Chặng đường phát triển ngân hàng qua góc nhìn kiểm toán

(ĐTCK) Từ những ngày đầu thành lập cho đến nay, ngành ngân hàng đã đạt được nhiều thành tựu, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của toàn ngành kinh tế. 
Với sự cập nhật công nghệ, các sản phẩm ngân hàng ngày càng phong phú, đa dạng Với sự cập nhật công nghệ, các sản phẩm ngân hàng ngày càng phong phú, đa dạng

Đặc biệt, trong hơn 2 thập kỷ vừa qua, các ngân hàng đã có những dịch chuyển đáng kể, các công ty kiểm toán độc lập cũng là một trong những đơn vị được chứng kiến sự thay đổi lớn mạnh của các ngân hàng từ năng lực nội tại cho đến quy mô, mạng lưới; được chứng kiến sự chuyển mình trong phương thức vận hành từ thủ công thô sơ đến ứng dụng công nghệ hiện đại.

Cùng nhìn lại chặng đường đồng hành đã qua để thấy được một hành trình “khổ tận cam lai”, cũng như thấy được sự thay đổi vượt bậc của các ngân hàng trong thời gian vừa qua. 

Những ngày đầu gian khó

Những ngày đầu kiểm toán, khi mọi thứ còn rất thô sơ, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào vận hành ngân hàng còn là một khái niệm mới, việc kiểm toán cũng được thực hiện vô cùng thủ công. Bảng cân đối kế toán (trial balance) với hàng trăm tài khoản kế toán được in ra và đối chiếu thủ công; các sao kê tiền gửi, tiền vay với hàng ngàn tài khoản khách hàng được in ra và rà soát bằng tay.

Với thực tế như vậy, các công ty kiểm toán phải thực hiện các thủ tục kiểm toán dựa trên tài liệu bằng giấy, nhiều khi phải chép lại thông tin và dữ liệu từ tài liệu giấy vào các file trên máy tính.

Mọi việc trở nên khó khăn hơn nữa khi hệ thống kế toán ngân hàng vừa được ban hành, còn bỡ ngỡ để áp dụng (theo Quyết định số 269-QĐ/NH2 ngày 04-12-1992 và Thông tư số 16-TT/NH2 ngày 12-12-1992). Trong khi đó, chưa có hệ thống các chuẩn mực kiểm toán, chỉ có một nghị định ngắn gọn ban hành về quy chế hoạt động của kiểm toán độc lập (Nghị định 07/CP ban hành ngày 29/1/1994). Những hạn chế về chính sách, về hệ thống đã khiến cho cả ngân hàng và kiểm toán đều phải vừa đi vừa mò mẫm để tìm kiếm lối ra.

Chính vì những hạn chế đó mà giai đoạn này, các công ty kiểm toán ít có cơ hội để hỗ trợ ngân hàng trong việc hoàn thiện hệ thống kiểm soát, hoàn thiện quy trình…, vì hầu hết nguồn lực đều tập trung vào việc hoàn tất nhiệm vụ kiểm toán. 

Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Dịch vụ tài chính ngân hàng, EY Việt Nam  

Những dịch chuyển đầy khởi sắc

Thứ nhất là những cập nhật về chính sách. Cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, một loạt các văn bản quy phạm pháp luật điều tiết hoạt động của ngân hàng ra đời, mở ra một trang mới với nhiều đổi thay của ngành ngân hàng, trong đó đặc biệt phải kể đến Luật Các tổ chức tín dụng (1997).

Thêm vào đó là sự ra đời của các chuẩn mực kế toán, các thông tư hướng dẫn đi kèm đã giúp cho mọi thứ trở nên rõ ràng hơn, các nút thắt dần được tháo gỡ, hỗ trợ ngành ngân hàng vận hành ngày càng thông suốt.

Cùng với sự lớn mạnh của các ngân hàng, theo thời gian, các chính sách được ban hành đã ngày càng tiệm cận với thông lệ quốc tế, mang hơi hướng quy chuẩn hiện đại. Đây chính là nền tảng vững chắc tạo đà cho sự phát triển của hệ thống ngân hàng, theo đó, các ngân hàng đã có sự “lột xác” hoàn toàn cả diện mạo bề ngoài lẫn nội lực bên trong, từ hệ thống mạng lưới với mức độ bao phủ cao đến năng lực nội tại với nền tảng bền vững và an toàn.

Bên cạnh đó, việc nâng cấp hệ thống văn bản chính sách này cũng đã ảnh hưởng tích cực đến chất lượng của các cuộc kiểm toán ngân hàng. Những quy định mới với các hướng dẫn cụ thể đã trở thành một trong những công cụ hữu hiệu trong việc giúp ngân hàng và kiểm toán tìm được tiếng nói chung - cơ sở của sự hợp tác bền vững và lâu dài.  

Thứ hai, sự nâng cấp về công nghệ. Từ thực trạng hệ thống ngân hàng lõi (core banking) còn rất thô sơ hoặc không có thì đến năm 2002, kết thúc giai đoạn I của Dự án Hiện đại hoá ngân hàng, cả nước có 6 ngân hàng xây dựng được core banking hiện đại, và đến nay hầu hết các ngân hàng đã ứng dụng rất nhiều công nghệ mới vào hoạt động hàng ngày (từ core banking cho đến các ứng dụng khác như Treasury, Thẻ, Tài trợ thương mại, v.v…). 

Có thể nói, từ đây, các ngân hàng như được thổi một luồng sinh khí mới, mọi hoạt động chính đã được tự động hóa ở mức độ cao, giúp rút ngắn thời gian xử lý giao dịch, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Nhận thức được công nghệ thông tin là nền tảng cho hoạt động của một ngân hàng hiện đại, bên cạnh việc ứng dụng corebanking, các ngân hàng đã tích cực ứng dụng các giải pháp phần mềm để nâng cao trải nghiệm khách hàng, tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường, ví dụ như việc sử dụng dịch vụ ATM, POS, e-banking, mobile banking…

Bên cạnh đó, sự thay đổi trong nhận thức cùng với việc tiếp nhận các khuyến nghị của kiểm toán trong việc nâng cao mức độ tự động hóa nhằm tối đa hóa hiệu quả trong vận hành và xử lý nghiệp vụ đã là động lực để các ngân hàng triển khai một loạt các hệ thống phần mềm như MIS, GL ngoài core, Datawarehouse….

Với những thay đổi mang tính quyết định này, ngành ngân hàng đã đạt được những bước tiến lớn trong việc thay đổi phương thức điều hành, dần dần thu hẹp khoảng cách với các ngân hàng trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, khi những quy trình thủ công trước kia đã được thay đổi bằng việc ứng dụng phần mềm tiện ích, với mức độ tự động hóa ngày càng cao thì cũng chính là lúc cách tiếp cận cho các cuộc kiểm toán ngân hàng được đổi mới, từ đó, ngày càng giúp nâng cao năng lực của các công ty kiểm toán.

Thứ ba, thay đổi về con người. Khi sản phẩm, dịch vụ còn chưa phong phú và đa dạng, quy trình nghiệp vụ còn đơn giản và thủ công thì các kỹ năng và năng lực của nhân viên ngân hàng cũng có phần hạn chế. Tuy nhiên, sự nâng tầm của hệ thống pháp luật và cơ sở hạ tầng CNTT trong hoạt động ngân hàng đã buộc nhận thức, kỹ năng và kinh nghiệm của con người có sự “thay da, đổi thịt”.

Sự cải thiện của chất lượng sản phẩm dịch vụ và khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng là minh chứng xác đáng cho sự thay đổi trong tư duy quản trị của các lãnh đạo ngân hàng. Đồng thời, sự mở cửa của thị trường đã tạo cơ hội cho nguồn nhân lực ngân hàng được tiếp cận với những cách thức quản lý tân tiến, hiện đại, được cập nhật những chuẩn mực mới trong quản lý và điều hành ngân hàng như Basel, IFRS…

Những yếu tố này đã từng bước tạo nên nguồn nhân lực chất lượng - nhân tố chính có thể hiện thực hóa được tầm nhìn và sứ mệnh của các ngân hàng.

Chặng đường phía trước

Có thể nói, ngành ngân hàng đã trải qua một chặng đường dài nhiều thử thách nhưng cũng nhiều vinh quang, đóng góp lớn cho sự phát triển của nền kinh tế cả nước. Trước sự chuyển mình của nền kinh tế trong nước cũng như kinh tế khu vực và thế giới, các ngân hàng sẽ phải chuẩn bị tâm thế vững vàng để tiếp tục cuộc hành trình không kém phần gian nan và nhiều thách thức phía trước. 

Việc gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là một ngã rẽ mang tính quyết định, ảnh hưởng đến những bước đi chiến lược của các ngân hàng trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt. Sự mở cửa của thị trường tài chính sẽ là cơ hội bước chân vào Việt Nam của một loạt các ngân hàng lớn trong khu vực, do đó, sẽ đặt các ngân hàng nội vào một tình huống nan giải trong việc giữ vững thị phần và nâng cao kết quả kinh doanh. Việc hoàn thiện năng lực nội tại trong quản lý và điều hành là một yêu cầu tất yếu đòi hỏi các ngân hàng phải thay đổi tư duy quản trị, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng, đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng.

Số hóa ngân hàng là một xu thế phát triển tất yếu và nếu các ngân hàng tự đặt mình ngoài guồng quay này thì tương lai có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất khách hàng, suy giảm doanh thu trong khi chi phí hoạt động thì vẫn là một gánh nặng lớn.

Bên cạnh đó, gần đây, sự phát triển vượt bậc của công nghệ tài chính (fintech) và sự thâm nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường tài chính của các công ty công nghệ tài chính đã buộc các ngân hàng trên toàn cầu phải tư duy lại phương thức hoạt động của mình bằng việc áp dụng và triển khai các công nghệ mới nhất, hiện đại nhất. Hầu hết các ngân hàng truyền thống đều đang chuyển mình để kịp thích nghi với những thay đổi của thời đại công nghệ.

Có thể nói, số hóa ngân hàng là một xu thế phát triển tất yếu và nếu các ngân hàng tự đặt mình ngoài guồng quay này thì tương lai có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất khách hàng, suy giảm doanh thu trong khi chi phí hoạt động thì vẫn là một gánh nặng lớn.

Tại Việt Nam, các ngân hàng mới chỉ đặt những bước chân đầu tiên trên con đường số hóa như sử dụng mobile banking, internet banking là một kênh phân phối sản phẩm dịch vụ đến khách hàng; và chặng đường phía trước để đến đích còn rất dài.

Việc thay đổi trong chính sách vĩ mô, cùng với cơn lốc của toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại đã khiến các ngân hàng buộc phải thay đổi, và do vậy, để có thể thực hiện kiểm toán hay tư vấn cho các ngân hàng trong điều kiện hiện nay, các công ty kiểm toán cũng cần phải thay đổi. Bên cạnh việc duy trì tính độc lập, đảm bảo tuân thủ các quy định về đạo đức nghề nghiệp, tư duy huớng đến khách hàng, hiểu biết sâu sắc về hoạt động của khách hàng, các nghiệp vụ khó và đặc thù cũng như nắm bắt được các xu thế công nghệ mới là việc hết sức cần thiết và tất yếu. Việc lấy khách hàng làm trọng tâm (customer centric) không chỉ đúng với ngân hàng mà còn đúng với công ty kiểm toán.

Hành trình phía trước của ngành ngân hàng nói riêng và việc kiện toàn vai trò của thị trường vốn nói chung trong quá trình hội nhập còn nhiều thách thức, và vì thế, sự nỗ lực và quyết tâm từ nhiều phía (các cơ quan quản lý, công ty kiểm toán độc lập, ngân hàng) sẽ là chìa khóa cho sự hội nhập thành công.

Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Dịch vụ tài chính ngân hàng, EY Việt Nam


Đặc san Toàn cảnh ngân hàng 2016

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục