Nhanh nhạy và tự tin
Selex Motors - công ty khởi nghiệp (startup) trong lĩnh vực thiết kế, sản xuất xe máy điện do TS. Nguyễn Hữu Phước Nguyên sáng lập kiêm CEO từ năm 2018 vừa gây chú ý với giới startup khi ra mắt hệ sinh thái xe máy điện tối ưu cho giao vận đầu tiên tại Đông Nam Á. Sản phẩm được thiết kế hoàn toàn bằng trí tuệ Việt và nhận được sự hợp tác của các hãng giao vận lớn như Lazada Logistics, Viettel Post… Hệ sinh thái này gồm 4 thành phần: xe máy điện thông minh, pin có tính tương thích cao, trạm đổi pin tự động và nền tảng quản lý sử dụng công nghệ IoT.
Từ chối nhiều lời mời làm việc hấp dẫn ở các tập đoàn đa quốc gia như Apple, PwC, McKinsey, JP Morgan Chase, Shell, Exxon Mobil…, năm 2014, Nguyễn Hữu Phước Nguyên trở về nước với mong muốn vận dụng những kiến thức mà mình đã lĩnh hội được để cống hiến cho đất nước, tạo ra giá trị cho xã hội.
CEO Selex Motors Nguyễn Hữu Phước Nguyên |
Sau 4 năm làm việc tại Tập đoàn Viettel với thu nhập tốt, Phước Nguyên bất ngờ quyết định nghỉ việc để khởi nghiệp trong sự phản đối và lo lắng của gia đình, bạn bè. Tuy nhiên, anh quyết tâm bước ra khỏi vùng an toàn, đối diện với chông gai để làm điều mình muốn.
“Tôi nhìn thấy cơ hội có một không hai đối với xe điện và quyết định nghỉ làm để tập trung khởi nghiệp từ xe điện”, Phước Nguyên chia sẻ và cho biết, anh nhận thấy thế giới đang có sự chuyển dịch mà 100 năm mới có một lần thay đổi trong giao thông. Lần chuyển dịch thứ nhất từ xe ngựa sang động cơ đốt trong kéo theo rất nhiều thứ khác. Lần này thay đổi từ động cơ đốt trong sang xe điện.
“Nó là cơ hội cho cá nhân tôi chớp lấy, thị trường xe máy chúng ta lớn thứ 4 thế giới, rất nhiều tiềm năng để chuyển đổi sang xe điện. Đây cũng là cơ hội để chúng ta xây dựng những công ty có thể cạnh tranh với nước ngoài và phát triển bền vững. Cơ hội lớn đi kèm thách thức không nhỏ, nhưng bản thân tôi tự đặt câu hỏi, nếu những người như mình không làm thì ai làm. Vì vậy, tôi quyết định sẽ khởi nghiệp làm xe máy điện và quyết định rất nhanh, trong một tuần”, Nguyên chia sẻ.
Đối mặt với sự phản đối của gia đình, anh đã nói: “Việc này con muốn làm, vẫn biết là có nhiều rủi ro, nhưng cuộc sống là vậy, luôn có những khó khăn, nếu không làm bây giờ thì sau này rất hối tiếc. Con không muốn sống cuộc sống như vậy”.
Chàng tiến sỹ trẻ cho biết, dù thời điểm đó, chưa biết làm xe điện phải như thế nào, nhưng anh tin là mình làm được và không nghĩ đến thất bại, chỉ có điều trăn trở là huy động vốn thế nào để nuôi công ty và lo cho gia đình. Tuy nhiên, với niềm tin sắt đá rằng dự án startup sẽ thành công, Nguyên tự nhủ “dần cũng thành quen, bởi mỗi khó khăn đều có lời giải và rồi cũng vượt qua”.
Phương châm của chúng tôi là, mục tiêu thì không thay đổi, nhưng cách làm có thể thay đổi. Chúng tôi đã có đích đến nên phải tìm mọi cách để đi, trên đường gặp sông thì xây cầu, gặp núi phải đi qua
Dùng số vốn tiết kiệm có được và vay mượn thêm, anh tính đủ hoạt động trong 1 năm đầu, sau đó sẽ đi gọi vốn. Tự nhận mình là người dò đá qua sông, bởi không biết gì về xe điện cho đến khi tự nghiên cứu để làm, Nguyên tâm sự: “Đích đến thì tôi biết, nhưng đi như thế nào để đến đích thì không biết. Bởi vậy, tôi không thể đếm được đã sai và sửa sai bao nhiêu lần. Tuy nhiên, tôi vẫn nói với cộng sự, nếu làm gì thuận lợi quá, trôi quá phải cảnh giác với nó. Chúng tôi có văn hóa, tất cả đều là giả thiết, mọi giả thiết đều sai cho đến khi nó được chứng minh từ thực tế là đúng”.
Lên kế hoạch duy trì công ty hoạt động 1 năm, sau đó sẽ đi gọi vốn để mở rộng phát triển dự án, nhưng kế hoạch và thực tế hoàn toàn khác nhau. Niềm hứng khởi ban đầu nhanh chóng thay bằng lo âu khi Covid-19 ập đến. Giãn cách xã hội khiến hoạt động của Selex Motors đóng băng, nhân viên nản chí nghỉ việc một nửa. Công ty phải cắt giảm lương, tìm cách duy trì hoạt động. Tuy nhiên, với sự nhạy bén của mình, Phước Nguyên và đội ngũ đã tạo ra sản phẩm máy rửa tay tự động bán trong mùa dịch, hàng ra đúng nhu cầu, sản xuất không kịp bán, Công ty đủ tiền cầm cự để nuôi hoài bão lớn.
Khi nhận thấy trong thời gian giãn cách xã hội, chỉ có giao hàng là hoạt động, Nguyên đã nghĩ ngay tới việc bắt đầu từ lĩnh vực giao hàng, bởi đây là đối tượng tiếp cận xe điện nhanh nhất, tối ưu nhất về chi phí.
“Trước đó, tôi có cơ duyên gặp CEO Lazada, có nói câu chuyện xe giao hàng, ban đầu tôi chưa để ý, nhưng Covid-19 đến đánh giá lại ở mọi góc độ đều thấy hợp lý”, Nguyên nói và cho biết, định hướng của Selex Motors là không chỉ là nhà sản xuất và bán xe điện thuần túy, mà tập trung phát triển hệ sinh thái, trong đó mạng lưới đổi pin là rất quan trọng, bởi khi mang tới sự tiện lợi cho người dùng, thì sản phẩm sẽ được đón nhận.
Ngay trong dịch, Selex Motors đã triển khai giải pháp đổi pin cho Lazada khi hãng thương mại điện tử này gặp vấn đề về pin sạc lâu và chất lượng kém. Mô hình này đã chứng minh hướng đi của Selex Motors là đúng và đã thuyết phục được các nhà đầu tư. Trong vòng gọi vốn từ Mỹ, dù qua online, Selex Motors vẫn được các quỹ đầu tư mạo hiểm rót 2,1 triệu USD. Số vốn gọi thêm tiếp tục tăng trong năm 2022 và đang chuẩn bị bước vào vòng gọi vốn thứ hai.
Giá trị của Selex Motors nằm ở R&D
Từng sang Trung Quốc tìm hiểu về phát triển xe máy điện, Phước Nguyên chia sẻ, hoàn toàn có thể đặt hàng sản xuất tại Trung Quốc sau 6 tháng sẽ có xe máy điện thương hiệu riêng, nhưng anh không chọn con đường làm thương mại, mà chọn con đường nghiên cứu, phát triển sản xuất. Đó là sự khác biệt mà Selex Motors đang thực hiện.
“Tôi xác định phát triển bền vững phải là chất lượng và phát triển R&D (nghiên cứu, phát triển). Chúng tôi chọn cách làm khó là sản xuất và tự nghiên cứu, bởi chúng tôi xác định, đó mới là giá trị gia tăng, còn lắp ráp, giá trị gia tăng không nhiều”, thuyền trưởng Selex Motors chia sẻ.
Trả lời câu hỏi của người viết rằng, điều gì làm nên thành công cho Selex Motors? CEO Selex Motors khẳng định, đó là bản lĩnh của trí tuệ Việt. Anh cho hay, thành công bước đầu có được nhờ trí tuệ, sự kiên trì và không thay đổi mục tiêu.
“Tôi nghĩ, chính vì lập trường, mục tiêu không thay đổi ấy nên chúng tôi mới đi được. Nếu mình cứ loay hoay thử cái này, thử cái khác để có dòng tiền sẽ dẫn đến không kiên định và đứt giữa đường. Chúng tôi có một phương châm là, mục tiêu thì không thay đổi, nhưng cách làm có thể thay đổi. Chúng tôi đã có đích đến nên phải tìm mọi cách để đi, trên đường gặp sông thì xây cầu, gặp núi phải đi qua…”, CEO Selex Motors bày tỏ.
Tính đến hết năm 2022, Selex Motors đã sở hữu 10 bằng sáng chế, 5 thiết kế kiểu dáng công nghiệp, 4 nhãn hiệu được cấp... Công ty cũng đã thiết kế và xây dựng nhà máy sản xuất xe máy điện và pack pin lithium-ion với công suất lên đến 20.000 xe và 100.000 pack pin/năm. Các sản phẩm của công ty được sản xuất với tỷ lệ nội địa hóa hơn 70%, trở thành doanh nghiệp tiên phong ở Đông Nam Á làm chủ toàn bộ quá trình phát triển và sản xuất xe máy điện thế hệ mới, cũng như pack pin lithium-ion.
Khởi nghiệp từ tháng 1/2018 với 4 nhân sự, hiện nay Công ty có gần 100 nhân sự, thuê văn phòng và mặt bằng làm nhà máy sản xuất tại Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội).
Một trạm đổi pin của Selex Motors. |
Trong 3 năm tới, nếu không mở rộng, Selex Motors tự tin có thể cân đối được tài chính, nhưng CEO Nguyễn Hữu Phước Nguyên cho biết, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô, vì nếu không mở rộng, sẽ không đủ quy mô lợi thế để phát triển lâu dài và vươn ra biển lớn. Hiện đang có nhiều đối tác nước ngoài quan tâm, mong muốn hợp tác cùng Selex Motors. Công ty cũng đặt kế hoạch trở thành công ty đại chúng và IPO sau 10 năm khởi nghiệp. Trước mắt, trong năm 2023, Selex Motors sẽ triển khai đặt 200 trạm đổi pin tại TP.HCM và Hà Nội, đồng thời triển khai kế hoạch phát triển sản phẩm xe máy điện dành cho người dùng B2C.
“Nếu giải được bài toán độ phủ thì xe điện sẽ cạnh tranh sòng phẳng với xe xăng”, CEO Selex Motors khẳng định và cho biết, giải pháp đổi pin tiện lợi chính là sự khác biệt của Selex Motors.