CEO VietCredit: Quản trị rủi ro, bắt đầu từ quản lý nhân sự

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Hồ Minh Tâm, Tổng giám đốc Công ty Tài chính VietCredit khẳng định, cho dù VietCredit có phát triển đến thế nào cũng sẽ xây dựng đội ngũ nhân viên thu hồi nợ trong Công ty để đảm bảo quy trình thu hồi nợ đúng chuẩn.
Tài chính tiêu dùng là lĩnh vực rất tiềm năng Tài chính tiêu dùng là lĩnh vực rất tiềm năng

Góc nhìn của xã hội về các công ty tài chính tiêu dùng có vẻ vẫn khắt khe, là người được đào tạo bài bản ở nước ngoài về lĩnh vực kinh tế - tài chính, ông chắc hẳn đã có những cơ hội khác với công việc hiện tại?

Sau thời gian làm việc trong ngành tài chính tiêu dùng tại Nhật Bản, tôi quyết định quay về Việt Nam. Nguyên do là vì tại thời điểm đó, các công ty tài chính Nhật Bản đã “nhòm ngó” thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam, họ tuyển dụng người Việt để đào tạo với mục tiêu sau đó sẽ đưa về thị trường Việt Nam. Với kinh nghiệm trong ngành tài chính tiêu dùng của mình, tôi nhận thấy rất rõ tiềm năng của thị trường tài chính tại Việt Nam, do đó, tôi mong muốn được đóng góp và cống hiến cho sự phát triển của đất nước mình.

Việt Nam là đất nước đang chuyển mình rất mạnh và sự phát triển mạnh mẽ của thị trường tài chính tiêu dùng đi cùng với quá trình đô thị hóa nhanh, dẫn đến thu nhập tăng theo và nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày càng cao hơn để đáp ứng cho việc chi tiêu trong cuộc sống hàng ngày.

Bên cạnh đó, nhu cầu vay vốn của người dân rất đa dạng từ việc chi trả tiền sinh hoạt thiết yếu hàng ngày, phí bệnh viện, học phí cho con cái, tiền vốn để làm ăn nhỏ… Nhưng thực tế cho thấy, ngân hàng hiện nay không thể giải quyết hết tất cả nhu cầu của những người cần nguồn tiền vay ngắn hạn như trên. Muốn vay tiền ngân hàng phải qua quá trình thẩm định, xét duyệt hồ sơ gắt gao… khiến người dân buộc phải tìm những giải pháp không hợp pháp, không chính thống, hay còn gọi là “tín dụng đen”.

Tôi nghĩ rằng, những sản phẩm cho vay tiêu dùng của các tổ chức tài chính hiện tại đang rất thiết thực và cần thiết cho người dân, giúp họ có thể có được nguồn tiền vay từ tài chính tiêu dùng chính thống khi không thể tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng bởi các tiêu chuẩn khó khăn. Tuy nhiên, do tính chất của các sản phẩm cho vay tín dụng dựa trên tín chấp nên khách hàng phải đi vay với chi phí và lãi suất cao hơn ngân hàng nên chúng ta cần hướng dẫn và thường xuyên nhắc nhở khách hàng cân nhắc vay trong khả năng chi trả để tránh gây ảnh hưởng sau này.

Theo ông, nguyên nhân chính nào trong việc thu hồi nợ làm ảnh hưởng đến danh tiếng của doanh nghiệp?

Ông Hồ Minh Tâm, Tổng giám đốc Công ty Tài chính VietCredit
Ông Hồ Minh Tâm, Tổng giám đốc Công ty Tài chính VietCredit

Ở một công ty tài chính hàng đầu tại Thái Lan với khoảng 3.000 nhân viên, thì trong đó, 1.200 nhân viên thu hồi nợ, 600 nhân viên đi bán hàng còn 1.200 nhân viên thuộc các bộ phận khác. Đây là một mô hình khá kiểu mẫu, các công ty tài chính ở nước ngoài luôn có bộ phận thu hồi nợ chiếm tỷ trọng lớn nhất tại công ty.

Nếu xảy ra những vấn đề bức xúc liên quan đến thu hồi nợ của nhân viên tại công ty tài chính, tôi cho rằng đó là do việc thu hồi nợ của một số cá nhân không tuân thủ đúng theo quy định và quy trình, chứ không phải chính sách của công ty. Tuy vậy, công ty cũng có trách nhiệm liên đới khi thực hiện kiểm soát, đào tạo không tốt; mô hình không chặt chẽ dẫn đến việc có những gì đang xảy ra hiện tại.

Một số công ty tài chính tại Việt Nam tăng trưởng “nóng” nên đẩy chuyện thu hồi nợ ra ngoài với quan điểm đó là một giải pháp, nhưng kiểm soát chất lượng thu hồi nợ sẽ luôn là thách thức lớn đối với những công ty này.

Một số công ty tài chính tại Việt Nam tăng trưởng “nóng” nên đẩy chuyện thu hồi nợ ra ngoài với quan điểm đó là một giải pháp, nhưng kiểm soát chất lượng thu hồi nợ sẽ luôn là thách thức lớn đối với những công ty này. Quan điểm cá nhân của tôi, đó là tăng trưởng bền vững, đội ngũ nhân sự đi theo kịp, thậm chí, đi trước tốc độ phát triển. Tôi không muốn đẩy tốc độ tăng trưởng nhanh hơn trình độ quản lý vì khi không kiểm soát được sẽ phát sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng tới danh tiếng của công ty.

Dẫu sao thì hình ảnh của các công ty tài chính không đẹp thời gian qua…?

Tôi cho rằng chúng ta nên đề cập đến câu chuyện của tương lai như các công ty tài chính và bản thân tôi, Ban điều hành, nhân viên VietCredit luôn luôn định hình rất rõ vai trò của từng cá nhân trong việc góp phần xây dựng hình ảnh nhận diện của công ty và giá trị của doanh nghiệp trong xã hội.

Việc tổ chức tài chính xác định, quản lý và vận hành doanh nghiệp theo đúng các chuẩn mực đạo đức, các quy tắc ứng xử và theo đúng quy định của pháp luật sẽ góp phần giúp người dân phân biệt rõ sự khác biệt giữa các tổ chức tài chính chính thống và tín dụng đen, là nơi cung cấp vốn tiêu dùng chính thống cho người dân, là nơi đầu tiên họ nghĩ đến khi cần vay tiêu dùng và luôn hoạt động, tuân thủ theo các quy định, chính sách của Nhà nước.

Theo ông, cách nào để người dân nhìn nhận hình ảnh của các công ty tài chính khác với tín dụng đen?

Cải thiện hình ảnh về danh tiếng sẽ cần: một là, sự kiên trì, nỗ lực của các công ty tài chính trong việc xây dựng các quy trình và quy tắc ứng xử và sự tuân thủ theo đúng các quy tắc này của các cán bộ nhân viên; hai là, cần sự quản lý của cơ quan nhà nước để quản lý, đưa hoạt động vào khuôn khổ.

So với những nước trong khu vực, các quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng tại Việt Nam vẫn đang trong quá trình điều chỉnh, chuẩn hóa nhằm hoàn thiện các cơ chế quản lý. Vì tài chính tiêu dùng mới xuất hiện khoảng gần 15 năm tại Việt Nam nên chính sách sẽ chưa thể theo kịp với thị trường, nhưng tôi tin mọi việc sẽ vào khuôn khổ, sẽ có những hành lang pháp lý để thị trường vận hành tốt hơn. VietCredit luôn ủng hộ, đánh giá cao và tán thành các chủ trương sửa đổi, các chính sách của Ngân hàng Nhà nước trong việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ, hành lang pháp lý…

Mọi việc đều cần có thời gian, cần sự va chạm với những trải nghiệm thực tế mới biết được chúng ta cần làm gì. Tôi tin rằng, trong tương lai, thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam sẽ được phát triển bền vững, ổn định và hiệu quả hơn.

Với quy mô hiện nay của VietCredit, ông có thể chia sẻ thêm về quy trình thu hồi nợ của Công ty?

Tính tuân thủ luôn được Ban lãnh đạo Công ty yêu cầu rất cao. Điển hình như quy trình nội bộ của Công ty có những tiêu chuẩn cực kỳ chặt chẽ và khắt khe. Do đó, khi Ngân hàng Nhà nước ban hành những quy trình, tiêu chuẩn liên quan đến thu hồi nợ, VietCredit không bị tác động ảnh hưởng bởi quy trình đã có từ trước và vẫn đang “chạy” đều.

Bên cạnh đó, ngay từ đầu, Công ty chủ trương không thuê đối tác thứ ba thực hiện thu hồi nợ. Hoạt động thu hồi nợ sẽ do các chuyên viên thu hồi nợ của VietCredit đảm nhiệm. Họ được đào tạo kỹ lưỡng, giám sát chặt chẽ và kiểm tra thường xuyên để đảm bảo việc tuân thủ đúng quy định của công ty và quy định của pháp luật.

Chúng tôi quan niệm rằng, việc quản trị rủi ro tốt sẽ bắt nguồn từ việc quản lý đội ngũ nhân sự để đảm bảo tính tuân thủ, cam kết của tất cả các nhân viên và đương nhiên, chế tài với nhân viên nội bộ khi có vấn đề gì xảy ra cũng sẽ thuận lợi hơn.

Chủ trương xuyên suốt và nhất quán của VietCredit là “không đẩy việc thu hồi nợ ra bên ngoài”. Do đó, hiện tại và cả sau này, cho dù VietCredit có phát triển quy mô lớn đến thế nào cũng sẽ xây dựng đội ngũ nhân viên thu hồi nợ trong Công ty để đảm bảo quy trình thu hồi nợ đúng chuẩn dành cho khách hàng.

Hồng Dung thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục