Đi lên từ thất bại
Ông Ngô Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CEO Việt Nam Global được biết đến là người đã đào tạo ra nhiều lãnh đạo cấp cao làm việc tại các doanh nghiệp lớn, nhỏ trên toàn quốc. Nhưng ít ai nghĩ rằng, ông đã phải trả giá bằng thời gian, “xương máu” với nhiều công việc khác nhau.
Theo học chuyên ngành điện tử - viễn thông tại Đại học Quốc gia Hà Nội, nhưng với đam mê và “máu” kinh doanh có sẵn trong người, trong suốt 4 năm học, ông Tuấn đã kinh doanh nhỏ với nhiều hình thức khác nhau. Khi đó, do thiếu vốn và kinh nghiệm, dự án kinh doanh đầu tay của ông phải dừng lại.
Sau khi tốt nghiệp đại học, ông Tuấn làm việc tại Liên hiệp Đường sắt Việt Nam. Công tác một thời gian, ông tiếp tục tham gia kinh doanh, nhưng thất bại vào năm 2004.
Không thích sự ổn định, luôn làm mới bản thân và tìm cho mình những cơ hội mới, khoảng thời gian sau đó, ông Tuấn công tác ở nhiều vị trí khác nhau. Ông từng giữ chức Phó hiệu trưởng thường trực Trường trung cấp Bến Thành, Tổng giám đốc Bachkhoa-Aptech, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn và Đào tạo 360...
Sau khi trải nghiệm nhiều công việc và nếm trải những lần kinh doanh đổ vỡ, doanh nhân này đã tích lũy kiến thức thực tiễn về cách vận hành trong doanh nghiệp. Từ đó, ông Tuấn bước chân vào sự nghiệp tư vấn cho các công ty nhỏ và vừa. Cũng từ quá trình tư vấn này, ông nhận thấy, các doanh nghiệp gặp nhiều vấn đề với nhóm nhân sự có thâm niên. Việc sa thải dẫn tới rất nhiều hậu quả, không tốt cho quá trình vận hành, tận dụng nguồn lực.
Khi đó, ông nghĩ, giải pháp tốt nhất đối với những người này là đào tạo. Vì vậy, ông quyết định mở trường đào tạo nghiệp vụ mang tên Trường Huấn luyện doanh nhân CEO Việt Nam Global - đào tạo học sinh sau THPT thành doanh nhân tương lai.
Vị chủ tịch này chia sẻ, ông thành lập trường với mục tiêu xây dựng mô hình đào tạo doanh nhân, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo ông, muốn đất nước phát triển thì việc đầu tiên là phải có đội ngũ doanh nhân phát triển. Sau đó, từng thế hệ phải phát triển được khát vọng yêu nước, khát vọng cống hiến cho dân tộc.
“Thứ tôi tập trung lớn nhất là phải tạo ra những chương trình để đẩy mạnh chuyển hóa tâm thức cho các con, để các con yêu đất nước, yêu dân tộc, yêu con người Việt Nam và tự hào về dân tộc, muốn cống hiến cho đất nước. Sau đó mới là tạo ra thế hệ doanh nhân có chất lượng cuộc sống tốt cả về kinh doanh, đạo đức, cách làm khoa học để họ nhận được chất lượng cuộc sống tốt hơn, mặc dù họ vẫn là doanh nhân. Làm cho doanh nhân thay đổi góc nhìn về khởi nghiệp, điều hành doanh nghiệp để tránh tình trạng coi thương trường là chiến trường”, ông Tuấn nói.
Sau gần 1 thập kỷ hoạt động, Trường Doanh nhân CEO Việt Nam Global đã đào tạo trên 2.000 học viên, với 100% người học tốt nghiệp có việc làm và chỗ đứng nhất định trên thương trường. Học thực tiễn cùng doanh nhân, làm thực tế tại doanh nghiệp ngay từ năm thứ 2, lộ trình học tinh gọn, mô hình đào tạo quân đội rèn thói quen của người thành công… là những điểm ưu việt của môi trường này.
Có áp lực mới có kim cương
Trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không ít doanh nghiệp phải giải thể.
Bày tỏ quan điểm về thực trạng này, ông Ngô Minh Tuấn cho rằng, bất cứ ngành nghề nào cũng có lúc thịnh, lúc suy, sẽ không bao giờ tìm được một ngành nghề luôn suôn sẻ, thịnh vượng mãi. Vậy nên, khi rơi vào khó khăn, suy thoái, người lãnh đạo ngay lập tức phải đưa ra được chiến lược để doanh nghiệp tồn tại và giữ được nhân sự có chất lượng.
Cụ thể, trong lúc khó khăn, thông điệp và chiến lược của người lãnh đạo là cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, khi lợi nhuận sụt giảm sốc, nhiều nhà lãnh đạo cuống lên, không tìm được giải pháp cho doanh nghiệp.
Theo ông Tuấn, vấn đề ở đây nằm ở lòng tham của ông chủ. Đây chính là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng ảnh hưởng tới tư tưởng của nhà quản trị. Trong thời kỳ suy thoái, ông chủ mà tham thì sẽ đưa ra những quyết định sai lầm, như cắt xén chất lượng sản phẩm - giá trị dịch vụ dành cho khách hàng. Hay như cắt xén thu nhập của nhân viên… Kết quả của những việc làm này là đánh mất uy tín của doanh nghiệp, nhân viên tốt bỏ đi. Như vậy, nếu có vượt qua được thời kỳ khó khăn, thì cũng sẽ không giữ được người tài.
Do đó, thời điểm suy kiệt là lúc người lãnh đạo cần phải hy sinh nhiều nhất. Trong lúc khó khăn, quan trọng nhất là doanh nghiệp phải giữ được người tài, đồng thời đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
“Những người muốn vượt qua được khó khăn thì phải rất nghị lực và chấp nhận khổ đau. Nếu muốn cuộc sống an nhàn, thoải mái, vui vẻ..., thì sẽ khó phát triển được. Chính vì vậy, phải chấp nhận khó khăn, mỗi ngày chịu áp lực một chút để bản thân mình ngày càng phát triển. Tất nhiên, điều này không hề dễ chịu, nhưng có áp lực mới có kim cương”, ông Tuấn nói.
Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. “Bây giờ là lúc, trí tuệ của các ông chủ doanh nghiệp phải được đặt lên hàng đầu, với biểu hiện cụ thể là tỷ lệ người học kinh doanh bài bản, chuyên nghiệp ngày càng tăng, tạo nền tảng để phát triển doanh nghiệp, hội nhập quốc tế”, ông Tuấn nói.
CHAT VỚI NHÂN VẬT
|
Vì sao nhiều người trẻ hiện nay thích khởi nghiệp và thích làm chủ, thưa ông?
Đó là nhu cầu tất yếu. Khoảng 20-30 năm trước, khi đất nước còn nghèo, thứ đầu tiên mà sinh viên đại học ra trường nghĩ đến là làm thuê để kiếm tiền, để sống và có thể mua nhà. Nhưng hiện nay, thế hệ trẻ có điều kiện nhà cửa rồi, thậm chí cơm ăn, áo mặc không phải lo, nên thứ cần tập trung là khẳng định bản thân. Chính vậy, khởi nghiệp là cách để các bạn trẻ khẳng định bản thân.
Vậy các bạn học sinh nên chọn học ngành gì để trở thành doanh nhân thành đạt?
Doanh nghiệp như một thực thể hoàn chỉnh, bao gồm cả tài chính, kinh doanh, marketing, pháp lý, nhân sự, vận hành…, chứ không phải học một ngành nào đó, rồi đòi trở thành chủ doanh nghiệp. Vì vậy, các bạn trẻ cần có phương pháp luận để nhìn thấy tổng thể một doanh nghiệp, làm thế nào để kiến tạo nên một doanh nghiệp thành công, nhận diện các yếu tố đem lại thành công cho doanh nghiệp, để từ đó bắt tay kiến tạo, vận hành. Đó là điều quan trọng.
Ông thường chia sẻ với các học trò về triết lý giáo dục Thân - Tâm - Tuệ. Ông có thể lý giải thêm về triết lý này?
Yếu tố thứ nhất là thân kỷ luật, khỏe mạnh, bởi chỉ khi các học sinh có kỷ luật với chính mình thì mới có được một cơ thể khỏe mạnh. Chính các con phải cam kết với bản thân một ngày dành ra bao nhiêu phút để tập thể dục, ăn uống, thói quen sinh hoạt ra sao để giúp cơ thể khỏe mạnh.
Yếu tố thứ hai là tâm yêu thương. Nhà trường phải giúp học sinh hiểu rằng, dù có giàu có bao nhiêu mà sống khắc nghiệt và luôn mâu thuẫn với mọi người, thì cuộc sống của cũng khó nhận được hạnh phúc.
Yếu tố thứ ba là trí tuệ khai phóng, đồng nghĩa với việc kiến thức các con học được phải ứng dụng được vào thực tế.
Đây cũng chính là triết lý được tôi ứng dụng tại tất cả đơn vị đào tạo của mình, trong đó phải kể đến Trường Doanh nhân CEO Việt Nam Global.
Ở thời điểm hiện tại, điều gì khiến ông tâm huyết nhất?
Có 3 điều mà tôi vẫn đau đáu.
Một là, chia sẻ cho mọi người hiểu đúng về đạo Phật.
Hai là, chung tay nâng cao doanh trí Việt Nam, với bản chất chính là tạo ra những ông chủ doanh nghiệp không còn tham, xây dựng được hệ thống để chất lượng cuộc sống của ông chủ tăng lên, giúp nhân viên được làm chủ công việc và làm chủ thu nhập.
Ba là, mỗi ngày góp một phần sứ mệnh vào việc nâng cao chất lượng giáo dục của Việt Nam.