chiếc xe. Tôi lôi máy tính ra khỏi cửa sổ mỗi đêm để dùng trộm wifi nhà hàng xóm, hoàn thành nhiệm vụ ở trường.

Tôi bị chế nhạo và bị nói, "ở khu vực này của Ohio, chỉ có con cái của bác sĩ hay luật sư mới có thể vào được các trường Ivy League". Ở trường đại học, tôi hoảng sợ khi máy tính hỏng bởi tôi đã làm việc 150 giờ lương tối thiểu mới đủ tiền mua nó.

Tôi đã cọ toilet, xếp sách, bán quần áo để theo đuổi ước mơ và du lịch khắp thế giới. Trong suốt cuộc đời mình, tôi đã phải cầu khẩn đến mọi loại trợ cấp và phiếu giảm giá.

Tôi là con trai của một nhân viên kho hàng và là một người nhập cư, là thế hệ sinh viên đầu tiên trong gia đình. Hôm nay, tôi tốt nghiệp Harvard".

Nhiều người chia sẻ đã khóc khi đọc bài viết này. Câu chuyện của Lytle truyền cảm hứng mạnh mẽ đến những người có cuộc sống đủ đầy hơn. Mike Moxley, một người bạn cùng trường tiểu học của anh cũng để lại bình luận: "Tôi nhớ cậu luôn rất chăm chỉ.

Cậu học giỏi nhất ở mọi môn học, thậm chí còn có thể chơi violin rất hay. Cậu luôn làm tốt nhất có thể, tôi tưởng tượng những điều tuyệt vời sẽ tiếp tục xảy ra với cậu từ bây giờ". 

Trả lời Teen Vogue, tân cử nhân ngành khoa học máy tính chia sẻ anh thường cảm thấy kém cỏi vì tình trạng kinh tế xã hội của mình. Tuy nhiên, những trở ngại cá nhân đó không thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ.

"Hãy ngẩng cao đầu, xắn tay áo, làm việc chăm chỉ vì mỗi người đều có giá trị riêng và xứng đáng với cơ hội trở thành người họ muốn", Lytle nói. 

Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục