CEO Nguyễn Trung Kiên: “Khi người người đi câu, tôi sẽ bán cần câu”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Vừa thành lập được nửa tháng, Công ty cổ phần Công nghệ Pavana (Pavana) đã gây sốc khi được hai tên tuổi lớn là CNCTech và Sky Light rót 1 triệu USD vốn đầu tư. Ông Nguyễn Trung Kiên, Founder kiêm CEO của Pavana dành cho Tinnhanhchungkhoan.vn những chia sẻ quanh câu chuyện khởi nghiệp. Thành Nguyễn thực hiện.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Founder kiêm CEO của Pavana. Ông Nguyễn Trung Kiên, Founder kiêm CEO của Pavana.

Đầu tiên, xin chúc mừng ông và Pavana vì chỉ sau nửa tháng thành lập đã nhận được 1 triệu USD vốn từ CNCTech và Sky Light. Ông có thể chia sẻ đôi chút về lĩnh vực mà Pavana sẽ theo đuổi?

Pavana được thành lập ra với mục tiêu phát triển camera thông minh với hai hướng đi song hành. Một là làm outsource trong lĩnh vực phát triển camera, hai là phát triển sản phẩm cho riêng mình.

Lý do dẫn đến định hướng này là việc thiết kế và tạo ra sản phẩm không quá khó, nhưng để làm ra camera thông minh với chi phí thấp nhất và có khách hàng tiêu thụ với sản lượng cao là một khó khăn rất lớn với tất cả các công ty công nghệ Việt Nam chứ không riêng gì startup và Pavana cũng không phải là ngoại lệ. Outsourcing giúp chúng tôi tích lũy được nguồn lực và kinh nghiệm để phát triển lâu dài.

Còn về dài hạn, Pavana ra đời không phải chỉ để đi làm thuê, chúng tôi sẽ phát triển các sản phẩm cho riêng mình trong lĩnh vực camera thông minh và tất nhiên không cạnh tranh với sản phẩm mà khách hàng thuê mình làm outsource.

Trong rất nhiều lĩnh vực tiềm năng, tại sao Pavana lại chọn camera thông minh là sản phẩm chiến lược?

Camera AI hay Camera thông minh đang là xu thế, rất nhiều công ty đi vào lĩnh vực này, chúng tôi chọn phát triển sản phẩm camera thông minh bởi tôi cũng thấy nó thực sự rất tiềm năng.

Toàn thế giới đang hướng tới các sản phẩm thông minh, từ đô thị, căn hộ cho đến ô tô thông minh. Mà để trở nên thông minh thì phải có dữ liệu đầu vào tốt, “đôi mắt” là thứ không thể thiếu để một đô thị, ngôi nhà hay ô tô trở nên thông minh. Do đó, dư địa tăng trưởng là rất lớn.

AI là một đại dương bao la, còn nhiều “đất diễn”, thế giới không đi trước chúng ta quá xa trong lĩnh vực này, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể song hành cùng các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu. Tôi rất thích câu nói, khi người người đi câu, thì mình đi làm cần câu, làm mồi để bán.

Cụ thể, camera thông minh mà Pavana phát triển sẽ thực hiện chức năng gì?

Sản phẩm của Pavana đứng ở góc độ ứng dụng chứ không nặng tính học thuật, do đó, chúng tôi sẽ tập trung giải quyết bài toán cụ thể trong cuộc sống và tránh việc “phát minh lại bánh xe”. Ví dụ, camera nhận diện khuôn mặt để chấm công hay kiểm soát vào ra đã có rất nhiều bên làm bất chấp việc ứng dụng trong thực tế chưa nhiều, chúng tôi sẽ không làm camera nhận diện khuôn mặt để chứng minh mình cũng làm được.

Thay vào đó, chúng tôi sẽ phát triển camera nhận diện hành vi vì tôi cho rằng điều đó quan trọng hơn, có ý nghĩa hơn đối với một camera an ninh. Hay thay vì làm camera AI quan sát trong một khu vực rộng với rất nhiều hành vi, vật thể cần nhận diện thì chúng tôi sẽ làm camera trong ô tô với phạm vi cần nhận diện và cảnh báo nhỏ hơn nhiều, như vậy sẽ “dễ” làm chính xác hơn, thiết thực hơn.

Ông vừa nói đến Camera trong ô tô, cụ thể sản phẩm này là như thế nào và hướng phát triển của nó ra sao?

Camera này sẽ được lắp đặt trong cabin xe ô tô để nhận diện và cảnh báo các hành vi gây mất an toàn, ví dụ lái xe buồn ngủ, say rượu, nghe điện thoại, mất tập trung khi lái xe, bỏ tay khỏi vô lăng, bỏ quên tài sản hoặc thậm chí bỏ quên trẻ em trên xe.

Trước mắt chúng tôi phát triển camera sử dụng cho xe ô tô cá nhân, hoạt động độc lập. Hướng phát triển tiếp theo là camera cho xe khách, xe buýt hay hợp tác với hãng xe ô tô tích hợp vào trong xe, gửi mệnh lệnh điều khiển phương tiện khi camera nhận diện được các hành vi mất an toàn.

Dây chuyền sản xuất bo mạch trong nhà máy Sky Light Việt Nam.

Dây chuyền sản xuất bo mạch trong nhà máy Sky Light Việt Nam.

Công nghệ thay đổi từng ngày, Pavana sẽ làm gì để bắt kịp tốc độ đó khi Pavana là một doanh nghiệp khởi nghiệp và chưa có thương hiệu, nguồn lực đủ lớn?

Tôi lại cho rằng, công nghệ thay đổi nhanh chính là cánh cửa cho các startup, chứ nếu thay đổi chậm như trước thì startup sẽ khó chen chân và xuất hiện trên thị trường, và sẽ không bao giờ có các cuộc lật đổ như chúng ta đã và đang chứng kiến

Giải pháp của chúng tôi đúng nghĩa là đứng trên vai người khổng lồ. Việc bắt tay cùng CNCTech và Sky Light cho thấy điều đó. May mắn Pavana cũng có một số nhà đầu tư quan tâm và ngỏ ý góp vốn đầu tư, nhưng tiêu chí của chúng tôi là lựa chọn đối tác có nguồn lực, có hệ sinh thái phù hợp để hỗ trợ chúng tôi phát triển.

Ví dụ với Sky Light, đây là công ty có nhiều năm kinh nghiệm trong việc thiết kế và chế tạo sản phẩm camera theo đơn đặt hàng lớn có khách hàng trên phạm vi toàn cầu, còn CNCTech có đầy đủ hệ sinh thái phục vụ sản xuất, từ làm khuôn mẫu, sản xuất linh kiện cơ khí, sản xuất bo mạch điện tử, đến lắp ráp thành phẩm và phụ kiện. Với sự hỗ trợ của hai nhà đầu tư này, chúng tôi tin rằng sẽ đi nhanh hơn và xa hơn.

Là startup về công nghệ, theo ông, đâu là yếu tố quan trọng nhất?

Tôi cho rằng vẫn là con người, với các startup nguồn lực con người còn quan trọng hơn cả tiền. Và đây cũng là khó khăn lớn nhất mà startup công nghệ Việt Nam sẽ phải đối mặt.

Chúng ta là nước dân số trẻ, có lực lượng lao động dồi dào nhưng nhân sự công nghệ có khả năng làm R&D thì chúng ta thiếu cả về lượng và chất. Nếu có, các nhân sự này cũng tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp lớn, khiến cho các startup gặp nhiều khó khăn trong bài toán nhân sự.

Nhưng chắc hẳn nguồn vốn cũng quan trọng chứ?

Vốn cũng quan trọng, và đây cũng đang là cái khó của doanh nghiệp trẻ, khởi nghiệp khi chưa có những chính sách cụ thể, việc tiếp cận vốn vay, vốn ưu đãi không dễ. Ví dụ, các startup thường chưa có tài sản, trong khi để vay được vốn thì phải có thế chấp. Chúng ta cũng chưa có nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm sẵn sàng rót vốn cho startup. Tôi hy vọng rằng những nút thắt này sẽ sớm được tháo gỡ trong thời gian tới.

Quay lại câu chuyện của Pavana, chắc hẳn các sản phẩm của công ty không chỉ hướng đến thị trường nội địa?

Đã đi vào lĩnh vực “phần cứng” thì thị trường Việt Nam không thể đủ được, chúng ta không thể lấy dùng quy mô thị trường hơn 90 triệu dân để cạnh tranh được với các hãng có quy mô thị trường 7 tỷ dân được, nên chúng tôi bắt buộc sẽ phải tìm đường ra quốc tế.

Camera thông minh cho ô tô là một trong những sản phẩm chiến lược của chúng tôi, mà ô tô là lĩnh vực toàn cầu, nên đây cũng là một trong những lý do lựa chọn hướng đi của chúng tôi. Ô tô điện, ô tô thông minh đang là xu hướng không thể đảo ngược, đây là tiền đề, cũng là cơ hội cho sản phẩm của Pavana.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục