CEO Nguyễn Công Hoan: Covid-19 lần 4 tạo bước ngoặt lịch sử cho ngành du lịch

0:00 / 0:00
0:00
CEO Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan cho rằng, đợt dịch Covid-19 lần 4 sẽ tạo bước ngoặt lịch sử cho ngành kinh tế xanh.
CEO Nguyễn Công Hoan: Covid-19 lần 4 tạo bước ngoặt lịch sử cho ngành du lịch

Đại dịch Covid-19 lần thứ tư ập đến đúng dịp cao điểm hè 2021 khiến các doanh nghiệp lữ hành tổn thất nặng nề cả về kinh tế và tinh thần.

Ông Nguyễn Công Hoan, CEO Flamingo Redtours cho rằng, đợt dịch lần này sẽ tạo “bước ngoặt” lớn với ngành du lịch. Bởi, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp du lịch đóng cửa và buộc chuyển đổi sang những lĩnh vực kinh doanh, hoạt động thương mại khác với những kế hoạch tài chính và tính toán căn cơ, dài hạn hơn.

“Ảnh hưởng của Covid-19 đối với doanh nghiệp du lịch cũng giống như với người bị nhiễm bệnh. Thực tế, doanh nghiệp nào cũng có “bệnh”, có điểm yếu. Doanh nghiệp có “bệnh nền” thì chết nhanh, ít bệnh thì chết từ từ hoặc lâu khỏi, còn doanh nghiệp khỏe sẽ chỉ bị yếu đi chứ không thể chết được”, ông Hoan ví von.

Theo CEO Flamingo Redtours, nguồn lực của nhà nước có hạn nên cần ưu tiên công tác phòng, chống dịch, các vấn đề an sinh, để giảm nhẹ tác động chung cho xã hội. Cần thúc đẩy những ngành ít chịu ảnh hưởng nhất bởi đại dịch Covid-19 để tạo thị trường lao động cho những nhân sự của những ngành khác bị mất việc trong đó có du lịch.

Doanh nghiệp lữ hành cũng không nên chỉ chờ đợi sự phục hồi của du lịch mà cần chủ động thay đổi, mở rộng thêm các lĩnh vực kinh doanh mới. Và Nhà nước nên tạo “cần câu” hơn là cho “con cá” với những chính sách “tiếp sức” cho việc đầu tư mới như một dạng hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi công nghệ hay start-up.

Thưa ông, đại dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đúng đầu mùa du lịch cao điểm hè 2021 đã tác động thế nào đến Flamingo Redtours nói riêng, các doanh nghiệp lữ hành nói chung?

Đại dịch Covid-19 lần thứ tư ập đến đúng dịp cao điểm hè 2021 nhanh, mạnh như “sóng thần”, không gì có thể ngăn cản nổi. Flamingo nói riêng và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, du lịch nói chung chịu tổn thất nặng nề cả về kinh tế và tinh thần.

Sau khi 3 lần bùng phát đại dịch Covid-19 và cả 3 lần chúng ta khống chế thành công, nhanh chóng khôi phục hoạt động kinh doanh, chúng tôi nghĩ rằng, “quá tam ba bận”, Covid-19 sẽ khó bùng phát vào mùa hè này hoặc nếu có thì cũng nhẹ và ít ảnh hưởng.

Bởi lẽ, Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm phòng, chống virus SARS-CoV-2. Nước ta cũng là một trong số ít quốc gia kiểm soát dịch bệnh rất tốt. Bên cạnh đó, tình hình tiêm vắc-xin trên thế giới và Việt Nam đang triển khai rất tích cực. Nhu cầu đi du lịch của người dân rất lớn, tạo sự hứng khởi cho những người làm du lịch. Vì thế, các doanh nghiệp du lịch còn tồn tại đều kỳ vọng rất lớn vào thị trường nội địa trong mùa hè 2021.

Trước khi Covid-19 lần 4 bùng phát, nhiều tour khởi hành từ tháng 5 đến tháng 8 của Flamingo Redtours đạt 70% - 80% số chỗ, các tour khác cũng đạt 40% - 50% với rất nhiều đoàn khách đông.

Trước khi Covid-19 lần 4 bùng phát, nhiều tour khởi hành từ tháng 5 đến tháng 8 của Flamingo Redtours đạt 70% - 80% số chỗ, các tour khác cũng đạt 40% - 50% với rất nhiều đoàn khách đông.

Thực tế, Flamingo Redtours đã xây dựng kế hoạch, sản phẩm, dịch vụ chi tiết, kỹ càng. Chúng tôi đã đầu tư một số tiền lớn để chuẩn bị đặt cọc các dịch vụ vé máy bay, phòng khách sạn, thực hiện các chiến dịch truyền thông, quảng cáo mạnh mẽ cho các sản phẩm, dịch vụ.

Kết quả ban đầu rất khả quan: Số lượng du khách đăng ký các tour dịp 30/4, 1/5 và mùa hè rất đông. Nhiều tour khởi hành từ tháng 5 đến tháng 8 đạt 70% - 80% số chỗ, các tour khác cũng đạt 40% - 50% với rất nhiều đoàn khách đông.

Tôi cảm nhận được sự tăng trưởng rất tốt cả về số lượng khách và thị phần. Bởi vì, nhu cầu thị trường rất dồi dào sau thời gian bị kìm nén, trong khi đó nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa, dừng hoạt động nên thị phần “tràn” vào các doanh nghiệp lớn còn tồn tại.

Thế nhưng, đại dịch Covid-19 lần thứ tư lại bùng phát với mức độ nguy hiểm và trên diện rộng nhất từ trước đến nay ở Việt Nam và nhiều quốc gia Đông Nam Á.

Từ ngày 28/4, nhiều tours đã phải hoãn hủy và đến ngày 10/5 thì gần như dừng toàn bộ và chưa có dấu hiệu có thể khởi động lại trong tháng 6.

Không có đoàn khởi hành, doanh thu thực hiện không có, trong khi Doanh nghiệp vẫn phải duy trì nhân sự để thực hiện các nghiệp vụ xử lý hoãn hủy với khách hàng và đối tác, các chi phí vận hành văn phòng vẫn phải duy trì, các chi phí đầu tư truyền thông, quảng cáo khó thu hồi được,…

Flamingo Đại Lải Resort của Flamingo Holding Group là khu nghỉ dưỡng sinh thái được nhiều du khách yêu thích, dịp cuối tuần thường phải đặt trước nhiều tháng mới có phòng.

Flamingo Đại Lải Resort của Flamingo Holding Group là khu nghỉ dưỡng sinh thái được nhiều du khách yêu thích, dịp cuối tuần thường phải đặt trước nhiều tháng mới có phòng.

Ảnh hưởng của đợt dịch lần thứ 4 không tác động đến nhiều doanh nghiệp lữ hành như những lần trước vì nhiều công ty đã đóng cửa, chưa gia nhập lại thị trường. Nhưng mức độ thiệt hại và hệ lụy của nó cho những Công ty còn tồn tại lại lớn hơn rất nhiều. Vì, một số doanh nghiệp dùng tất cả nguồn lực còn lại cuối cùng để tranh thủ cơ hội, thậm chí có những doanh nghiệp huy động thêm các nguồn lực khác để đầu tư cho dịch vụ, sản phẩm du lịch.

Về tinh thần, niềm tin và kỳ vọng của doanh nghiệp giảm xuống rất thấp. Tâm lý hoài nghi, lo lắng không biết Covid-19 còn dai dẳng đến lúc nào và cũng không thể dự đoán đến khi nào mới được kiểm soát.

Thế nên, từ lần bùng phát dịch covid-19 lần thứ 4 này, chúng ta phải tĩnh tâm và suy nghĩ lại mọi kế hoạch và kịch bản. Việc tính toán khi nào du lịch có thể phục hồi thực sự trở lên thân trọng hơn bao giờ hết.

Nhà hàng Công viên nhỏ của Flamingo Holding Group.

Nhà hàng Công viên nhỏ của Flamingo Holding Group.

Vậy doanh nghiệp du lịch nên làm gì trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?

Mỗi doanh nghiệp có những điều kiện, đặc điểm riêng nên khó có thể có một mô hình chung cho tất cả.

Trải qua những đợt Covid-19 bùng phát, rất nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa, đã chuyển đổi hoặc bổ sung thêm lĩnh vực kinh doanh khác. Nguồn lực doanh nghiệp đã phải san sẻ cho nhiều mảng và chỉ dành một phần nào đó cho du lịch.

Tuy nhiên, sau đợt dịch lần thứ 4, sẽ có hàng loạt câu hỏi đặt ra với ngành du lịch, doanh nghiệp lữ hành. Liệu rằng còn có những doanh nghiệp khác bước chân vào thị trường du lịch hay không? Còn bao nhiêu doanh nghiệp tiếp tục duy trì mảng lữ hành? Những nhân lực ngành du lịch có còn mặn mà với ngành, khi thu nhập đã mất, giảm đáng kể sau một thời gian dài? Ngành du lịch sẽ ra sao?

Theo tôi, có lẽ Covid-19 sẽ tạo ra “bước ngoặt” lớn đối với ngành du lịch khi cả lực lượng lao động và số lượng doanh nghiệp du lịch xác định dứt bỏ hẳn mảng du lịch cũng sẽ rất lớn. Trong bối cảnh hiện nay, việc các doanh nghiệp du lịch chuyển đổi lĩnh vực kinh doanh là cần thiết.

Ông đánh giá thế nào về những doanh nghiệp lữ hành đã dừng hoạt động?

Theo tôi, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh lữ hành có 3 nhóm. Đa phần những doanh nghiệp đóng cửa trong đợt dịch đầu tiên là những đơn vị mới bước vào nghề, bị hấp dẫn bởi sự tăng trưởng nóng của ngành trong thời gian qua, vốn đầu tư chưa nhiều, Covid-19 xuất hiện, thị trường đóng băng, vốn đầu tư ban đầu mất luôn nên dừng lại.

Những doanh nghiệp du lịch đóng cửa sau đợt Covid-19 bùng phát lần 2 và lần 3 là những doanh nghiệp đã bước vào ngành du lịch một thời gian, đã có những thành công nhất định.

Tuy nhiên, bị hấp dẫn bởi sự tăng trưởng nóng, muốn nhanh chóng mở rộng thị trường nên không trích lập quỹ dự phòng mà có bao nhiêu nguồn lực thì đem ra đầu tư hết, thậm chí dùng đòn bẩy tài chính để mở chi nhánh hay đặt cọc dịch vụ... nên khi dòng tiền không được lưu thông, doanh nghiệp buộc phải cắt giảm dần, đến khi không chống đỡ được nữa thì đóng cửa.

Còn một số ít các doanh nghiệp tồn tại được là những Công ty lớn có thâm niên, có quá trình tích lũy và tái đầu tư, mở rộng thêm nhiều lĩnh vực khác, khi mảng lữ hành bị ảnh hưởng bởi Covid-19, họ dùng quỹ dự phòng và lợi nhuận từ các mảng khác hỗ trợ. Ngoài ra còn hãng du lịch có nguồn gốc từ Nhà nước, đang hưởng dư địa từ bất bất động sản mà họ được giao kinh doanh.

Thực tế tại Flamingo Redtours chúng tôi là hãng du lịch tư nhân với 25 năm phát triển có tích lũy tư bản lâu dài. Chúng tôi phải lấy nguồn tích lũy lợi nhuận của những năm trước chưa phân bổ, những nguồn dự phòng, nguồn dự định đầu tư những mảng khác để duy trì mảng lữ hành. Đồng thời, tham gia những mảng kinh doanh khác, tranh thủ sự hỗ trợ từ các nguồn lực của Tập đoàn, để duy trì nhân sự và bổ sung doanh thu.

Như ông vừa chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp du lịch cần chuyển đổi lĩnh vực kinh doanh?

Ở giai đoạn này, chúng ta không chỉ dừng lại ở những việc đã làm từ khi đại dịch Covid-19 ập đến như: sắp xếp lại tổ chức, tiết giảm chi phí, đào tạo nhân sự, chuyển đổi số… mà các doanh nghiệp phải tĩnh tâm lại và điều chỉnh tất cả những kế hoạch một cách căn cơ, bài bản, lâu dài hơn.

Nếu như trước đây, chúng ta vẫn tính toán theo kiểu điều chỉnh ngắn hạn thì bây giờ kế hoạch phải tính toán dài hạn hơn. Thậm chí, phải chuyển đổi, bổ sung thêm các lĩnh vực kinh doanh mới. Cụ thể mảng kinh doanh nào thì phụ thuộc vào năng lực tài chính và chuyên môn của ông chủ và chính những nhân sự còn duy trì trong doanh nghiệp.

Có nhiều chủ doanh nghiệp lữ hành không xuất thân từ ngành du lịch, nay có thể quay về ngành nghề cũ, ngành nghề được đào tạo. Giai đoạn này nên ưu tiên dùng năng lực chuyên môn đó để chuyển đổi kinh doanh hơn vì đầu tư về mặt tài chính thời điểm này rất rủi ro.

Khả năng thành công cao hơn nếu kinh doanh dựa trên cơ sở nền tảng kiến thức, kỹ năng của ông chủ và người lao động đang có. Thực tế, nhân sự ngành du lịch có kỹ năng về ngoại ngữ, đào tạo, thương mại, nhân sự, truyền thông, tư vấn… Vậy thì, hãy dùng những kỹ năng đó để tồn tại trong bối cảnh Covid-19 chưa biết đến khi nào mới kết thúc.

Quan điểm của tôi là doanh nghiệp nên duy trì du lịch ở góc độ đam mê, cố gắng giữ một bộ phận tối thiểu, đợi thị trường phục hồi.

Với người lao động, chúng ta vẫn duy trì sự kết nối như hàng tuần họp giao ban online, các group tương tác để trao đổi, đánh giá tình hình thị trường nhằm duy trì kỹ năng chuyên môn du lịch. Nhân viên vẫn có một phần lương, được đóng bảo hiểm xã hội từ phía công ty và họ dùng những chuyên môn của mình để làm nghề tay trái, bù đắp thu nhập.

Thực tế, có những nhân sự của Flamingo Redtous hiện chuyển sang làm thêm tư vấn viên bảo hiểm hay bán hàng online, thiết kế đồ lưu niệm… rất thành công và thu nhập tốt hơn cả khi làm du lịch.

Về tài chính, doanh nghiệp cũng phải tính toán và để dành một nguồn quỹ nhất định, để khi du lịch phục hồi mang ra đầu tư khởi động lại hoạt động kinh doanh, tránh tình trạng có bao nhiêu mang ra đầu tư hết nhưng không hiệu quả, khiến doanh nghiệp chết dần, chết mòn trước khi thị trường phục hồi.

Vậy còn ở góc độ cơ chế, chính sách từ Chính phủ, doanh nghiệp mong mỏi điều gì, thưa ông?

Qua báo chí và rất nhiều người trao đổi với tôi, hầu hết các doanh nghiệp lữ hành đều mong muốn Chính phủ hỗ trợ giảm thuế, giảm lãi, giãn nợ, hỗ trợ trả lương cho người lao động,…

Tuy nhiên, tôi lại có tư duy rất khác. Bởi, việc hỗ trợ thuế của Nhà nước thời điểm này là không có ý nghĩa vì doanh nghiệp không có doanh thu. Còn nếu hỗ trợ trả lương cho người lao động, thì chưa biết đến khi nào du lịch mới phục hồi, mà chính sách hỗ trợ phải xác định được thời điểm bắt đầu và kết thúc. Mặt khác, nếu thời gian qua nhà nước hỗ trợ trả lương cho nhân viên, vô hình sẽ tạo sức ì cho nhân sự của ngành.

Và trên thực tế, rất nhiều ngành, nghề, lĩnh vực khác liên quan tới du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 như vận tải, nhà hàng, khách sạn, các khu vui chơi, giải trí. Khoản đầu tư của họ là khổng lồ nhưng cũng không có doanh thu. Trong khi, lữ hành chỉ phải trả chi phí duy nhất là nhân sự, còn văn phòng có thể chuyển sang làm việc online.

Tôi nghĩ rằng, Nhà nước hãy cho doanh nghiệp, người lao động ngành du lịch “cần câu" hơn là cho "con cá”.

Hiện nay, nguồn lực của Nhà nước có hạn nên cần ưu tiên công tác phòng, chống dịch, các vấn đề an sinh, để giảm nhẹ gánh nặng của xã hội. Đồng thời, ưu tiên thúc đẩy những ngành ít chịu ảnh hưởng nhất bởi đại dịch Covid-19 để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh như nông nghiệp, y tế, công nghệ, công nghiệp, gia công xuất khẩu… nhằm duy trì và tăng trưởng GDP, thêm nguồn thu cho ngân sách để có thêm nguồn lực chiến đấu với đại dịch và hỗ trợ lại những ngành bị ảnh hưởng.

Tiếp theo, Nhà nước cần nghiên cứu có chính sách khuyến khích những ngành sản xuất kinh doanh phù hợp tạo ra nhiều việc làm mới cho những nhân sự ngành du lịch chuyển sang hay các doanh nghiệp du lịch chuyển sang đầu tư nhằm duy trì hoạt động và giải quyết việc làm cho người lao động.

Nhà nước cần có quỹ hỗ trợ, chương trình ưu đãi lãi suất cho các doanh nghiệp du lịch với những khoản vay đầu tư lĩnh vực mới tiềm năng trên cơ sở đánh giá, thẩm định tính khả thi hiệu quả của dự án.

Nhà nước cũng nên có cơ chế khuyến khích các công ty, doanh nghiệp không thuộc ngành du lịch sử dụng nhân sự ngành kinh tế xanh. Bởi, nhân sự ngành du lịch có nhiều kỹ năng mềm về sale, marketing, bán hàng, phiên dịch… Ví dụ doanh nghiệp lĩnh vực khác sử dụng nhân lực du lịch, Nhà nước sẽ có chính sách ưu đãi về thuế hay tiền điện, đào tạo chuyển đổi hoặc một ưu đãi nào đó để khuyến khích.

Đặc biệt, Nhà nước cần thành lập, đầu tư cho bộ phận nghiên cứu đánh giá thị trường du lịch với các nhiệm vụ dự báo khi nào du lịch có thể phục hồi; Thị trường nào phục hồi trước, phục hồi sau; Những dòng sản phẩm nào sẽ tương ứng mỗi thị trường trong thời gian tới. Công khai kết quả nghiên cứu cho các doanh nghiệp, tập huấn định hướng cho các doanh nghiệp. Đây là cách hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả nhất và công bằng cho tất cả mọi nhà đầu tư vào du lịch khi thị trường phục hồi.

Flamingo Cát Bà Resort của Flamingo Holding Group là khu nghỉ dưỡng mơ ước của nhiều du khách trong và ngoài nước.

Flamingo Cát Bà Resort của Flamingo Holding Group là khu nghỉ dưỡng mơ ước của nhiều du khách trong và ngoài nước.

Theo ông, khi thị trường phục hồi, Nhà nước cần làm gì để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào du lịch?

Khi chắc chắn thị trường du lịch phục hồi, Nhà nước cần đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tới các thị trường trong nước và quốc tế. Bởi khi đó doanh nghiệp không còn nguồn lực.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn để đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, để phục vụ thị trường du lịch. Nhà nước có thể cho vay theo dự án và dự án đó được cơ quan thẩm định đánh giá là khả thi.

Trong khoảng 1 năm đầu, Nhà nước cần miễn thuế cho doanh nghiệp du lịch, để lợi nhuận đó doanh nghiệp đầu tư cho các hoạt động phát triển sản phẩm, phát triển thị trường.

Tức là, khi nào du lịch phục hồi thì nhà nước cần áp dụng các chính sách du lịch như một lĩnh vực được ưu tiên và ưu đãi về thuế, cho vay,… dựa trên đề tài, dự án khả thi. Có như vậy, cả doanh nghiệp du lịch cũ và những nhà đầu tư mới cũng như nguồn lực xã hội mới “chảy” vào ngành du lịch.

Khi đó, Việt Nam sẽ có bộ máy du lịch mới tinh nhuệ hơn và Nhà nước chính là bà đỡ chung cho ngành kinh tế xanh phát triển, bứt phá.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Hồ Hạ
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục