Chặn cửa mua gian, bán lận trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ

0:00 / 0:00
0:00
Không chỉ nâng cao chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các quy định mới cũng bịt lỗ hổng bán chui trái phiếu cho nhà đầu tư không chuyên qua hình thức hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Chặn cửa mua gian, bán lận trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ

Mua bán chui trái phiếu có thể bị xử lý hình sự

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho hay, dù Nghị định 153/2020/NĐ-CP đã quy định chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ, song thời gian qua, rất nhiều đơn vị đã lách luật. “Đây là khoảng trống pháp lý lớn của Nghị định 153/2020/NĐ-CP và Nghị định 65/2022/NĐ-CP vừa được ban hành đã bịt được lỗ hổng này”, ông Hà nhận xét.

Cụ thể, Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ quy định: nhà đầu tư không được bán hoặc cùng góp vốn đầu tư trái phiếu với nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp dưới mọi hình thức.

Nghị định nêu rõ, trường hợp nhà đầu tư vi phạm quy định của pháp luật, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, hoặc xử lý hình sự tùy theo tính chất và mức độ vi phạm. Nghị định cũng quy định, các tổ chức cung cấp dịch vụ (nhất là tổ chức phân phối trái phiếu) nếu vi phạm trong mời chào nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu, sẽ bị xử phạt hành chính hoặc hình sự.

Như vậy, Nghị định 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã chặn cửa mua bán chui trái phiếu doanh nghiệp diễn ra rầm rộ thời gian qua, nhiều lần được Báo Đầu tư phản ánh. Thậm chí, sau sự cố Tân Hoàng Minh, tình trạng lách luật bán chui TPDN vẫn diễn ra tràn lan thông qua hình thức ủy thác đầu tư, góp vốn đầu tư…

Tình trạng lách luật bán TPDN cho nhà đầu tư cá nhân không chuyên khiến Bộ Tài chính lo lắng. Trong báo cáo gửi Chính phủ trước đó, Bộ này cho hay, các hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư để mua TPDN trong trường hợp vụ việc Tân Hoàng Minh đặt ra vấn đề về việc cần quy định cụ thể hình thức hợp đồng dân sự này để có biện pháp quản lý phù hợp với bản chất của hoạt động đầu tư vào những sản phẩm trên thị trường chứng khoán.

Thị trường chưa thể sôi động lại, song sẽ chuyên nghiệp hơn

Nghị định 65/2022/NĐ-CP được ban hành giúp các doanh nghiệp thở phào vì điều kiện phát hành trái phiếu không khắt khe như dự thảo trước đó.

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) khẳng định, Nghị định 65/2022/NĐ-CP không phải nhằm thắt chặt thị trường trái phiếu, không bổ sung điều kiện phát hành trái phiếu, chỉ bổ sung các quy định tăng tính minh bạch và tăng khả năng giám sát thị trường.

Nghị định 65/2022/NĐ-CP có tác động tích cực và rất lớn tới thị trường TPDN và góp phần giải quyết vấn đề khát vốn của doanh nghiệp, giải tỏa tâm lý lo sợ rủi ro của nhà đầu tư... Với các quy định chặt chẽ hơn, thị trường TPDN thời gian tới không thể kỳ vọng sôi động như năm 2021. Dù vậy, khung chính sách này thúc đẩy sự thay đổi tích cực, đòi hỏi doanh nghiệp phải tăng cường minh bạch thông tin.

- Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup

Nghị định cũng bổ sung nhóm quy định nâng cao tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư. Cụ thể, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải có danh mục chứng khoán niêm yết giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng, thời gian tối thiểu 180 ngày. Việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp có giá trị trong vòng 3 tháng kể từ ngày được xác nhận.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư mua trái phiếu trong từng giao dịch phải ký cam kết hiểu rõ rủi ro phát sinh trong đầu tư, giao dịch trái phiếu; tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình và tự chịu các rủi ro phát sinh trong việc đầu tư và giao dịch trái phiếu…

Việc nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng như tăng mức độ công khai, minh bạch thông tin của doanh nghiệp phát hành được giới chuyên gia đánh giá tích cực. Tuy nhiên, các quy định chặt chẽ hơn sẽ khiến thị trường TPDN chưa thể sớm sôi động trở lại.

Bà Trần Thị Thu Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SHS cho rằng, Nghị định 65/2022/NĐ-CP sẽ làm “cầu” trên thị trường TPDN sút giảm đáng kể. Trên thực tế, số lượng nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp có danh mục tài sản trên 2 tỷ đồng tối thiểu 180 ngày không nhiều và thường nhà đầu tư chứng khoán cũng không có “khẩu vị” chuyển sang TPDN.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup đánh giá, Nghị định 65/2022/NĐ-CP sẽ hạn chế các doanh nghiệp có dự án kém minh bạch phát hành TPDN riêng lẻ, giúp các doanh nghiệp uy tín, đặc biệt là các công ty đại chúng có cơ hội phát hành thuận lợi hơn. “Nghị định cho phép doanh nghiệp được phát hành trái phiếu để trả nợ, giải tỏa lo lắng cho nhiều doanh nghiệp”, ông Thuân nhận xét.

Mặc dù vậy, ông Thuân cho rằng, việc nâng cao tiêu chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và nâng cao mệnh giá trái phiếu gấp 1.000 lần so với quy định cũ sẽ khiến thị trường có ít nhà đầu tư tham gia hơn, có sự chọn lọc hơn so với trước. Bên cạnh đó, cầu trái phiếu còn kém sôi động do ngân hàng đã cạn room tín dụng. Điểm tích cực là nhờ thông tin minh bạch, nhà đầu tư sẽ yên tâm trở lại.

Thùy Liên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ