Chặn domino thanh khoản...

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tình trạng chung được nhiều chuyên gia kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ gần đây là kể cả doanh nghiệp tốt cũng không thể huy động vốn qua trái phiếu hay ngân hàng, huy động qua phát hành cổ phiếu đóng băng cùng với đà rớt giá thảm của TTCK.
Chặn domino thanh khoản...

Doanh nghiệp thiếu vốn sẽ khó hoạt động, tác động domino tiếp theo là thất nghiệp, phá sản, thất thu thuế. Gánh nặng kinh tế, xã hội đè lên năm 2023 và xa hơn.

Khi niềm tin yếu ớt, người dân và doanh nghiệp co về phòng thủ, tiền còn kẹt ở đâu? Một lượng tiền rất lớn, hàng trăm nghìn tỷ đồng của ngân sách qua phát hành trái phiếu chính phủ để thực hiện đầu tư công phục vụ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế chưa chi được.

Giới chuyên gia còn chỉ ra yếu tố đáng lo ngại khác là tiêu dùng, sau giai đoạn đầu bùng nổ khi nền kinh tế mở cửa trở lại hậu Covid-19, thì nay đã yếu đi. Trụ cột xuất khẩu từ khoảng quý III/2022 đến nay có dấu hiệu suy yếu và dự báo sang năm 2023 còn khó khăn. Khi 3 trụ cột tăng trưởng này đều kém tích cực, doanh nghiệp càng lao đao hơn.

Muốn tháo gỡ, phải tiến hành song song nhiều giải pháp. Hai chuyên gia khách mời của Talkshow trực tuyến “Chọn Danh mục” do Đầu tư Chứng khoán thực hiện tuần qua đều nhấn mạnh đến câu chuyện giải quyết bất ổn trên thị trường trái phiếu, khơi thông thị trường bất động sản, phân loại để không cào bằng việc siết vốn…

Ở tình huống đặc biệt thì cần những giải pháp bất thường, phải vì đại cục, vì lợi ích lớn của nền kinh tế, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương nêu quan điểm, thay vì khư khư cách nghĩ "cứu bất động sản là cứu người giàu, người nghèo không có tiền mua nhà". Với tỷ lệ đóng góp trực tiếp xấp xỉ 10% GDP, chưa kể đóng góp gián tiếp, chỉ có gỡ rối cho khu vực doanh nghiệp này mới mong gỡ rối cho cả nền kinh tế. Họ thoi thóp, nhiều ngành nghề khác cũng chết lâm sàng.

Nhìn ra khu vực, Trung Quốc, Hàn Quốc đều phải xắn tay áo khẩn trương xử lý các vấn đề của thị trường trái phiếu và thị trường bất động sản. Những gói hỗ trợ mà các nền kinh tế này đưa ra lên tới hàng chục, hàng trăm tỷ USD để giải cứu thị trường. Trước đây, Thái Lan cũng có những giải pháp tương tự. Nếu làm chậm, hậu quả là khó lường khi sức khỏe của doanh nghiệp hiện nay vô cùng mong manh.

Tất nhiên, không phải doanh nghiệp chỉ trông chờ vào các biện pháp giải cứu từ Nhà nước, vì nếu họ làm vậy, có lẽ đã đóng cửa từ lâu. Các giải pháp từ khi có ý tưởng đưa ra đến lúc được thực hiện là khoảng thời gian khó ước tính, chưa kể giải pháp có đi vào cuộc sống hay không. Việc gói vay hỗ trợ lãi suất 2% cho các doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 giải ngân được tỷ lệ rất nhỏ là minh chứng.

Khi doanh nghiệp còn khó khăn bộn bề, các chỉ số chứng khoán là tấm gương phản chiếu rõ nét. Tuần qua, dù có vài phiên tăng điểm nhưng những nhà đầu tư có kinh nghiệm đều cho rằng đó chỉ là pha hồi kỹ thuật và thị trường khó có thể đi xa khi thiếu nền tảng.

Bởi vậy, câu chuyện được trông chờ hiện nay là sự quyết liệt của cơ quan quản lý trong việc chung tay gỡ tắc nghẽn nền kinh tế, mà “điểm nổ” chính là việc gỡ nghẽn dòng tiền như chủ đề Tiêu điểm của số báo mà bạn đọc đang cầm trên tay.

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục