Chậm hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp gỗ, Tổng cục Thuế đồng ý đối thoại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tổng cục Thuế cho biết, sẽ phối hợp với Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội và cơ quan của Chính phủ tổ chức đối thoại với doanh nghiệp ngành gỗ để giải đáp thắc mắc liên quan đến chậm hoàn thuế VAT.
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế trả lời báo chí tại họp báo chiều 30/3 - Ảnh: M.Minh Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế trả lời báo chí tại họp báo chiều 30/3 - Ảnh: M.Minh

Liên quan đến đề xuất của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, trực thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 28/3 về việc doanh nghiệp ngành gỗ muốn đối thoại với Tổng cục Thuế do cơ quan này chậm hoàn thuế VAT, Tổng cục Thuế vừa có phát ngôn chính thức về vấn đề này.

Theo đó, tại buổi họp báo quý I/2023 do Bộ Tài chính tổ chức chiều 30/3, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, mỗi năm Tổng cục Thuế được Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính giao nhiệm vụ hoàn thuế của năm thực hiện khoảng 150.000 tỷ đồng. Vấn đề hoàn thuế thời gian qua cơ quan thuế vẫn thực hiện bình thường.

Tuy nhiên, ông Minh ghi nhận, thời gian vừa qua có một số vướng mắc doanh nghiệp nêu liên quan đến hoàn thuế VAT đối với hoạt động xuất khẩu nói chung và xuất khẩu dăm gỗ nói riêng.

Về vấn đề này, lãnh đạo ngành thuế cho hay, trong quy định về hoàn thuế thì cơ quan thuế sẽ tiến hành hoàn trước, kiểm tra sau (hậu kiểm); nhưng trong trường hợp có rủi ro thì kiểm tra trước, hoàn sau (tiền kiểm).

"Có thể nói thời gian qua, nhiều doanh nghiệp cũng có vi phạm trong việc sử dụng các hoá đơn bất hợp pháp để hợp thức hoá đầu vào. Tôi nói đơn cử năm 2021 tại Phú Thọ, Công an Phú Thọ đã phối hợp với Cục thuế tỉnh này lập chuyên án và phát hiện có sự gian lận rất lớn về hoàn thuế trong xuất khẩu dăm gỗ. Chính vì thực tế này, việc hoàn thuế đối với hoạt động xuất khẩu cần có sự tăng cường giám sát", ông Minh nói về lý do việc hoàn thuế VAT phải chuyển sang tiền kiểm.

Một số doanh nghiệp ngành dăm gỗ phàn nàn vì bị chậm hoàn thuế VAT trong khi ngành thuế nói rằng cần phải tiền kiểm để kiểm soát rủi ro (Ảnh minh hoạ)

Một số doanh nghiệp ngành dăm gỗ phàn nàn vì bị chậm hoàn thuế VAT trong khi ngành thuế nói rằng cần phải tiền kiểm để kiểm soát rủi ro (Ảnh minh hoạ)

"Tôi cho rằng đối với một số doanh nghiệp, khi cơ quan thuế phát hiện rủi ro thì phải thực hiện các biện pháp quản lý bằng xác minh các yếu tố đầu vào để phòng tránh rủi ro. Thực tế chúng tôi đã chỉ ra lĩnh vực này có rất nhiều rủi ro, cơ quan thuế đã chuyển nhiều vụ việc cho cơ quan cảnh sát điều tra các tỉnh và cơ quan điều tra Bộ Công an để yêu cầu hỗ trợ việc xác minh và điều tra", ông Minh tiếp lời.

Thông tin thêm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nói rằng, ngày 6/9/2022, Tổng cục thuế đã có công văn gửi các cục thuế đề nghị đẩy mạnh việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế, các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn thì vẫn được hoàn thuế theo quy định.

Trước đó, ngày 22/11/2022, Bộ Tài chính đã tổ chức riêng một buổi đối thoại với các doanh nghiệp của Hiệp hội gỗ và lâm sản xuất khẩu, các doanh nghiệp dăm gỗ, tại đây các vướng mắc đã được trả lời.

Nói về yêu cầu đối thoại mới đây của doanh nghiệp dăm gỗ, ông Minh nói rằng, Tổng cục Thuế sẽ phối hợp với Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội và cơ quan của Chính phủ tổ chức buổi đối thoại để giải đáp các vấn đề vướng mắc liên quan đến hoàn thuế xuất khẩu nói chung và xuất khẩu dăm gỗ, viên nén, tinh bột sắn... nói riêng.

Ngày 28/3, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, Trưởng ban IV, Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã ký đề xuất gửi Thủ tướng Chính phủ, phản ánh ý kiến doanh nghiệp về hàng loạt vấn đề liên quan đến chính sách thuế như: chậm hoàn thuế VAT của ngành dăm gỗ; mức thuế VAT chưa hợp lý của ngành phân bón; khó khăn trong đóng thuế VAT cho các doanh nghiệp ngành giấy cần thu mua phế liệu và doanh nghiệp một số ngành cần thu gom cát sỏi, gạch đá...

Theo ước tính của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu dăm gỗ và sản phẩm từ gỗ, số tiền chờ hoàn cộng dồn từ năm 2020 đã lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Từ đó, đề xuất của Ban IV yêu cầu được đối thoại hoặc đề nghị Tổng cục Thuế tiến hành rà soát theo chuyên đề để báo cáo Chính phủ các chính sách, quy định hiện hành về thuế không còn phù hợp, gây khó khăn, vướng mắc trong thực thi..., từ đó cân nhắc các kế hoạch điều chỉnh, sửa đổi tổng thể để tạo đà cho doanh nghiệp phục hồi, bứt phá, tiếp tục hội nhập.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục