Một công ty bảo hiểm phi nhân thọ ở TP. HCM cho biết, sau khi chấn chỉnh lại việc chi trả hoa hồng cho đại lý theo luật định, kết quả là rất tích cực. Trước đây, phải trả hoa hồng cho đại lý lên tới gần 30%, nay chỉ trả 10% khiến các nhân viên bán hàng của công ty hoạt động năng nổ và hiệu quả hơn.
“Không những tiết giảm được khoản phí hoa hồng mà số lượng hợp đồng bảo hiểm lại còn tăng khiến chúng tôi khá bất ngờ”, một lãnh đạo công ty cho biết.
Từ cảnh báo…
Trở về sau một chuyến “vi hành” thanh tra các công ty bảo hiểm phi nhân thọ khắp cả nước từ giữa tháng 6, một quan chức Cục Quản lý - Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) tiết lộ, nhiều sai phạm đã được phát hiện. Khi được hỏi về việc xử lý, ông cho biết, đó mới chỉ là một lời cảnh báo tới các công ty bảo hiểm trên thị trường. “Trong đợt thanh tra tiếp theo, mọi vi phạm đều bị xử lý rất nặng”, ông này nói thêm.
Như ĐTCK đã từng phản ánh trong các số báo trước, Cục Quản lý - Giám sát Bảo hiểm đã quyết tâm siết chặt quản lý tình hình cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ. Thông tư 86/2009/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 12/6/2009 quy định, các doanh nghiệp không được chi trả thêm các loại phí khác làm đội phí hoa hồng cho đại lý bảo hiểm lên quá 10%. Đồng thời, các công ty bảo hiểm cũng không được phép dùng các chiêu thức khuyến mại khi bán hàng.
Cùng tham gia đợt thanh tra vừa qua, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm cũng tiết lộ một chi tiết khá “giật mình”: gần như 100% công ty bảo hiểm có sai phạm trong việc cạnh tranh bán sản phẩm.
Cũng là dễ hiểu khi mà áp lực cạnh tranh trên thị trường là quá lớn với 27 công ty bảo hiểm phi nhân thọ tham gia thị trường. Cạnh tranh bằng việc hạ phí bảo hiểm, các chiêu thức khuyến mại có thể giúp các công ty mở rộng mạng lưới khách hàng. Tuy nhiên, kết quả cuối năm 2008 cho thấy, đa số công ty trên thị trường đều lỗ về nghiệp vụ bảo hiểm.
Chia sẻ với ĐTCK, ông Carlos Vanegas, Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm Liberty Vietnam cho rằng, động thái siết chặt quản lý cạnh tranh của Cục Quản lý - Giám sát Bảo hiểm là hoàn toàn hợp lý và được các doanh nghiệp bảo hiểm ủng hộ.
“Bởi lẽ cạnh tranh lành mạnh là nền tảng của một thị trường phát triển bền vững”, ông Vanegas giải thích.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhắc lại rằng, cái đích “cạnh tranh lành mạnh” không phải bây giờ mới có. Trong vài năm trở lại đây, các công ty đã tìm mọi cách để có thể “lôi kéo” được khách hàng, tới mức một số doanh nghiệp chịu cảnh thua lỗ nghiệp vụ bảo hiểm liên tiếp do phải đền bù nhiều hơn số tiền phí bảo hiểm thu về. Vậy mà tới đầu năm 2009, cơ quan quản lý mới đưa ra Thông tư 86. Dù sao thì, muộn còn hơn không!
…tới xử phạt
Đợt thanh tra đầu tiên vừa kết thúc, một lần nữa đã cho cơ quan quản lý thị trường thấy thực tế chấp hành pháp luật của các công ty bảo hiểm đến mức nào. Lời cảnh báo của cơ quan quản lý được coi như lần “nhắc nhở” cuối cùng trước khi các mức phạt, theo ông Lộc, là “rất nặng” được áp dụng nếu sai phạm được tái diễn.
Trong các đợt thanh tra tiếp theo của năm 2009, ông Lộc cho biết, không ngoại trừ trường hợp xử phạt hành chính mạnh mẽ, hoặc thậm chí rút giấy phép được tiến hành.
“Ví dụ như công ty bảo hiểm cam kết bồi thường cho khách hàng 100 triệu đồng mà tìm cách thoái thác, chỉ chi trả 50 triệu đồng, khi bị phát hiện, ngoài việc bồi thường thêm 50 triệu đồng cho khách hàng, sẽ bị phạt bằng đúng 50 triệu đồng”, ông Lộc nói.
Việc siết chặt quản lý luôn cần phải đi kèm với việc thanh tra, giám sát và xử phạt các vi phạm. Bởi lẽ, nếu không có sự giám sát và xử phạt nghiêm túc mà theo kiểu “giơ cao đánh khẽ” thì mục tiêu “thị trường cạnh tranh lành mạnh” sẽ khó mà đạt được.
Có siết chặt được cạnh tranh bằng hạ phí bảo hiểm, bằng chi trả hoa hồng, bằng khuyến mại, thì cơ quan quản lý mới có thể hướng các công ty bảo hiểm vào cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm, điều mà theo ông Lộc, một số doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức.
Khi cơ quan quản lý ban hành Thông tư 86, đó có thể coi như một lời hứa làm trong sạch thị trường. Những cảnh báo qua đợt thanh tra thứ nhất (sau thông tư này) cho thấy, cơ quan quản lý đã hoàn thành một nửa lời hứa. Chỉ cần nghiêm khắc xử phạt các sai phạm trong các đợt thanh tra tiếp theo, một nửa còn lại sẽ hoàn thành. Khi đó, tự thân các công ty bảo hiểm sẽ tạo nên một “thị trường cạnh tranh lành mạnh”.