GMP - con đường bứt phá của doanh nghiệp
Dược sỹ Nguyễn Xuân Hoàng trải qua một chặng đường dài, từ chàng sinh viên quê Phú Thọ, bỡ ngỡ bước vào Trường đại học Dược Hà Nội, đến sỹ quan quân đội của Bệnh viện 109 (Quân khu 2) và hiện tại là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tư vấn y dược quốc tế (IMC) - doanh nghiệp tiên phong tại Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất thực phẩm chức năng được bào chế từ thảo dược, nguyên liệu quý từ thiên nhiên kết hợp với công nghệ hiện đại.
Năm 2003, IMC thành lập với ý tưởng ban đầu là tư vấn, đấu thầu thuốc, tư vấn pháp lý và xây dựng các dự án, trong đó có dự án xuất khẩu thuốc. Nhưng CEO Nguyễn Xuân Hoàng nhận thấy thị trường dược lúc đó có nhiều điểm hạn chế, khiến ngành dược trong nước khó có thể phát triển đúng với năng lực thực tế.
Trong khi đó, nền y học cổ truyền Việt Nam có hàng ngàn năm lịch sử, có nguồn nguyên liệu khổng lồ để sử dụng. Nhận thấy điều này, ông cho rằng, muốn doanh nghiệp phát triển cần phải chuyển hướng sản xuất chuyên biệt thực phẩm chức năng.
Kể về lý do thành lập IMC, Nguyễn Xuân Hoàng bộc bạch, với khát vọng mang đến cho cộng đồng những sản phẩm chăm sóc sức khỏe tốt nhất, cùng niềm đam mê nghiên cứu cây thuốc từ những bài thuốc y học cổ truyền của dân tộc, ông đã quyết tâm thành lập IMC. Trên hành trình ấy, ông gặp không ít khó khăn.
Hai khó khăn lớn nhất mà Nguyễn Xuân Hoàng và IMC, cũng như ngành thực phẩm chức năng phải đối mặt lúc đó là chưa có hành lang pháp lý và sự hiểu biết của xã hội, bao gồm cả các cơ quan báo chí, truyền thông, người tiêu dùng, thậm chí cả các y, bác sỹ về thực phẩm chức năng còn hạn chế, dẫn đến sự thiếu tin tưởng đối với sản phẩm. Do đó, mới đầu, các sản phẩm thực phẩm chức năng ra đời khó tiếp cận với người tiêu dùng.
Để vượt qua khó khăn, IMC đã phối hợp với các hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước, từng bước tham gia vào xây dựng hành lang pháp lý trong ngành, đồng thời tuyên truyền để cộng đồng hiểu đúng, dùng đúng thực phẩm chức năng. Qua thời gian, cộng với nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, những khó khăn ban đầu trong ngành dần được tháo gỡ. Đặc biệt, với IMC, ngay từ khi thành lập, CEO Nguyễn Xuân Hoàng đã định hướng công ty áp dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, nên phù hợp với xu thế phát triển và đem lại hiệu quả trong sản xuất.
Với mục tiêu đem đến cho người tiêu dùng đa dạng các chủng loại sản phẩm chất lượng, hiệu quả, Chủ tịch Nguyễn Xuân Hoàng cùng với các chuyên gia hàng đầu đã không ngừng nghiên cứu và cho ra mắt hàng loạt dòng sản phẩm định hướng chăm sóc sức khỏe toàn diện cho cộng đồng.
Sau 20 năm xây dựng và phát triển, IMC đã gặt hái được những thành công đáng tự hào, là doanh nghiệp sản xuất chuyên biệt thực phẩm chức năng đầu tiên xây dựng được nhà máy đạt chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP - Good manufacturing practice); ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất như công nghệ phytosome, công nghệ sinh học, gần đây nhất là công nghệ sinh học - lượng tử bio-quantum.
IMC cũng tạo nên một cộng đồng sáng tạo khởi nghiệp cho nhiều bạn trẻ, dựa trên giá trị cốt lõi của công ty. Nhiều nhân viên IMC đã tự tin khởi nghiệp, xây dựng thành công những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng lớn như Công ty cổ phần Dược phẩm Thái Minh, Công ty TNHH Viễn Bằng, Công ty TNHH Dược phẩm Á - Âu, Công ty cổ phần Tập đoàn liên kết Việt Nam (Vinalink Group)…
Với Nguyễn Xuân Hoàng, giá trị cốt lõi của một doanh nghiệp nằm ở sự tin tưởng và đầu tư phát huy tốt tiềm năng con người. Chính vì vậy, những hoạt động của Công ty luôn được ông chú trọng đẩy mạnh với quyết tâm kiên định xây dựng văn hóa doanh nghiệp đậm đà bản sắc dân tộc. Chủ tịch Nguyễn Xuân Hoàng luôn vạch ra sứ mệnh rõ ràng là xây dựng cộng đồng khỏe mạnh, giúp cộng đồng làm giàu một cách chính đáng. Mục tiêu và sứ mệnh cao cả này được ông hướng tới toàn bộ nhân viên của Công ty và nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt.
Bên cạnh đó, là doanh nhân, ý thức được sứ mệnh làm giàu cho tổ quốc, làm giàu cho cộng đồng, Chủ tịch Nguyễn Xuân Hoàng luôn hướng tới mục đích của doanh nghiệp là làm cho nhiều người có công ăn việc làm, tối ưu hóa nguồn lực và nguồn tài nguyên của đất nước, đồng thời góp phần xây dựng các thương hiệu mạnh tại Việt Nam.
Thay đổi để phát triển
Đứng trước những thách thức của thời cuộc, từ năm 2022, IMC hướng tới sáng tạo, đổi mới để phù hợp với kinh tế tuần hoàn, mở rộng hợp tác quốc tế và xây dựng các mô hình mới. Trong năm 2023, Công ty IMC tiếp tục mở rộng hệ sinh thái dựa trên các nguồn lực và thị trường, đó là đầu tư và phát triển ngành mỹ phẩm, healthcare. Để làm được điều này, IMC đã thành lập Viện Mỹ phẩm thiên nhiên (INC) trực thuộc Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam.
Bên cạnh đó, IMC tham gia và đặt mục tiêu dẫn dắt thị trường Petcare với thức ăn và thực phẩm chức năng cho thú cưng, mỹ phẩm và đồ phụ kiện, các chuỗi spa, khách sạn, resort cho thú cưng. IMC cũng tham gia sáng lập Hiệp hội Thú cưng Việt Nam, xây dựng các viện nghiên cứu, cơ quan truyền thông theo đúng chuyên ngành với mục tiêu giữ vị trí số một ngành pet trong nước và xuất khẩu.
Lãnh đạo IMC cho hay, với định hướng này, Công ty xác định, cần đổi mới, thoát ra khỏi cái bóng của mình, tạo ra một IMC hoàn toàn mới, nhưng vẫn giữ vững sứ mệnh và các giá trị cốt lõi, cũng như văn hóa công ty. CEO Nguyễn Xuân Hoàng tiết lộ, một lĩnh vực trọng tâm mà doanh nghiệp tập trung thực hiện thời gian tới là nông nghiệp công nghệ cao.
Sở dĩ như vậy là bởi, Việt Nam là nước nông nghiệp, dựa vào tài nguyên dồi dào từ biển, lợi thế về đa dạng sinh học, đa dạng về khí hậu và nhất là lực lượng nông dân khá đông đảo, cần cù, chịu khó, cùng với các chính sách về nông nghiệp được Nhà nước quan tâm hỗ trợ, các sản phẩm như gạo, cà phê, hạt tiêu, điều, chè, thủy - hải sản được thị trường thế giới đón nhận, là cơ hội rất lớn mở ra cho các doanh nghiệp đầu tư ngành này.
Tuy nhiên, theo CEO Nguyễn Xuân Hoàng, còn vài điểm nghẽn để ngành nông nghiệp Việt Nam thực sự cất cánh. Vậy nên, để phá bỏ điểm nghẽn ấy, doanh nghiệp đang áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn VAC 2.0 ứng dụng công nghệ sinh học - lượng tử bio-quantum. Trong đó, công nghệ bio-quantum dùng để xử lý nước, chiết xuất, sản xuất thực phẩm chức năng và mỹ phẩm, nuôi trồng thủy sản, nuôi chim yến.
“Mới đây, chúng tôi đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ này trong việc tạo ra môi trường bán hoang dã cho chim yến (kiểm soát môi trường, nhiệt độ, khí hậu, ngăn ngừa bệnh tật…), xử lý phân chim bằng enzyme làm thức ăn cho cá, tôm. Mô hình nuôi yến này có thể đồng thời kết hợp với du lịch là điểm tham quan, triển lãm và trải nghiệm nông nghiệp công nghệ cao. Với giá thành phải chăng, mô hình này có thể nhượng quyền cho các hộ gia đình, doanh nghiệp thu mua lại tổ yến để sản xuất và xuất khẩu”, CEO Nguyễn Xuân Hoàng chia sẻ.
“Công ty IMC đang không ngừng đổi mới để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Thế nhưng, thay đổi, làm mới bản thân không có nghĩa là thay đổi sứ mệnh và các giá trị cốt lõi của công ty. Sứ mệnh, giá trị cốt lõi, văn hóa của IMC là những thứ bất biến, không thay đổi”, CEO Nguyễn Xuân Hoàng khẳng định.
Trò chuyện với CEO Nguyễn Xuân Hoàng
Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm đã giúp IMC vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19?
Đứng trước những thách thức thời cuộc, đặc biệt sau 3 năm Covid-19, từ năm 2022, IMC hướng tới sáng tạo, đổi mới để phù hợp với kinh tế tuần hoàn, mở rộng hợp tác quốc tế và xây dựng các mô hình mới.
Bên cạnh thực phẩm chức năng, IMC tiếp tục mở rộng hệ sinh thái dựa trên các nguồn lực và thị trường bằng nhóm sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp nguồn gốc thiên nhiên, hướng tới xuất khẩu.
Định hướng kinh doanh mà IMC hướng tới trong tương lai là gì, thưa ông?
Chúng tôi hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn. Mô hình kinh tế tuần hoàn là mô hình VAC 2.0 ứng dụng công nghệ sinh học - lượng tử bio-quantum. Trong đó, công nghệ bio-quantum được ứng dụng để xử lý nước, chiết xuất, sản xuất thực phẩm chức năng và mỹ phẩm, nuôi trồng thủy sản, nuôi chim yến là điểm chúng tôi thấy ưng ý nhất.
Mới đây, chúng tôi đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ này trong việc tạo ra môi trường bán hoang dã cho chim yến (kiểm soát môi trường, nhiệt độ, khí hậu, ngăn ngừa bệnh tật…), xử lý phân chim bằng enzyme làm thức ăn cho cá, tôm. Mô hình nuôi yến này có thể đồng thời kết hợp với du lịch là điểm tham quan, triển lãm và trải nghiệm nông nghiệp công nghệ cao.
Với giá thành phải chăng, mô hình này có thể nhượng quyền cho các hộ gia đình và công ty thu mua lại tổ yến để sản xuất và xuất khẩu. Bên cạnh đó, chúng tôi đang tiếp tục giữ vai trò tại Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, đóng góp ý kiến với với cơ quan quản lý trong xây dựng quy chế với sản xuất, kinh doanh.