Chẳng giống ai!

Từ đầu năm tới nay, TTCK Việt Nam đã có sự suy giảm khá mạnh, ảnh hưởng không chỉ đến "túi tiền" của nhà đầu tư, mà còn ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty chứng khoán (CTCK). Để có thể giữ chân nhà đầu tư, đồng thời chia sẻ bớt khó khăn, nhiều CTCK đã giảm mức phí môi giới trung bình từ 0,4% xuống 0,2%. Thậm chí, một số công ty còn khuyến mãi phí giao dịch xuống còn 0% để thu hút khách hàng mới. Rõ ràng, trong giai đoạn hiện nay, khách hàng là thượng đế mà CTCK phải hết lòng phục vụ. Ấy thế mà, lại có một số CTCK tìm cách chèn ép nhà đầu tư bằng cách đặt ra những khoản thu phí chẳng giống ai(!)
Trong giai đoạn hiện nay, khách hàng là thượng đế mà CTCK phải hết lòng phục vụ Trong giai đoạn hiện nay, khách hàng là thượng đế mà CTCK phải hết lòng phục vụ

Trong một buổi "đàm đạo" về "bí kíp võ công" trên TTCK, một anh bạn mở tài khoản ở CTCK G. bày tỏ bức xúc về việc bị thu phí hủy lệnh một cách vô lý vào buổi sáng hôm đó. Tất cả mọi người đều phản đối: làm gì có cái gọi là "phí hủy lệnh" cơ chứ! Thế nhưng, chỉ khi anh này đưa sao kê tài khoản ra thì mọi người mới tin là thật.

Chuyện là anh này đặt bán một mã chứng khoán đầu phiên, nhưng thị trường đảo chiều khiến lệnh không thể khớp, anh này bèn hủy lệnh để đặt lại ở mức giá thấp hơn. Thế nhưng, do thị trường thay đổi quá nhanh khiến lệnh của anh không thể khớp. Vài lần như vậy nhưng khi hạch toán thì anh mới phát hiện ra mình bị thu phí hủy lệnh. Mỗi lần hủy lệnh là 30.000 đồng, được áp dụng từ đầu tháng 8. Tính ra, chứng khoán không bán được mà anh còn bị lỗ thêm do phải chịu khoản phí "trời ơi" này. Thêm vào đó, tính trên giá trị chứng khoán, nếu giao dịch thành công thì khoản phí hủy lệnh trên còn cao hơn cả phí môi giới.

Đem chuyện này kể cho một "chuyên gia" bám sàn chứng khoán từ rất lâu, anh này cho biết, đầu năm 2007, khi TTCK Việt Nam đang nóng, cũng có một CTCK chèn  ép khách hàng bằng cách đặt ra một số loại phí còn "oái oăm" hơn nhiều. Chỉ cần mỗi lần nhà đầu tư đặt lệnh, CTCK sẽ thu phí 5.000 đồng/lệnh mà chưa cần biết lệnh có thành công hay không. Để hủy lệnh, nhà đầu tư mất thêm 100.000 đồng nữa. Tuy nhiên, chính vì quy định chèn ép như vậy đã khiến hàng loạt khách hàng phản ứng "tẩy chay" CTCK đó. Tất nhiên, đấy là lúc thị trường còn rất nóng và số CTCK còn rất ít, chứ trong thời điểm hiện nay thì chẳng khác nào là hành động "đuổi khách". Tình cờ dạo qua website CTCK F., tôi đọc được biểu phí của CTCK này đối với khách hàng, trong đó lại có thêm một loại phí "có một không hai" khác là phí duy trì tài khoản 100.000 đồng/tháng. Rất may là CTCK này chưa áp dụng mức phí trên. Nhưng chẳng biết khi nào họ lại hứng chí đặt ra nhiều loại phí "chẳng giống ai" nữa.

Được biết, hiện nay biểu mức thu phí trong lĩnh vực chứng khoán của Bộ Tài chính chỉ quy định về mức thu phí giao dịch theo giá trị giao dịch thành công. Không biết liệu CTCK tự ý đặt ra mức thu phí hủy lệnh có vi phạm quy định hiện hành? Chỉ biết rằng, tất cả chúng tôi - những nhà đầu tư chứng khoán "còn đủ sức" bám trụ trên sàn đến nay đều bảo nhau: hãy tránh xa những CTCK thích ghi tên mình vào kỷ lục “thu phí” như thế.

Anh Đức, Hà Nội
Anh Đức, Hà Nội