
Ngày 1/2/2012, Sony, tập đoàn sản xuất hàng điện tử lớn nhất Nhật Bản đã thông báo quyết định bổ nhiệm ông Kazuo Hirai, 51 tuổi sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) thay thế ông Howard Stringer, 69 tuổi đương chức. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/4/2012. Như vậy, ông Kazuo Hirai sẽ là vị CEO trẻ nhất trong lịch sử của Sony.
Dù không nêu rõ lý do cụ thể của động thái thay chủ tịch và CEO một cách khá đột ngột trên, song ngay ngày hôm sau (2/2), Sony đã đưa ra dự báo mới nhất về kết quả kinh doanh của mình trong năm tài chính hiện hành (kết thúc vào ngày 31/3/2012). Theo đó, Sony ước bị lỗ tới 220 tỷ yên (tương đương 2,9 tỷ USD). Đây là năm thứ 4 liên tiếp, Sony bị lỗ nặng. Chính vì vậy, mọi người đều có thể hiểu rằng, kết quả kinh doanh yếu kém đã khiến cho ông Howard Stringer phải “rời ngai”, nhường lại ghế cho người kế nhiệm trẻ hơn, sung sức hơn.
Giá cổ phiếu của Sony đã giảm tới 60% kể từ khi Howard Stringer lên nắm quyền CEO vào tháng 6/2004. Giá cổ phiếu của Sony hiện dao động ở mức 18 USD/cổ phiếu tại Sở GDCK New York (Mỹ). Tháng 9/2000, giá trị vốn hoá thị trường của Sony còn ở mức 100 tỷ USD, song nay chỉ còn là 18 tỷ USD. Một sự thụt lùi khủng khiếp!
Trong việc bổ nhiệm CEO mới này có một điểm thuận, do ông Kazuo Hirai là nhân vật được chính Howard Stringer tuyển chọn, bồi dưỡng.
“Tôi tin rằng, bằng những phẩm chất và tài năng lãnh đạo của mình, Kazuo Hirai sẽ đưa công ty đến thành công trong tương lai”, ông Howard Stinger nhận xét về Kazuo Hirai như vậy.
Theo các nhà phân tích, ông Kazuo Hirai đang đứng trước những nhiệm vụ nặng nề, thậm chí có thể là bất khả thi.
Nhiệm vụ khó nhất mà ông Howard Stringer không làm nổi trong suốt gần 8 năm lãnh đạo, đó là làm sao để mảng TV của Sony có lãi thì nay được trao lại cho Kazuo Hirai. Nhiều năm trước đây, thương hiệu Sony gần như đồng nghĩa với máy TV chất lượng cao, song những năm gần đây, Sony đã bị 2 tập đoàn điện tử lớn của Hàn Quốc là Samsung và LG Electronics vượt mặt trên mọi phương diện: doanh thu, lợi nhuận, thị phần ở từng thị trường và toàn cầu…
Điều an ủi duy nhất với Sony lúc này là, các đối thủ trong nước như Panasonic, Sharp… cũng đang lỗ chổng vó.
Cuối tuần qua, đại diện Panasonic (Nhật Bản) vừa thông báo, dự kiến, trong năm tài chính hiện hành, Tập đoàn này bị lỗ tới 780 tỷ yên (gần 10,3 tỷ USD), mức lỗ kỷ lục trong lịch sử 94 năm tồn tại của mình, vượt xa mức lỗ 427,8 tỷ yên của năm 2001. Tương tự, Sharp cũng dự báo sẽ bị lỗ tới 290 tỷ yên.
Ông Ryosuke Katsura, chuyên gia phân tích của Công ty Mizuho Securities nhận định: “Thách thức lớn nhất mà ông Kazuo Hirai phải đối mặt là xoay chuyển tình hình ở mảng TV của Sony. Các nhà sản xuất TV Nhật Bản đang đối mặt với vô vàn khó khăn, như đồng yên tăng giá, giá TV rớt mạnh, nhu cầu giảm… Tình hình chỉ có thể thay đổi theo chiều hướng tốt, nếu các doanh nghiệp này giới thiệu được sản phẩm thế hệ mới có nhiều tính năng vượt trội so với sản phẩm cùng loại của các đối thủ Hàn Quốc”.
Ông Koji Toda, Giám đốc Quỹ đầu tư của Resona Bank Ltd. thì mách nước rằng: “Ông Kazuo Hirai cần phải xây dựng lại Sony theo hướng có thể sản xuất ra những sản phẩm độc đáo, không ai sao chép (copy) được. Sony đã từng là một công ty như vậy trong quá khứ”.
Theo nhiều nhà phân tích, ông Kazuo Hirai có thuận lợi lớn là cả sự nghiệp đều gắn bó với Sony, nên hiểu Công ty rất rõ. Ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Tokyo năm 1984, ông gia nhập Công ty CBS/Sony (liên doanh giữa Sony và CBS (Mỹ), sau này được đổi tên là Sony Music Entertainment Inc., là mảng âm nhạc chính của Sony.
Năm 1995, ông được điều sang làm việc tại Sony Computer Entertainment America, chi nhánh của Sony tại Mỹ. Năm 1999, ông là Chủ tịch chi nhánh này. Năm 2006, ông là Chủ tịch Sony Computer Entertainment Inc. thay Ken Kutaragi, đảm nhiệm mảng máy chơi game PlayStation. Ông đã lãnh đạo mảng này kinh doanh có lãi lớn và đó là tiền đề để tháng 3/2011, được bổ nhiệm vào chức Phó chủ tịch điều hành Sony.
Ngoài ra, ông Kazuo Hirai còn có một lợi thế nữa là nói tiếng Anh khá lưu loát, hơn hẳn phần lớn lãnh đạo các công ty Nhật Bản và châu Á khác.
Tại buổi công bố quyết định bổ nhiệm, ông Kazuo Hirai thừa nhận: “Đây là một trách nhiệm hết sức nặng nề trong một bối cảnh cực kỳ khó khăn”.
Ông cũng vạch ra kế hoạch trước mắt ưu tiên 4 lĩnh vực lớn. “Đó là thúc đẩy sự tăng trưởng của các mảng ảnh kỹ thuật số, game, điện thoại di động thông minh và mảng TV cốt lõi. Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ tìm cách tạo ra các lĩnh vực kinh doanh mới mang lại lợi nhuận cao”, ông Kazuo Hirai nhấn mạnh.
Nói thì dễ, nhưng làm được thì cực khó. Song một khi đã ngồi vào ghế CEO là cưỡi trên lưng hổ, ông Kazuo Hirai không thể thoái chí được.