Bài 5: Xu thế không thể đảo ngược
Cuối tuần qua, khi tiếp xúc cử tri tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh tinh thần của Đảng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “cuộc chiến đấu” vẫn đang tiếp tục; đã và đang làm những vụ việc trọng tâm, trọng điểm. “Còn mấy vụ sắp tới sẽ làm, các vụ tồn lâu rồi, nổi tiếng rồi, thậm chí chạy trốn đi rồi, nhưng tôi bảo trốn cũng không thể trốn được. Ai bao che cũng không được, ai bao che xử lý người bao che”, Tổng Bí thư nhấn mạnh quyết tâm làm đến cùng các vụ việc.
Theo Tổng Bí thư, đảm bảo xử lý nghiêm minh, nhưng kèm đó là tinh thần giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, để người khác tránh không đi vào “vết xe đổ”, bởi “không thích thú gì kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình”.
Thông điệp của người đứng đầu Đảng về tinh thần “cuộc chiến” đã rõ ràng, và đó chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho những cuộc “đi đêm”, cái “bắt tay” bẩn giữa những tổ chức, cá nhân làm ăn bất chính ở khu vực ngoài nhà nước với những cán bộ, lãnh đạo thoái hóa, biến chất ở khu vực công để trục lợi, hại nước, hại dân.
Sự cấu kết đó của chúng, dù có tinh vi, phức tạp đến đâu, thì cũng sẽ bị chặn đứng bởi sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn hệ thống chính trị, với những quyết sách đúng đắn; kịp thời bịt những lỗ hổng, kẽ hở về cơ chế, luật pháp; đồng thời xử lý nghiêm minh, có tình, có lý.
Một trong những bước đi đúng, trúng đó là chủ trương mở rộng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sang khu vực ngoài nhà nước, với nhiều vụ việc “nóng” được dư luận quan tâm hiện nay. Đó là minh chứng khẳng định, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, với quyết tâm chính trị rất cao, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội; trở thành “xu thế không thể đảo ngược” như Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định.
Cùng với đó là tinh thần của Đề án “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” mà Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII vừa cho ý kiến, được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, là phải “hoàn thiện đồng bộ, đầy đủ hệ thống pháp luật, vận hành thông suốt, thống nhất bộ máy nhà nước và các lĩnh vực của đời sống xã hội; phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong thực hiện quyền lực nhà nước; tăng cường kiểm soát quyền lực; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tinh gọn, liêm chính; phòng, chống có hiệu quả tham nhũng, tiêu cực”. Chúng ta tin tưởng, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ tiếp tục đạt được những kết quả cao tương xứng với kỳ vọng, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; củng cố hơn nữa niềm tin của nhân dân; xây dựng môi trường phát triển kinh tế - xã hội ổn định, minh bạch, đưa đất nước phát triển bền vững và thịnh vượng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012 - 2022 và định hướng hoạt động thời gian tới, ngày 30/6/2022. |
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ làm “chùn bước” người có động cơ không trong sáng
Không phải như một số ý kiến cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm, làm “chậm” sự phát triển đất nước; mà hoàn toàn ngược lại. Chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Đặc biệt là góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân, bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”.
Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng và xây dựng, làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm.
(Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012 - 2022 và định hướng hoạt động thời gian tới, ngày 30/6/2022).
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh |
Doanh nhân liêm chính luôn nói không với tham nhũng, tiêu cực.
- Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Tôi mong muốn tầng lớp doanh nhân lựa chọn con đường phát triển phồn vinh, thịnh vượng dựa trên nền tảng của việc thực hành đạo đức doanh nhân và những chuẩn mực của văn hóa kinh doanh. Liêm chính và trách nhiệm xã hội là những phép thử đầu tiên về sự cống hiến của doanh nghiệp, doanh nhân.
Trong hoạt động kinh doanh, liêm chính là tấm hộ chiếu thông hành để doanh nhân chiếm lĩnh niềm tin của khách hàng đối với sản phẩm, dịch vụ. Sự liêm chính của doanh nhân thể hiện ở việc tuân thủ pháp luật, minh bạch các thông tin về sản phẩm và doanh nghiệp của mình và luôn nói không với tiêu cực, tham nhũng.
(Trích phát biểu tại Hội thảo khoa học Đạo đức doanh nhân và Văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới, Hà Nội, tháng 10/2022)
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội |
Thực hành tốt quản trị công ty góp phần ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực.
- Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Khung khổ pháp lý về quản trị công ty, tự kiểm soát nội bộ, phòng ngừa tham nhũng, chống xung đột lợi ích đã có. Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định, các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế ngoài nhà nước ban hành, thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa xung đột lợi ích, ngăn chặn hành vi tham nhũng và xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh. Luật Doanh nghiệp cũng có nhiều quy định về trách nhiệm trung thành, trung thực, cẩn trọng của người quản lý công ty trong hành động vì lợi ích công ty, kiểm soát giao dịch có nguy cơ phát sinh tư lợi. Do đó, thực hành tốt quản trị công ty sẽ góp phần ngăn chặn sự cấu kết, “bắt tay” trục lợi giữa khu vực ngoài nhà nước và cán bộ suy thoái.
Tuy nhiên, để giải quyết căn bản vấn đề, vẫn cần một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, mà ở đó, doanh nghiệp có thể phát triển bằng chính năng lực cạnh tranh của mình.
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương) |
Phát huy vai trò tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao chất lượng đảng viên.
- Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương)
Có thể nói, ở nhiều vụ việc vừa qua, vai trò lãnh đạo, quản lý, kiểm tra, giám sát, “nắm” cán bộ, đảng viên của các tổ chức cơ sở Đảng còn yếu kém, bị buông lỏng, chưa kịp thời phát hiện vi phạm, hoặc phát hiện, nhưng không xử lý kịp thời, nghiêm minh, để vi phạm kéo dài, từ vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, dẫn đến hậu quả lớn hơn, mất cả cán bộ, đảng viên, mất niềm tin của nhân dân.
Do đó, phải kết hợp kiểm tra, giám sát của cấp trên với tự kiểm tra, giám sát ở cấp dưới; phải làm có trọng tâm, trọng điểm, xem xét vai trò người đứng đầu, chú trọng những lĩnh vực có nguy cơ cao xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII yêu cầu, cán bộ, lãnh đạo tham gia sinh hoạt Đảng ở chi bộ, tổ chức nào mà tổ chức đó xảy ra vi phạm, sai phạm, thì cũng phải xem xét trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo đó. Đây thực chất là nâng cao chất lượng đảng viên, nâng cao ý thức, trách nhiệm của đảng viên đối với tổ chức, đơn vị mình.
PGS-TS. Lê Văn Cường, Phó viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) |
Chú trọng xây dựng thể chế, theo kịp thực tiễn.
- PGS-TS. Lê Văn Cường, Phó viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)
Ngày nay, tham nhũng, tiêu cực như vòi bạch tuộc, cấu kết với nhau, khu vực tư có thể là “sân sau”, “hút” tài sản từ khu vực công ra để trục lợi. Như vụ Việt Á, khi một doanh nghiệp tư nhân thao túng cán bộ ở tổ chức, cơ sở công, trục lợi hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng, thì đó cũng chính là tiền từ ngân sách, là tiền của dân bị “rút ruột”, đổ vào túi các cá nhân. Nó không chỉ làm thất thoát tài sản của Nhà nước, của xã hội, mà đau xót hơn là “thất thoát” về cán bộ, mất niềm tin của nhân dân.
Do đó, mở rộng đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực ra khu vực ngoài nhà nước là cấp thiết, kịp thời. Tôi cho rằng, trong nhiều vấn đề, thì xây dựng thể chế rất quan trọng và phải theo kịp thực tiễn, ngăn chặn việc lợi dụng chính sách chưa có, hoặc có nhưng còn lỏng lẻo để trục lợi, gây thiệt hại cho xã hội.
Một số bài học kinh nghiệm về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Đặc biệt chú trọng công tác cán bộ. Đánh giá, lựa chọn, bố trí đúng cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý; tăng cường quản lý, giáo dục, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Coi trọng công tác phòng ngừa, kết hợp chặt chẽ với xử lý nghiêm khắc những hành vi tham nhũng, tiêu cực; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, giải quyết từ sớm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.
Kết hợp giữa trừng trị với khoan hồng. Đồng thời bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nhất là việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức, viên chức.
(Trích Báo cáo Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 của Chính phủ gửi Quốc hội, phục vụ kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV khai mạc sáng mai, 20/10/2022)