Chậm đổi mới, sức ép lên doanh nghiệp niêm yết lớn gấp đôi

(ĐTCK) Trên thị trường chứng khoán, chỉ cần lợi nhuận của doanh nghiệp không tăng trưởng, hoặc tốc độ tăng chậm lại, thị giá cổ phiếu đã chịu sức ép giảm. Các doanh nghiệp niêm yết có áp lực phải nâng cao hiệu quả kinh doanh để duy trì xu hướng tăng giá cổ phiếu.
Triển vọng tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng nhất để quyết định nắm giữ cổ phiếu hay không. Triển vọng tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng nhất để quyết định nắm giữ cổ phiếu hay không.

Sức ép phải tăng trưởng

Trong 2 phiên giao dịch cuối tháng 12/2018 và đầu tháng 1/2019, cổ phiếu VCS của Công ty cổ phần cổ phần Vicostone đột ngột giảm giá sàn, mất gần 20% giá trị vốn hóa. Nguyên nhân là do Công ty công bố ước tính kết quả kinh doanh năm 2018 với doanh thu chỉ tăng hơn 3% so với năm 2017, hoàn thành 86% kế hoạch và lợi nhuận sau thuế không tăng trưởng. Trước đó, giai đoạn 2011 - 2017, VCS đạt mức tăng trưởng doanh thu bình quân 30%/năm, lợi nhuận tăng bình quân 65%/năm.

Với những nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, triển vọng tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận được xem là một trong những yếu tố quan trọng nhất để quyết định có tiếp tục nắm giữ cổ phiếu của doanh nghiệp hay không.

Trong ngắn hạn, kết quả kinh doanh là yếu tố thường xuyên gây ra biến động giá cổ phiếu. Không đơn thuần nằm ở con số lời hay lỗ, quan trọng hơn là xu hướng tăng trưởng hay giảm sút và chất lượng của lợi nhuận.

Thông thường, ba yếu tố quyết định trong định giá cổ phiếu là tiềm năng tăng trưởng, rủi ro và dòng tiền. Doanh nghiệp có tỷ lệ tăng trưởng, khả năng tạo ra dòng tiền cao hơn, rủi ro thấp hơn sẽ được giao dịch ở mức định giá tốt hơn các trường hợp ngược lại, dù cơ sở so sánh là lợi nhuận, doanh thu hay giá trị sổ sách.

Thực tế, nhìn vào danh sách những cổ phiếu có mức tăng giá tốt trong dài hạn cũng có thể thấy rõ mối quan hệ giữa tăng trưởng kết quả kinh doanh và thị giá cổ phiếu.

Thị giá (sau điều chỉnh các quyền cổ tức cổ đông được nhận) cổ phiếu VNM của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã tăng 8,55 lần trong giai đoạn 2010 - 2018, tương ứng tăng bình quân 30,77%/năm, dù thị trường chứng khoán có những năm biến động bất lợi. Trong giai đoạn này, doanh thu của Công ty tăng 3,27 lần, lợi nhuận trước thuế tăng 2,83 lần.

Trái ngược hoàn toàn là câu chuyện của Công ty cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoimilk). Từng là một trong những doanh nghiệp tên tuổi hàng đầu của ngành sữa Việt Nam những năm 2008 - 2010, nhất là trong phân khúc sữa dành cho trẻ em với những sản phẩm mang nhãn hiệu IZZI, Yotuti, sữa tươi Hanoimilk 100%…, nhưng khó khăn trong kinh doanh, lợi nhuận đi xuống đã khiến cổ phiếu của Hanoimilk hiện chỉ giao dịch quanh mức 3.000 đồng/cổ phiếu.

Mối tương quan giữa khả năng tăng trưởng và thị giá cổ phiếu khiến lãnh đạo doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp niêm yết có cơ cấu cổ đông đại chúng chịu không ít áp lực trong việc phải duy trì kết quả kinh doanh khả quan, đáp ứng kỳ vọng của cổ đông.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền (BFC) tổ chức cuối tháng 4/2019, câu hỏi đầu tiên trong phần thảo luận được cổ đông đặt với đoàn chủ tịch là kế hoạch kinh doanh năm nay vì sao lại suy giảm từ 4 - 7% so với năm trước. Tại không ít doanh nghiệp khác, kế hoạch kinh doanh đi lùi hoặc tăng trưởng thấp khiến nhiều cổ đông phản ứng.

Áp lực cạnh tranh

Tăng trưởng lợi nhuận không chỉ giúp gia tăng giá cổ phiếu, mà còn tạo động lực cho đội ngũ nhân viên gắn bó và cống hiến bởi kỳ vọng từ những phần thưởng khi kết quả kinh doanh tốt hơn. Bởi vậy, tìm kiếm và duy trì khả năng tăng trưởng bền vững, sinh lợi hiệu quả là một trong những mối quan tâm hàng đầu của hầu hết lãnh đạo doanh nghiệp. Nhưng liệu có lợi thế cạnh tranh, mô hình kinh doanh nào có thể duy trì hiệu quả mãi mãi?

Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD) từng được xem là doanh nghiệp sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh trong ngành dầu khí. Không chỉ bởi PVD đầu tư các giàn khoan có quy mô hàng trăm triệu USD, mà còn bởi Tập đoàn Dầu khi Việt Nam (PVN) - công ty mẹ của PVD là đơn vị duy nhất được hoạt động khai thác dầu khí trong nước. Lợi nhuận của PVD giai đoạn 2010 - 2014 tăng bình quân 23,4%/năm, thị giá cổ phiếu trong giai đoạn này tăng 4 lần.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng giá dầu từ cuối năm 2014 với sự xuất hiện của dầu đá phiến khiến nhu cầu thuê giàn khoan giảm nghiêm trọng, đồng thời nhiều khách hàng gặp khó khăn về tài chính khiến Công ty không thu hồi được công nợ… Hệ quả, giá cho thuê giàn khoan không đủ bù chi phí, một số giàn khoan rơi vào tình trạng “đắp chiếu”, thị giá cổ phiếu PVD có lúc giảm 80% so với đỉnh.

Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (VNS) với chiến lược tập trung hoạt động tại một số đô thị lớn ở phía Nam, đặc biệt là TP.HCM, từng được đánh giá cao về lợi thế cạnh tranh khi kinh doanh taxi chịu sự quản lý chặt chẽ và phải được cấp phép phụ thuộc vào điều kiện cơ sở hạ tầng và chính sách tại từng địa phương. Doanh nghiệp mới muốn gia nhập ngành thường phải mua lại các hãng, hay đầu xe của các hãng đang hiện hữu.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của “taxi công nghệ” như Uber, Grab… tại Việt Nam từ cuối năm 2014 đã xóa bỏ gần như hoàn toàn lợi thế trên của VNS. Doanh thu, lợi nhuận, số đầu xe và lao động của Công ty sụt giảm trong giai đoạn 2015 - 2018.

Ngay cả với những doanh nghiệp đầu ngành như Vinamilk, dù triển vọng tăng trưởng ngành vẫn tốt, Công ty dẫn đầu thị trường sữa trong nước với hơn 50% thị phần, nhưng tốc độ tăng trưởng đã chậm lại, với doanh thu năm 2018 tăng chưa đến 3% so với năm 2017, còn lợi nhuận không tăng. Kết quả, thị giá cổ phiếu của Công ty có diễn biến giảm, sau đó đi ngang trong thời gian qua.

Khó khăn với Vinamilk được đánh giá là sự thay đổi trong nhu cầu người tiêu dùng sang trải nghiệm các thương hiệu, sản phẩm mới, trong khi các đối thủ ngày càng đẩy mạnh cạnh tranh. Chẳng hạn, ngày 16/4/2019, Coca-Cola đã chọn Việt Nam là thị trường đầu tiên trên toàn thế giới để ra mắt sản phẩm sữa mang thương hiệu Nutriboost. Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông năm 2018, lãnh đạo Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) công bố định hướng gia nhập ngành sữa, với mục tiêu tăng trưởng trên 20%/năm.

Nhiều doanh nghiệp trong các ngành nghề kinh doanh khác cũng đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng cao và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ có thể trở thành yếu tố thay đổi cuộc chơi nhanh chóng.

Trong lĩnh vực ngân hàng, các nền tảng công nghệ thanh toán phi tiền mặt đang đe dọa thay thế các ngân hàng truyền thống. Các công ty chứng khoán với nền tảng tư vấn dựa trên yếu tố con người đang bị đe dọa bởi các công nghệ tư vấn tự động, phân tích, ra quyết định đầu tư dựa trên các thuật toán vừa nhanh chóng, vừa khắc phục điểm yếu cảm xúc. Thương mại điện tử đang chiếm dần vị thế kinh doanh của các cửa hàng truyền thống…

Trong môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh, nhất là yếu tố công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng có thể thay đổi vị thế trên thị trường, sự bảo thủ hoặc chậm chân có thể nhanh chóng khiến doanh nghiệp từ dẫn đầu trở nên tụt hậu. Đổi mới, sáng tạo, tìm hướng đi mới, phương pháp kinh doanh, quản lý mới hiệu quả hơn là lời giải cho bài toán duy trì tăng trưởng.               

Khắc Lâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục