Techcombank vừa bổ nhiệm ông Đỗ Tuấn Anh vào cương vị Quyền Tổng giám đốc, thay cho CEO ngoại từ nhiệm
Hậu M&A, ngân hàng “thay máu”
Thời kỳ hậu M&A, nhiều ngân hàng nhỏ đã “thay máu” gần như toàn bộ lãnh đạo cao cấp. Chẳng hạn, tại DaiA Bank, sau khi được ĐHCĐ thông qua phương áp sáp nhập với HDBank, ngân hàng này đã phải thay cả Chủ tịch lẫn Tổng giám đốc. Hai lãnh đạo cấp cao của DaiABank hiện nay đều đến từ HDBank và Sovico, cổ đông chính của HDBank. Theo đó, ông Chu Việt Cường được ĐHCĐ thường niên 2013 của DaiABank bầu bổ sung vào HĐQT được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thay cho ông Quách Văn Đức từ ngày 20/6. Đồng thời, ông Nguyễn Minh Đức, đại diện của HDBank được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc DaiABank, thay cho ông Lê Huy Dũng (vốn là đại diện của cổ đông cũ ACB).
Trung tuần tháng 6 vừa qua, HĐQT Navibank cũng đã có quyết định thông qua việc bổ nhiệm ông Đặng Quang Minh làm Tổng giám đốc, thay cho ông Lê Quang Trí đã xin từ nhiệm trước đó, sau 9 năm giữ vị trí Tổng giám đốc Ngân hàng.
Trên thực tế, trong 2 năm trở lại đây, CEO ngành ngân hàng đã có sự thay đổi chóng mặt. Trong đó, không ít nhà băng lớn và nhiều vị tổng giám đốc đã có thâm niên lãnh đạo nhiều năm cũng đành chia tay để người mới thay thế sau thời kỳ M&A. Đơn cử tại Sacombank, sau khi nhóm cổ đông lớn thâu tóm, vị trí Tổng giám đốc do một nhân sự được điều chuyển từ SouthernBank đảm nhiệm.
Lý do ra đi của các CEO ngân hàng thường được đưa ra chung chung là “nguyện vọng cá nhân”. Thế nhưng, việc các ngân hàng nhỏ, yếu kém thuộc diện buộc phải tái cấu trúc bằng hợp nhất, sáp nhập vào một ngân hàng khác thì hệ quả tất yếu là nhiều nhân sự cấp cao trong bộ máy lãnh đạo cũ buộc phải ra đi, nhường ghế cho người kế nhiệm đến từ cổ đông chiến lược chi phối.
Thay CEO vì mục tiêu tái cơ cấu
Thực tế, không chỉ DaiABank, Navibank, WesternBank, TrustBank, SCB, những ngân hàng nằm trong diện buộc phải tái cơ cấu “thay máu” bộ máy lãnh đạo cấp cao, mà ngay cả những nhà băng khác đang từng bước tái cấu trúc bộ máy hoạt động vững mạnh hơn cũng có biến động nhân sự ở các vị trị chủ chốt. VietA Bank bổ nhiệm ông Phạm Hoàng Linh lên nắm quyền Tổng giám đốc, thay cho ông Phạm Duy Hiếu chuyển sang làm CEO cho ABBank. Trước khi về VietA Bank làm Tổng giám đốc, ông Linh từng công tác tại Ngân hàng Maritime Bank. Hay tại OCB, ông Nguyễn Đình Tùng được bổ nhiệm vào vị trí CEO kể từ cuối năm 2012 cũng từng có thâm niên công tác tại Maritime Bank… Ngân hàng NamA Bank cũng đón nhận Tổng giám đốc mới là ông Trần Ngô Phúc Vũ, người từng có thâm niên công tác 12 năm tại Ngân hàng Sacombank, từ quý II/2013.
Mới đây nhất, Techcombank đã bổ nhiệm ông Đỗ Tuấn Anh, thành viên HĐQT nắm quyền Tổng giám đốc thay ông Simon Morris đã từ nhiệm trước đó.
Nhân sự cấp cao còn biến động mạnh
Sự “thay máu” lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực ngân hàng được các chuyên gia trong ngành đánh giá sẽ tiếp tục nóng lên trước chủ trương đẩy mạnh tái cấu trúc ngành hiện nay. Bên cạnh đó, áp lực lợi nhuận, cổ tức đè nặng lên vai lãnh đạo của các nhà băng trong bối cảnh kinh doanh không thuận lợi cũng là lý do khiến một số CEO ngân hàng phải nói lời chia tay.
Không chỉ với các CEO, ngành ngân hàng cũng đã chứng khiến không ít cuộc chia tay của chủ tịch HĐQT trong mùa ĐHCĐ thường niên 2013 để đón nhận người mới. Đáng chú ý, người mới không chỉ là những gương mặt quen thuộc trong làng tài chính. Chẳng hạn, tân Chủ tịch HĐQT KienLong Bank hiện nay là ông Nguyễn Quốc Thắng, ông chủ thương hiệu gạch men Đồng Tâm Long An.
Làn sóng thay đổi nhân sự cao cấp của các ngân hàng được nhiều người kỳ vọng thổi làn gió mới vào hệ thống ngân hàng sau giai đoạn tái cơ cấu. Tuy nhiên, theo đánh giá của một chuyên gia tài chính tiền tệ, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, sẽ khó kỳ vọng vào sự thay đổi nhiều của các ngân hàng trong một sớm một chiều với nhân tố mới.
Phát biểu trong ngày đầu nhậm chức Quyền Tổng giám đốc Techcombank (13/8), ông Đỗ Tuấn Anh cho biết, trước mắt, sẽ tập trung vào việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh của năm 2013, đồng thời tiếp tục hoàn thiện xây dựng năng lực kinh doanh và nền tảng theo đúng lộ trình chuyển đổi chiến lược của Ngân hàng. Techcombank kiên định và nỗ lực tối đa để đạt được các mục tiêu chiến lược đề ra. Phía trước với vị tân Tổng giám đốc này là không ít chông gai, khi và nợ xấu của Ngân hàng cuối quý II tăng mạnh, khiến dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao, ăn mòn lợi nhuận. Lợi nhuận của Techcombank trong quý II vừa qua chỉ đạt 255 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đạt gần 653 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm trước.