Chấm dứt “câu giờ” tái cấu trúc ngân hàng

(ĐTCK) Sau động thái chấp thuận thương vụ sáp nhập MDB vào Maritime Bank, theo nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cơ quan này sẽ có quyết định ngay tuần này với một ngân hàng yếu kém khác với phương châm “kiên quyết hơn” trong tái cấu trúc.
GPBank dự kiến sẽ sớm nhận những quyết định quan trọng GPBank dự kiến sẽ sớm nhận những quyết định quan trọng

Chấm dứt câu giờ

Thực ra chuyện sáp nhập đã rất “ồn ào” từ 3 năm trước khi Đề án tái cấu trúc ngành ngân hàng cho biết số lượng ngân hàng Việt Nam sẽ chỉ còn dưới 30, điều này có nghĩa hơn 10 ngân hàng sẽ được xử lý. Nhiều đồn đoán, thông tin bên lề đã được đưa ra, tuy nhiên, số thương vụ thực lại rất ít. Điều này đang có cơ sở để thay đổi với quyết tâm của NHNN.

Ngày 18/3/2015 vừa qua, NHNN đã có công văn chấp thuận về nguyên tắc về việc cho phép Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MaritimeBank) và Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB) sáp nhập với nhau theo Đề án sáp nhập đã được hai Ngân hàng trình. Như vậy, sau gần 2 năm kể từ ĐHCĐ thường niên năm 2013 của Maritime Bank và MDB thống nhất việc sáp nhập, kế hoạch sáp nhập MDB vào Maritime Bank cũng đã được NHNN thông qua.

Công văn của NHNN phát đi cũng đồng nghĩa cuộc “hôn nhân” giữa MaritimeBank và MDB sắp đi đến hồi kết.

Một thương vụ “ồn ào” khác, PGBank và VietinBank đã im lặng về câu chuyện sáp nhập với nhau sau khi thông tin này rộ lên vào giờ này năm ngoái. Thị trường đang chờ đợi 2 ngân hàng này lên tiếng khi có dấu hiệu đặc biệt là cả hai sẽ cùng tổ chức ĐHCĐ trùng một ngày là 14/4 tới.

Một nguồn tin nội bộ cho biết, phương án sáp nhập giữa hai ngân hàng này sẽ “hơi khác”, PGBank vẫn giữ nguyên tên gọi, với một phần PGBank sẽ nhập trực tiếp vào VietinBank, phần còn lại sẽ thành công ty tài chính PG-VietinBank.

Mới đây nhất là những động thái mới trong “cặp đôi” Eximbank - Nam A Bank, danh sách ứng cử vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2015 - 2020 có tên 2 người cũ của NamA Bank là ông Trần Ngô Phúc Vũ và ông Trần Ngọc Tâm. Đặc biệt, danh sách đề cử không có tên ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank hiện nay và một số thành viên hiện tại như ông Hà Thanh Hùng, Nguyễn Quang Thông, Đặng Phước Dừa…

Những thông tin này được nhìn nhận như một sự xác thực việc NamA Bank và Eximbank sẽ sáp nhập. Vấn đề còn lại là sự phân vai trong HĐQT cũng như các tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu và phương án hoạt động sau sáp nhập.

Ngoài các ngân hàng sáp nhập thì những cái tên cũ vốn trong danh sách xử lý đã có phương án chi tiết hơn. Theo thông tin từ NHNN, bên thứ ba đã vào kiểm toán, định giá lại tài sản của OceanBank và dự kiến khoảng giữa tháng 4/2014 sẽ xong. NHNN từng cho biết, trong trường hợp âm vốn nhiều, OceanBank sẽ được xử lý như VNCB, tức là sẽ bị NHNN mua lại với giá 0 đồng; còn nếu âm vốn ít sẽ xử lý theo cách khác.

Tất nhiên, âm vốn nhiều hay ít mà các cổ đông khắc phục được, tiếp tục bơm vốn đủ theo quy định, thì sẽ không có vấn đề gì. Tuy vậy, cho dù dưới bất cứ hình thức nào, chắc chắn NHNN cũng sẽ xử lý dứt điểm câu chuyện của OceanBank trong năm nay.

Với GP.Bank, cái tên được thị trường nhắc đến rất nhiều trong vài năm nay khi ngân hàng này sớm nằm trong danh sách 9 ngân hàng TMCP yếu kém, phải tái cơ cấu lại ngay từ đợt đầu tiên. Cơ hội đã được NHNN mở ra khi phương án bán lại 100% vốn của GPBank cho nhà đầu tư ngoại.

Rất tiếc kế hoạch này đã bất thành khi qua thời gian không ngắn, GP.Bank đã không tự tìm được đối tác cho mình cả ngoại hay nội. Một tương lai khó tránh khỏi đó là NHNN sẽ trực tiếp đưa ra phương án xử lý trong thời gian rất ngắn tới. 

Can thiệp là bắt buộc

Trong những thương vụ tỏ ra không cần vội vã thì dự báo cũng phải có kết quả trong mùa ĐHCĐ tháng 4/2015 này. Đó là chuyện sáp nhập của Saigon Bank với Vietcombank, BIDV và MHB, DongA Bank và ABBank.

“Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã qua giai đoạn ‘vừa đi vừa dò’ và sang giai đoạn tiếp theo là xử lý ngân hàng yếu kém với những giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính nhận định.

“Mặc dù đã có những thay đổi rõ nét nhưng thời gian tới, vẫn còn rất nhiều việc phải làm tiếp”.

Tính đến 12/2013, cả nước có 37 ngân hàng TMCP và mục tiêu NHNN đặt ra là từng bước giảm xuống còn 20 ngân hàng đến năm 2018 cho phù hợp với quy mô của nền kinh tế. Như vậy, số lượng ngân hàng phải giảm xuống và chắc chắn sẽ có những cái tên biến mất trên thị trường.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán cuối tuần qua, một lãnh đạo cao cấp của NHNN đã khẳng định: “Năm 2015 là năm triển khai tái cấu trúc hệ thống ngân hàng giai đoạn cuối, với tiền đề đã có nên sẽ đẩy mạnh sáp nhập và NHNN mua bắt buộc các ngân hàng âm vốn để lập lại trật tự xã hội”

Theo vị lãnh đạo này, NHNN yêu cầu phân loại nợ đúng, trích lập dự phòng đúng, ngân hàng nào âm vào vốn sẽ bắt buộc phải bổ sung, nếu không thì NHNN sẽ xử lý.

“Nếu ngân hàng nước ngoài nào ‘cõng’ được thì NHNN sẽ bán, nhưng không kỳ vọng, bởi thực tế cho thấy, tính khả thi không cao, kéo dài tình trạng khó khăn. Nhà nước không có mục đích kinh doanh trong các trường hợp này, mà bắt buộc phải có can thiệp. Khi đó, phải có lợi ích cho Nhà nước, chứ không phải cho các ông chủ”.

Điều này chính là nội dung chi tiết hóa cho thông điệp của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình vào hồi đầu năm khi ông cho biết: “Thông qua chương trình tái cơ cấu không chỉ để xử lý ngân hàng yếu kém (việc nhỏ) mà còn xây dựng các ngân hàng có quy mô lớn (việc chính), chứ để triển khai như bình thường sẽ rất lâu, mất hết thời cơ”.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục