CFA: “Hộ chiếu” của người hành nghề chuyên nghiệp

(ĐTCK-online) Ngày 10/12, Viện CFA lần đầu tiên tổ chức lễ trao chứng chỉ CFA (chứng chỉ quốc tế về phân tích đầu tư tài chính chuyên nghiệp) cho những cá nhân đủ điều kiện tại Việt Nam. Việc bùng nổ số lượng người tham gia chương trình CFA tại Việt Nam từ năm 2007 đến nay là một tín hiệu cho thấy nguồn nhân lực trong lĩnh vực tài chính của Việt Nam đang được nâng lên một cách toàn diện, cả về mặt kiến thức chuyên môn và đạo đức.
Ông Hà Trung Hiếu Ông Hà Trung Hiếu

Trước thềm buổi lễ này, ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Hà Trung Hiếu, Giám đốc CTCP Compass Capital Partners, một trong những người đạt chứng chỉ CFA sớm nhất tại Việt Nam.

>> Trao chứng chỉ CFA lần đầu tiên tại Việt Nam

 

Một trong những điểm nổi bật của TTCK Việt Nam năm nay là hàng loạt nghi vấn về giao dịch chứng khoán theo tin nội gián. Theo ông, làm cách nào để khắc phục được hiện tượng này?

Đúng là nhắc đến TTCK Việt Nam, người ta nghĩ nhiều đến tình trạng giao dịch theo tin nội gián, theo tin đồn. Tôi cho rằng, để xảy ra tình trạng trên, trước hết là do tính minh bạch của thị trường chưa đủ tốt và xử lý vi phạm pháp luật chưa thực sự nghiêm minh.

Thông thường, một cá nhân, chủ yếu là Ban lãnh đạo DN hoặc người có liên quan, khi có thông tin nội gián quan trọng làm ảnh hưởng đến giá, nếu họ giao dịch là chấp nhận rủi ro khi bị phát hiện. Nhưng ở Việt Nam, người ta vẫn chấp nhận làm việc này vì 2 lý do: thứ nhất là hệ thống giám sát chưa đủ tốt, thứ hai là nếu có bị phát hiện thì mức xử phạt vẫn còn khá khiêm tốn.

Trong khi đó, lợi nhuận mang lại cho các giao dịch như trên thường khá lớn, thậm chí đạt được trước khi thông tin được công bố, do nhiều người thích đầu tư theo tin đồn. Ở nước ngoài, NĐT hạn chế đầu tư theo tin đồn, vì nếu tin đồn sai, họ sẽ bị thiệt.

Ngược lại, giả thiết tin đồn là chính xác, nếu đầu tư có thể sinh lời, nhưng lại đối diện với nguy cơ pháp lý. Giao dịch theo tin đồn, tin nội gián… khiến thị trường méo mó, cơ hội tham gia thị trường của các NĐT không bình đẳng.

 

Vậy có cách nào để NĐT vẫn đạt được lợi nhuận mà không cần đến thông tin nội gián hoặc mua bán cầu may?

Tôi cho rằng, một trong những điều quan trọng để giao dịch theo thông tin nội gián ở Việt Nam có đất “dụng võ” là do đội ngũ nhân lực có chất lượng cao trong phân tích DN vẫn còn chưa phát triển đầy đủ.

Về bản chất, khi thông tin bị bất đối xứng thì chỉ những người làm trong Ban lãnh đạo DN hoặc có liên quan mới có thông tin nội gián và trục lợi trên thông tin đó. Nhưng có một cách khác để cũng được hưởng lợi trên thông tin đó mà không vi phạm pháp luật, đó là việc các chuyên gia phân tích sử dụng những thông tin đã được công bố để lắp ghép lại và đưa ra một thông tin có giá trị tương tự như thông tin nội gián.

Một điều đã được rất nhiều quốc gia và các trường đại học công nhận là CFA cung cấp cho người theo học đầy đủ các công cụ, để từ đó, với năng lực, sự mẫn cán của mình có thể “lắp ghép” các thông tin có sẵn như vậy. Khi đó, cùng với việc tăng cường giám sát, nếu đội ngũ những người có năng lực chuyên môn cao ngày một phát triển, thì việc sử dụng thông tin nội gián có thể được giảm thiểu, do tính minh bạch của thị trường tăng lên. Thị trường sẽ tiến dần đến độ “hoàn hảo”, nhưng tất nhiên, vẫn có những “phần thưởng” cho người có năng lực.

Ngoài ra, một yếu tố nữa cũng được coi là nguyên nhân tác động đến việc mua bán theo phong trào, tin đồn phát triển, đó là phí giao dịch chưa có tính phân cấp. Ở rất nhiều nước, phí mua bán chứng khoán cũng áp dụng theo phần trăm doanh số giao dịch, nhưng có hạn mức tối thiểu. Ví dụ, mỗi giao dịch của NĐT sẽ phải trả 1% giá trị giao dịch, nhưng không thấp hơn 100 USD. Khi đó, NĐT sẽ phải cân nhắc giữa việc tự đầu tư hay ủy thác cho những NĐT có năng lực chuyên môn, họ sẽ phải thận trọng hơn với các quyết định của mình, hạn chế tình trạng “ăn theo” tin đồn hay đám đông mà chưa có sự nghiên cứu kỹ.

 

Như vậy, theo ông thì năng lực chuyên môn của đội ngũ phân tích là yếu tố then chốt làm tăng tính minh bạch, hiệu quả của thị trường?

Đúng vậy, nhưng chỉ có năng lực chuyên môn không thì chưa đủ. Bên cạnh ý thức chuyên môn thì việc người hành nghề phải tự ý thức được những chuẩn mực đạo đức mà mình cần phải tuân theo (tự nguyện và bắt buộc). Chính ý thức, đạo đức nghề nghiệp, kết hợp với trình độ chuyên môn cao sẽ tạo nên niềm tin cho NĐT, tính ổn định cho TTCK, từ đó giúp thị trường phát triển lành mạnh. Ở Việt Nam, Quy chế hành nghề chứng khoán đã được ban hành, nhưng việc giám sát vẫn chưa được thực hiện nghiêm khắc, nên chưa mang lại hiệu quả lớn cho thị trường.

Một trong những điều mà người theo học chương trình CFA có được không chỉ là kiến thức chuyên môn đầy đủ, mà là sự ý thức phục vụ tối đa lợi ích hợp pháp của khách hàng và “ông chủ”, tức DN - tổ chức mà mình đang làm việc.

Các cá nhân, ngay từ khi bắt đầu đăng ký tham gia chương trình đã phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về đạo đức của Viện CFA. Trường hợp quy định của nước sở tại, nơi cá nhân làm việc có quy định khác, thì cá nhân này phải tìm hiểu và tuân theo quy định nào chặt chẽ hơn.

Điều này cũng có ý nghĩa là, những người tham gia chương trình, nếu tuân thủ nghiêm ngặt sẽ phải tìm hiểu rất kỹ các quy định pháp luật và là người tuân thủ luật.

Bản thân chứng chỉ CFA được coi là “hộ chiếu” cho người tham gia thị trường tài chính quốc tế, bởi uy tín chương trình và tính cộng đồng trong giới tài chính. Do đó, các thành viên của chương trình sẽ có động lực để hành nghề “đạo đức hơn”, vì nếu bị phát hiện, họ còn có nguy cơ bị loại trừ vĩnh viễn khỏi cộng đồng CFA. Đây là điều mà không một người nào đã đạt được chứng chỉ CFA muốn vướng phải. Làm việc tốt trong lĩnh vực tài chính trước hết phải làm cho đối tác tin tưởng tuyệt đối.

Bùi Sưởng thực hiện
Bùi Sưởng thực hiện

Tin cùng chuyên mục