Chậm thoái vốn nhà nước: Sẽ quy trách nhiệm cụ thể

(ĐTCK) Theo Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, việc thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp lớn đang niêm yết như Vinamilk, Sabeco, Habeco... diễn ra rất chậm.
Chậm thoái vốn nhà nước: Sẽ quy trách nhiệm cụ thể

Mới đạt 20,1% kế hoạch năm

Việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, theo đánh giá của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, hiện đạt tỷ lệ thấp khi mới thu được 12.099 tỷ đồng, bằng 20,1% kế hoạch năm.

Cụ thể, theo kế hoạch, tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn phải nộp về ngân sách nhà nước theo nghị quyết của Quốc hội là 60.000 tỷ đồng, nhưng hết tháng 9 mới thu về 12.099 tỷ đồng, trong đó thu từ cổ phần hóa 683,8 tỷ đồng, thu từ thoái vốn 11.415,5 tỷ đồng.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết tâm thực hiện để đạt kế hoạch đề ra. Dự kiến, sẽ có nhiều thương vụ thoái vốn được chốt trong quý IV. Tuy nhiên, “bây giờ chưa thể khẳng định năm nay có thu đủ 60.000 tỷ đồng từ cổ phần hóa và thoái vốn về cho ngân sách nhà nước hay không, mà phải đợi đến gần hết tháng 12”, ông Tiến nói.

Nguyên nhân của tình trạng chậm trễ trên, theo Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp là do việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp chưa đăng ký giao dịch, niêm yết gặp vướng mắc khi áp dụng Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Một số bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp nhà nước chưa quyết liệt trong sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp. Điển hình như TP.HCM, đến nay chưa cổ phần hóa được doanh nghiệp nào trong kế hoạch cổ phần hóa 39 doanh nghiệp.

Trước tình trạng thoái vốn chậm trễ, trách nhiệm của Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan đến đâu, ông Tiến cho biết, việc tổ chức triển khai thoái vốn cụ thể ở các doanh nghiệp không phải là nhiệm vụ của Bộ Tài chính, mà là trách nhiệm của các bộ, UBND các tỉnh, các doanh nghiệp nhà nước. Vai trò của Bộ Tài chính ở đây là giám sát, đôn đốc quá trình thoái vốn, đồng thời tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền khắc phục bất cập của cơ chế, chính sách.

Sẽ quy trách nhiệm cụ thể

Để khắc phục tình trạng thoái vốn chậm, Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp yêu cầu Bộ Công thương thực hiện quyết liệt công tác thoái vốn, cổ phần hóa, tập trung thực hiện thoái vốn tại Sabeco và Habeco để đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước đạt kế hoạch đề ra.

Riêng việc chuyển nhượng vốn nhà nước tại Habeco, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan đàm phán, xử lý dứt điểm vướng mắc trong thỏa thuận hợp tác chiến lược với Carlsberg Breweries A/S để làm cơ sở cho việc chuyển nhượng cổ phần nhà nước tại Habeco và báo cáo kết quả thực hiện lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/11/2017.

Đồng thời, yêu cầu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước quyết liệt thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp đang quản lý theo phương án đã được Thủ tướng phê duyệt, đặc biệt là thực hiện thoái 3,33% vốn nhà nước tại Vinamilk.

Liên quan đến hướng khắc phục bất cập của cơ chế, để gỡ khó cho hoạt động thoái vốn nhà nước, ông Tiến cho biết, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.

Muốn thoái vốn nhanh, minh bạch, giảm điều tiếng "sân trước, sân sau", lợi ích nhóm, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, trước tiên cần thoái vốn nhà nước tại 400 công ty trên sàn chứng khoán được hình thành từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, vì thông tin, giá cổ phiếu đã khá minh bạch và quan trọng là nhà đầu tư đang muốn mua, chẳng hạn Vinamilk. Thoái vốn có hiệu quả tại các doanh nghiệp này có thể mang lại cho Nhà nước khoản thu khoảng 500.000 - 600.000 tỷ đồng.

“Tiếp đó, song song với việc thúc đẩy hơn 700 công ty cổ phần được hình thành từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhưng chưa lên sàn phải khẩn trương niêm yết, đăng ký giao dịch, là cần khẩn trương thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này trước khi tính đến thoái vốn ở các loại hình doanh nghiệp khác”, ông Cung khuyến nghị.             

Triển khai quyết liệt việc cơ cấu lại, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo đề án, tiến độ, lộ trình đề ra; thoái hết vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ theo cơ chế thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình chậm triển khai, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu bộ ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước; thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

(Trích Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, kế hoạch năm 2018 tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV ngày 23/10 doThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày)

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục