Sheldon Yellen là CEO của Belfor Holdings (Mỹ), một công ty cứu trợ và phục hồi thảm họa. Mỗi năm, ông viết tay 9.200 tấm thiệp mừng sinh nhật cho nhân viên.
Yellen hay nói đùa khi chuẩn bị chốt các thương vụ sáp nhập là hỏi "Có thêm bao nhiêu người nữa", ông kể điều này với Business Insider vào năm 2017.
"Vì tôi phải liên tục tính toán cần viết thiếp cho bao nhiêu nhân viên trong đầu chứ không phải EBITDA (chỉ số tài chính phản ánh lợi nhuận hoạt động của doanh nghiệp trước lãi vay, thuế và khấu hao) ra sao", Yellen nói.
Năm 1985, Yellen được anh rể dẫn đến Belfor Holdings thực tập, điều này khiến nhiều nhân viên cảm thấy ông được ưu ái. Ông nghĩ rằng, những thiệp mừng sinh nhật sẽ khuyến khích đồng nghiệp ghé qua bàn của ông và bắt đầu kết nối.
"Và nó đã hiệu quả. Nó khiến mọi người trò chuyện. Chúng tôi bắt đầu giao tiếp nhiều hơn và điều đó đã giúp tôi có được sự tôn trọng trong công ty", ông nói. Ngày nay, Yellen mang theo một vali đầy văn phòng phẩm trong mỗi chuyến bay.
Không chỉ viết thiệp mừng sinh nhật, Yellen viết thư cảm ơn, thiệp chúc mừng kỷ niệm, thiệp mừng lễ, viết thư thăm hỏi con của nhân viên khi chúng bị bệnh.
"Khi học được từ những hành động tử tế ngẫu nhiên, tự bản thân tôi muốn thực hiện lại, thể hiện nó bằng cách viết ra và gửi một tấm thiệp cảm ơn để người nhận biết rằng họ được đánh giá cao và nỗ lực của họ được ghi nhận", ông giải thích.
Một khảo sát của Business Insider chỉ ra rằng, thói quen của Yellen thực sự có lợi trong việc quản lý nhân sự. Những người được hỏi cho biết, họ ngưỡng mộ những ông chủ quan tâm đến sự nghiệp cũng như hạnh phúc của nhân viên. Nhân viên giỏi thậm chí sẽ bỏ việc nếu nỗ lực của họ không được công nhận đầy đủ.
Yellen nói rằng thói quen của ông khiến nơi làm việc thân thiện, tình cảm hơn. Một số cấp quản lý trong công ty cũng dần viết thiệp cho nhân viên, khách hàng và những người thân yêu của họ.
Các CEO khác có thể coi việc làm của Yellen là phù phiếm hoặc lãng phí thời gian, nhưng ông không đồng ý. Ông nói kinh nghiệm cho thấy những hành động này cuối cùng sẽ mang lại giá trị.
"Khi các nhà lãnh đạo quên đi yếu tố con người, họ sẽ kìm hãm công ty của họ và hạn chế thành công của người khác. Chỉ tập trung vào lợi nhuận và quên rằng tài sản quan trọng nhất là con người thì cuối cùng sẽ kìm hãm sự phát triển của công ty", ông nói.