Chậm nhịp mùa kinh doanh 2020

(ĐTCK) Dịch cúm Covid-19 đang tác động đến mọi phương diện của nền kinh tế và hơn ai hết, nhóm doanh nghiệp là chủ thể chịu những ảnh hưởng lớn nhất. Chuyển động của các doanh nghiệp năm nay chậm hơn mọi năm và điều này tác động nhất định đến TTCK.
Ảnh Shutterstock. Ảnh Shutterstock.

Nếu tình trạng dịch Covid-19 còn kéo dài, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng, một số doanh nghiệp trong các ngành như hàng không, tiêu dùng, cảng biển, vận tải biển, thủy sản… sẽ phải tính toán, điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh trong năm 2020.

Nhóm cảng biển chịu sức ép từ nguồn thu thiếu hụt, dịch càng kéo dài sẽ càng tác động tiêu cực tới lợi nhuận của các doanh nghiệp như GMD, VSC, PHP, HAH…

Ngành vận tải hàng không được dự báo sẽ giảm mạnh tăng trưởng (khoảng 30%) trong quý I/2020 và cả năm có thể sụt giảm 20%...

Không chỉ là việc lập kế hoạch, mà tiến độ nộp báo cáo kiểm toán năm 2019 của khối doanh nghiệp niêm yết cũng có nguy cơ chậm lại so với mọi năm.

Giữa tháng 2 vừa qua, Hội Kiểm toán hành nghề Việt Nam (VACPA) đã kiến nghị Bộ Tài chính cho phép lùi thời hạn công bố cáo báo kiểm toán năm 2019 một tháng so với quy định.

Thay vì hạn nộp trước tháng 3/2020, VACPA kiến nghị cho doanh nghiệp lùi đến trước ngày 30/4/2020.

Lý do theo VACPA, điều này giúp kiểm toán viên và doanh nghiệp được kiểm toán thực hiện đầy đủ các thủ tục, thu thập được các bằng chứng kiểm toán phù hợp theo yêu cầu của chuẩn mực kiểm toán, đồng thời để các đơn vị được kiểm toán có thêm thời gian khắc phục, sửa chữa báo cáo tài chính, đặc biệt là những doanh nghiệp có nhiều chi nhánh ở nước ngoài, các nước tâm dịch như Trung Quốc, Hàn Quốc…

Chia sẻ trực tiếp từ lãnh đạo một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải biển cho thấy, doanh nghiệp đã bắt đầu “ngấm đòn”.

Theo vị này, có những yếu tố doanh nghiệp có thể lường được, song cũng có những yếu tố không thể tính toán được, bởi nó phụ thuộc vào thời gian kiểm soát cũng như chấm dứt trình trạng cấm thông quan vào Trung Quốc.

Việc phải cắt các chuyến tàu có lịch trình vào Trung Quốc ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu, thậm chí để đảm bảo hợp đồng với khách hàng, doanh nghiệp còn tính việc vận chuyển qua bên thứ ba, đến những cảng của những quốc gia khác có mức giá cao hơn, chấp nhận thua lỗ…

Tác động của đại dịch đang thấm vào doanh nghiệp, vào nền kinh tế, khiến cho các ước tính kế hoạch kinh doanh đều cần điều chỉnh lại và khó đạt đến mục tiêu đã định.

Tại trung tâm đại dịch, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã vào cuộc "giải cứu" doanh nghiệp bằng cách hạ tỷ lệ yêu cầu dự trữ bắt buộc và giảm lãi suất cho vay với khách hàng, cam kết mở rộng nguồn tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp để giảm thiểu thiệt hại.

Tại Việt Nam, nhiều ngân hàng thương mại như Vietcombank, BIDV, MBB, VPBank đã vào cuộc thống kê khách hàng chịu ảnh hưởng, điều chỉnh giảm lãi suất, kéo dài thời gian trả nợ để hỗ trợ doanh nghiệp.

TTCK Việt Nam đã giảm 9% trong vòng 1 tháng qua, mức giảm mạnh nhất thế giới. Không chỉ doanh nghiệp khó khăn, hơn 2 triệu nhà đầu tư chứng khoán cũng đang chịu chung mất mát, khó khăn từ bối cảnh thị trường này.

Trong bức tranh đại dịch chưa biết khi nào chấm dứt và độ trễ trong hoạt động của các doanh nghiệp là một thực tế, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ có thể chưa bàn đến gói kích thích kinh tế, nhưng đời sống doanh nghiệp là điểm rất đáng quan sát để tìm kiếm giải pháp hỗ trợ kịp thời.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ