Kích hoạt thương vụ lớn
Việc Thomson Medical Group bỏ ra 381,4 triệu USD, tương đương hơn 9.000 tỷ đồng vào Bệnh viện FV phần nào cho thấy sức hấp dẫn của thị trường M&A trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam.
Được biết, Thomson Medical Group thành lập năm 1979, là một trong những công ty tư nhân lớn nhất trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em ở Singapore.
Ông Kiat Lim, Phó chủ tịch Thomson Medical - người dẫn dắt quá trình Thomson Medical mua lại Bệnh viện FV, chia sẻ, việc mua cổ phần kiểm soát tại FV giúp Thomson Medical bắt kịp đà phát triển của thị trường chăm sóc sức khỏe, nhất là du lịch y tế tại Việt Nam.
Theo Euromonitor, thị trường y tế tư nhân Việt Nam đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 9,2% tính theo chi tiêu y tế trong giai đoạn 2017-2022 nhờ sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, dân số già hóa và lượng người nước ngoài nhập cư.
Ước tính, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có tầng lớp trung lưu cao vào năm 2035. Mặt khác, tuổi thọ bình quân của người dân cũng tăng nhanh, đạt 75,4 tuổi vào năm 2030. Xu hướng dân số này cho thấy nhu cầu ngày càng tăng về dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Việt Nam còn được đánh giá là một điểm đến về du lịch chăm sóc sức khỏe, thu hút khoảng 300.000 lượt khách nước ngoài hàng năm, đặc biệt từ các quốc gia láng giềng như Campuchia, Lào và Myanmar.
Mới đây, Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm (mã: IMP) công bố Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, phê chuẩn miễn chào mua công khai đối với việc chuyển nhượng cổ phần giữa SK Investment Vina III Pte. LTd và các cổ đông hiện hữu của Công ty. Với Nghị quyết này, SK Investment trở thành nhà đầu tư nắm trên 65% cổ phần có quyền biểu quyết tại Imexpharm.
SK Investment là công ty con trực thuộc Tập đoàn SK - tập đoàn lớn thứ 3 Hàn Quốc. Doanh nghiệp này đã đầu tư vào Imexpharm từ cuối tháng 5/2020, sau khi nhận chuyển nhượng 12,3 triệu cổ phiếu IMP (chiếm 24,9% vốn) từ các quỹ thuộc nhóm Dragon Capital, cùng với CAM Vietnam Mother Fund, Kingsmead, Mirae Asset.
Năm 2023, Imexpharm trải qua một năm kinh doanh khá thuận lợi. Doanh thu thuần ước đạt 1.994 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2022 và vượt 14% chỉ tiêu đề ra. Trong đó, 53% doanh thu được đóng góp từ kênh OTC (thuốc không cần kê đơn) và 42,7% từ kênh ETC (thuốc bán theo đơn).
Tên tuổi này cũng duy trì vị trí số 1 tại thị trường đấu thầu ETC nhóm 2, với 16,4% thị phần. Hiện, thuốc kháng sinh vẫn là thế mạnh cốt lõi của Imexpharm, đóng góp 74% vào tổng doanh thu. Năm nay cũng là năm Công ty dự kiến ký biên bản ghi nhớ (MOU) với hai đối tác, mở rộng thị trường với lĩnh vực trị liệu mới bằng cách hợp tác với các đối tác Hàn Quốc để chuyển giao công nghệ.
Thị trường rộng cửa hút nhà đầu tư
Theo một báo cáo của PricewaterhouseCoopers (PwC), mặc dù các giao dịch M&A tại Việt Nam chậm lại, nhưng chăm sóc sức khỏe lại là một trong số ít lĩnh vực thu hút vốn FDI cao trong năm 2023.
Các nhà nghiên cứu đánh giá, thị trường chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam đang rộng cửa, thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, do thị trường cởi mở hơn. Tổng chi tiêu cho y tế của Việt Nam có khả năng đạt 23,3 tỷ USD vào năm 2025 và 33,8 tỷ USD vào năm 2030.
Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital nhận định, lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế và dược phẩm, cũng như phân phối thuốc và dịch vụ y tế tại Việt Nam đang trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang thiếu các dịch vụ y tế chất lượng cao.
Bà Nguyễn Thu Cúc, Chủ tịch HĐQT CTCP Y khoa và Thẩm mỹ Thu Cúc cho rằng, hệ thống y tế hiện tại chưa đáp ứng các nhu cầu của người dân, dẫn đến việc nhiều người ra nước ngoài chữa bệnh. Theo thống kê, mỗi năm có tới hơn 2 tỷ USD chảy ra nước ngoài trong lĩnh vực y tế. Đây là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư nước ngoài khai thác.
Ông Kiat Lim cũng cho rằng, thương vụ M&A tại Bệnh viện FV sẽ giúp Thomson Medical Group có vị thế chiến lược ở Việt Nam. Đây cũng là cánh cửa giúp doanh nghiệp tăng trưởng và tập trung vào các khoản đầu tư tương lai tại thị trường này.