Một số cổ phiếu ngành sản xuất như HPG, DPM, PVD, VNM, VSH, PPC đạt được kết quả kinh doanh khả quan nhờ giá sản phẩm đầu ra tăng cao, dự trữ nguyên vật liệu đầu vào giá rẻ và nguồn đầu vào ổn định. Do giá thép tăng cao và lợi thế có nhà máy phôi thép nên trong 6 tháng đầu năm, HPG đã vượt chỉ tiêu lợi nhuận cả năm 2008 tới 14,5%. Bên cạnh nhu cầu sử dụng dịch vụ khai thác, thăm dò dầu khí đang tăng cao, sự ổn định về doanh thu và lợi nhuận đến từ hoạt động cho thuê giàn khoan khiến PVD được giới phân tích đánh giá, Công ty sẽ vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2008. Tương tự là DPM, 6 tháng đầu năm đã hoàn thành 64% kế hoạch doanh thu và 77% kế hoạch lợi nhuận cả năm. VNM cũng là công ty có khả năng sẽ hoàn thành lợi nhuận kế hoạch cả năm, bất chấp các khó khăn về kinh tế.
Với VSH, do tính chất ngành, sản lượng điện của Công ty phụ thuộc vào quy trình tích nước tại các hồ chứa do điều kiện thuỷ văn từng năm. Sáu tháng đầu năm, cả hai nhà máy của VSH đều hoạt động hết công suất do lượng nước dồi dào. VSH có khoản đầu tư tài chính hơn 3 triệu cổ phiếu PPC mua với giá xấp xỉ mệnh giá nên không cần trích lập dự phòng. Nhiều khả năng VSH cũng sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Một DN ngành điện khác là PPC, tuy đạt được kết quả kinh doanh tốt trong 6 tháng đầu năm, nhưng Công ty có nguy cơ rủi ro về tỷ giá với khoản vay nợ 36,2 tỷ yên và khoản trích lập dự phòng đầu tư tài chính lớn. Mặt khác, trong 6 tháng cuối năm, tổ máy số 5 của Nhà máy Phả Lại 2 sẽ phải tạm dừng để sửa chữa định kỳ với chi phí lên tới 265 tỷ đồng, được phân bổ cho 4 năm. Một chuyên viên phân tích của CTCK KimEng nhận định, cổ phiếu PPC hiện ẩn chứa khá nhiều rủi ro.
![]() |
Sự tăng trưởng mạnh của FPT có lý do đến từ một loạt hợp đồng ký kết trong quý IV/2007 và quý I/2008, đà tăng trưởng tiếp tục diễn ra trong quý II/2008. Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm, nhu cầu các mặt hàng có thể giảm khiến Công ty phải điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận. Bộ phận phân tích của CTCK HSC nhận định, EPS năm 2008 của FPT có khả năng giảm nhẹ, nhưng đây là cổ phiếu khá hấp dẫn đối với các NĐT dài hạn.
ITA với hoạt động chính là vận hành cơ sở hạ tầng, quản lý khu công nghiệp, có rào cản gia nhập tương đối cao, mức độ cạnh tranh không gay gắt. Các khó khăn vĩ mô 6 tháng đầu năm, đặc biệt là thị trường bất động sản ảm đạm, dường như chưa tác động tiêu cực đến lợi nhuận của ITA. Đặc thù của ngành bất động sản là các dự án lớn, triển khai trong thời gian dài và nghiệm thu một lần nên chưa thể đánh giá hoạt động của VIC và SJS, dù mức lãi 78 tỷ đồng khá thấp đối với một DN có quy mô như VIC, doanh thu và lợi nhuận sụt giảm mạnh trong sáu tháng đầu năm của SJS. VPL rất khó nhận xét khi các thông tin đến với NĐT hạn chế.
Hoạt động sản xuất của KDC mang tính chu kỳ, chỉ thực sự sôi động trong nửa cuối năm với hai dịp Tết Trung Thu và Tết Âm lịch. Sự giảm sút lợi nhuận của KDC trong 6 tháng đầu năm có thể là do chi phí đầu vào tăng. Kết quả kinh doanh của ANV chịu ảnh hưởng từ sự biến động tỷ giá, chính sách tín dụng ngân hàng từ quý I. Sản phẩm của Công ty hướng ra thị trường xuất khẩu nên chịu tác động mạnh mẽ từ biến động của nền kinh tế thế giới. Chuyên viên phân tích của CTCK SSI cho rằng, ANV khó hoàn thành mục tiêu lợi nhuận năm nay.
Nếu ngành sản xuất gặp thuận lợi thì ngành tài chính, ngân hàng lại gặp nhiều khó khăn. 6 tháng đầu năm, STB đạt 754 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm trước; tổng tài sản gần 74.875 tỷ đồng, tăng 95%; tổng huy động đạt hơn 64.230 tỷ đồng, dư nợ cho vay hơn 38.330 tỷ đồng. Tuy nhiên, STB đã điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2008 từ 2.000 tỷ đồng xuống còn 1.500 tỷ đồng. Với SSI, đối mặt với các khó khăn trước mắt, Công ty đã phải bán ra một số cổ phiếu tốt như PVD. Khoản lỗ 27 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm đến từ việc trích lập dự phòng đầu tư tài chính 439 tỷ đồng.