Ông William Ruprecht đã đảm nhiệm chức CEO từ năm 2000, tức là khoảng 15 năm liên tục. Ông đã gắn bó với Sotheby's tổng cộng 35 năm, gần như toàn bộ cuộc đời làm việc của mình với nhà cái này. Đây là cuộc chuyển giao lãnh đạo được chuẩn bị khá kỹ càng, bởi ngay từ tháng 11/2014, ông William Ruprecht đã chính thức thông báo với lãnh đạo Sotheby's ý định nghỉ hưu của mình.
Sau hơn 4 tháng tuyển chọn, Sotheby's đã chọn được ông Tad Smith vào ghế CEO. Đồng thời, Sotheby's cũng quyết định bổ nhiệm ông Domenico de Sole, thành viên Ban giám đốc giữ chức Chủ tịch. Như vậy, chức CEO và chủ tịch của Sotheby's sẽ do 2 người nắm, chứ không để 1 người kiêm nhiệm như trước.
Điều thú vị là Christie’s, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Sotheby's cũng đang có động thái tìm người xứng đáng vào ghế CEO bị khuyết, sau khi ông Steven Murphy từ chức từ tháng 12/2014.
Ông Domenico de Sole nhận xét: “Ông Tad Smith là một CEO có kinh nghiệm, có tầm nhìn chiến lược, có kỹ năng xây dựng thương hiệu, khả năng hiểu và đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Và điều quan trọng là ông có đầy đủ điều kiện để giúp Sotheby's gia tăng về doanh thu và lợi nhuận, đem lại giá trị cho các cổ đông”. Doanh thu năm 2014 của Sotheby’s đạt 6,7 tỷ USD, thấp hơn hẳn so với con số 8,4 tỷ USD của Christie’s.
Thế nhưng, không ít người am hiểu tình hình lại chưa thật sự chia sẻ với nhận định trên của vị tân Chủ tịch Sotheby's, bởi ông Tad Smith hoàn toàn không có kinh nghiệm trong lĩnh vực đấu giá, việc am hiểu các tác phẩm nghệ thuật như tranh vẽ, tượng…(vốn là sản phẩm đấu giá) của ông cũng ở mức độ rất hạn chế. Với họ, ông Tad Smith là một CEO tay ngang và chỉ có thời gian mới trả lời là liệu ông này có đáp ứng được kỳ vọng của Sotheby's hay không?
Ông Tad Smith sinh ra ở bang Bắc Carolina (Mỹ), song có thời gian dài sinh sống và trưởng thành ở bang Colorado. Ông đã theo học tại 2 trường đại học lừng danh bậc nhất Mỹ là Princeton và Harvard, với các chuyên ngành truyền thông, xuất bản và quản trị kinh doanh. Sau khi ra trường, ông đã làm việc trong nhiều lĩnh vực như xuất bản (tại Reed Elsevier Group), tư vấn quản lý (McKinsey&Co), khách sạn (Starwood Hotels)…
Trên cương vị quản lý, ông từng phụ trách Khối truyền thông Local Media, thuộc Cablevision Systems Corporation; quản lý cùng lúc 3 bộ phận lớn của MSG là MSG Sports, MSG Media và MSG Entertainment. Ngoài ra, hiện tại, ông còn thường xuyên được mời giảng dạy tại Trường kinh doanh Stern (Stern School of Business), thuộc Đại học New York chuyên giảng về chiến lược và tài chính dành cho các công ty công nghệ, giải trí, truyền thông.
“Đúng là tôi chưa có kinh nghiệm về lĩnh vực đấu giá, song do có tính chịu khó học hỏi, cầu tiến, nên tôi tin tưởng rằng, mình sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, ông Tad Smith tự tin nói.
Tất nhiên, xét một cách khách quan, Ban lãnh đạo Sotheby’s chẳng dại gì mà đi rước về một ông tướng mù tịt về lĩnh vực mình phụ trách, mà ngược lại họ đã cân nhắc, tính toán cẩn thận. Sotheby’s cần một nhà quản lý, kinh doanh giỏi và ông Tad Smith đã đáp ứng được yêu cầu này. Trong quá khứ, ông rất “có duyên” vực dậy các công ty yếu kém và làm cho chúng sinh lời. Gần đây nhất, sau khi ngồi vào chiếc ghế CEO MSG (từ tháng 2/2014), thì 6 tháng cuối năm 2014, lợi nhuận thuần của MSG đã tăng gấp hai lần so với cùng kỳ năm 2013.
Hơn nữa, lãnh đạo Sotheby’s cũng muốn giải quyết dứt điểm mối bất hoà giữa CEO cũ và ông Daniel Loeb, người sáng lập và hiện là Chủ tịch Quỹ đầu tư mạo hiểm Third Point LLC, sở hữu 9,6% cổ phần của Sotheby's (là cổ đông lớn thứ hai), chỉ sau BlackRock Fund Advisors.
Tháng 8/2013, Third Point LLC đã chính thức có văn bản yêu cầu bãi nhiệm CEO William Ruprecht, với lý do kết quả kinh doanh sa sút, kém sức cạnh tranh với đối thủ Christie’s. Dù không được chấp thuận, song qua việc nâng mức đầu tư và tháng 5/2014, sau khi có 3 ghế trong Ban giám đốc Sotheby’s, Third Point LLC lại gây sức ép buộc ông William Ruprecht từ chức. Tháng 11/2014, ông William Ruprecht đã đệ đơn xin nghỉ hưu. Chính Third Point LLC lại rất ủng hộ ông Tad Smith làm CEO mới.
Được thành lập năm 1744 tại London (Anh), Sotheby’s hiện có trụ sở chính tại New York (Mỹ) cùng 90 văn phòng tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sotheby's là nhà cái từng nắm nhiều kỷ lục thế giới nhất về những bức tranh và tác phẩm nghệ thuật đắt giá được mang bán đấu giá. Trong số này, phải kể đến bức tranh Garcon à la pipe (Cậu bé với chiếc tẩu thuốc) của danh họa Pablo Picasso được bán với giá 104,16 triệu USD.