CEO VCBS: Trăn trở về chiến lược, về đạo đức thị trường

(ĐTCK) Chia sẻ với ĐTCK, Tổng giám đốc CTCK Vietcombank (VCBS) Vũ Quang Đông cho biết, ông rất vui khi đã cùng các cộng sự hoàn thành quá trình tái cấu trúc VCBS giai đoạn 1, định hình Công ty theo cấu trúc một ngân hàng đầu tư, với mục tiêu tăng trưởng trên 20% ở mọi hoạt động. Tuy nhiên, điều mà ông Đông đang trăn trở là xây dựng chiến lược dài hạn cho Công ty.
Ông Vũ Quang Đông

Được biết, ông đã từng theo học và làm tiến sĩ kinh tế tài chính tại Trường Đại học Georgetown danh tiếng tại Mỹ, có cơ hội làm việc ở các tổ chức nước ngoài. Tại sao ông quyết định về Việt Nam và đầu quân cho VCBS?

Việc quyết định quay trở về nước trong khi có thể tiếp tục ở lại nước ngoài làm việc là do tôi tự nhận thấy tôi sẽ đạt được nhiều mục tiêu lớn hơn khi làm tại Việt Nam. Do từ năm 2002 tôi đã là cán bộ của Vietcombank, lẽ tự nhiên, tôi nên tiếp tục quay trở lại nơi mà tôi đã có cơ hội phát triển đầu tiên. Vietcombank thuyên chuyển tôi sang VCBS cũng nằm trong chính sách chung của hệ thống. Tại VCBS, tôi được làm việc với nhiều cộng sự tuổi trẻ, tài năng, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau. Với tôi, đó là một điều may mắn. 

Tình hình kinh doanh của VCBS khá ổn định trong vòng 3 năm trở lại đây và luôn duy trì được mức tăng trưởng bình quân hàng năm  khoảng 35%. Ông cảm thấy đã hài lòng chưa và còn trăn trở điều gì?

Tôi hài lòng vì cùng với các cán bộ tâm huyết của VCBS, chúng tôi đã hoàn thành quá trình tái cấu trúc giai đoạn 1 trong 3 năm qua. Giờ đây, VCBS đã có sức cạnh tranh trong ngành, có định hình bước đầu một cấu trúc hệ thống của ngân hàng đầu tư, đang dần có được nền tảng tốt cho phát triển nhanh và bền vững trong một vài năm tới. Điều đó làm tôi hài lòng.

Tuy nhiên, tôi vẫn còn hai điều trăn trở lớn. Thứ nhất, tôi suy nghĩ nhiều về chiến lược dài hạn của VCBS đặt trong bối cảnh định hướng phát triển của TTCK Việt Nam nói riêng và thị trường tài chính Việt Nam nói chung. Định hướng cơ chế và chính sách nền tảng tạo điều kiện cho TTCK Việt Nam vẫn còn khá hạn chế, tốc độ mở rộng chiều sâu của thị trường còn chậm. Điều này, dẫn tới định hướng mang tính chiến lược dài hạn của các công ty chứng khoán, trong đó có VCBS sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.

Thứ hai, tôi nhận thấy, sản phẩm tài chính trên thị trường còn ít và rủi ro đạo đức của TTCK Việt Nam rất cao. Vì vậy, VCBS cần phải làm nhiều hơn để phát triển các sản phẩm mới, mở rộng dịch vụ để song hành, đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, lợi ích của VCBS và duy trì tôn chỉ đạo đức nghề nghiệp. Cách tiếp cận này của VCBS trong dài hạn sẽ tốt, nhưng ngắn hạn có thể làm chậm quá trình khai phá hoặc mở rộng thị trường của VCBS. Chúng tôi sẽ còn phải nỗ lực nhiều hơn để đẩy nhanh việc phát triển và quản trị sản phẩm tài chính hiện đại. 

Vậy đâu là định hướng phát triển của VCBS trong năm 2015?

Với VCBS, 2015 là năm cuối cùng của việc tái cấu trúc. Vì vậy, chúng tôi cần hoàn thành một số điểm trọng yếu: hệ thống quản lý hiệu quả đề cao sức sáng tạo, công nghệ thông tin nền tảng, nhân sự chất lượng cao có tính kế thừa và đủ sức mạnh nguồn vốn. Chúng tôi theo đuổi mục tiêu là hệ thống Vietcombank được bổ sung đủ các dịch vụ ngân hàng đầu tư và phục vụ tất cả các đối tượng khách hàng.

Với đánh giá tổng thể, tôi cho rằng, doanh nghiệp sẽ tiếp tục cảm nhận được sự tăng trưởng tốt hơn năm 2014. Vì vậy, TTCK sẽ có cơ hội tốt lên và quan trọng là đảm bảo sức tăng bền. Do đó, VCBS cũng đặt ra mục tiêu tăng trưởng hơn 20% so với năm 2014 ở mọi hoạt động và nỗ lực hướng tới mục tiêu tăng trưởng 35%, bằng mức của 3 năm trước. Nếu tăng vốn lên 1.500 tỷ đồng như kế hoạch đủ sớm về thời gian, chúng tôi sẽ đặt mục tiêu cao hơn.

VCBS sẽ tập trung phát triển thêm các nghiệp vụ tư vấn mang lại giá trị cốt lõi cho doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ cung cấp thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ tài chính cho nhà đầu tư cá nhân để đảm bảo là địa chỉ tin cậy của nhà đầu tư trong việc trao đổi phân bổ tài sản cá nhân. VCBS sẽ vẫn cam kết với các khách hàng định chế tài chính về việc mở rộng trong trao đổi, đánh giá thông tin có chất lượng để cùng phục vụ khách hàng của nhau tốt hơn. 

Theo ông, để thúc đẩy TTCK phát triển trong năm 2015, cơ quan quản lý cần ưu tiên triển khai những chính sách gì?

Tôi cho rằng, TTCK Việt Nam về tổng thể là có cơ hội lớn bước lên thị trường mới nổi do Chính phủ đã quyết liệt trong chỉ đạo một số nội dung thúc đẩy kinh tế tư nhân, hình thức đa sở hữu và mở cửa thị trường từng bước đảm bảo thúc đẩy hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, trong năm 2015, tôi cho rằng, chỉ có thể xem xét các chính sách quan trọng nhất để đảm bảo rằng việc quản lý TTCK chặt chẽ hơn, chính sách thúc đẩy niêm yết và minh bạch doanh nghiệp, lộ trình thay đổi chính sách để thu hút nguồn vốn đầu tư vận động minh bạch, chảy vào TTCK bền vững và an toàn.

Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục