Chia sẻ với ĐTCK, ông Trần Hải Hà, CEO MBS cho rằng, ghi tên mình trong Top 5 là nhiệm vụ tất yếu trong chiến lược phát triển MBS 5 năm (2015 - 2020). Việc giữ vững vị trí này không phải là một áp lực quá lớn, bởi đó là mong muốn của CBNV và khách hàng MBS.
Quý III, MBS đã vượt lên để lọt vào TOP 5 CTCK có thị phần môi giới lớn nhất tại cả 2 Sở GDCK. Phía sau kết quả này có phải là một kế hoạch kinh doanh hướng đến khách hàng và chiến lược mở rộng khách hàng của Công ty?
Việc MBS vươn lên TOP 5 CTCK có thị phần lớn nhất tại cả hai Sở cho thấy MBS đã lựa chọn hướng đi và cách làm hợp lý từ việc mở rộng mạng lưới, tuyển dụng và đào tạo nhân sự, đặc biệt là nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ. Bên cạnh phát huy và đẩy mạnh vai trò của Trung tâm nghiên cứu, các sản phẩm dịch vụ tài chính của MBS luôn bám sát quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. MBS cũng đã hợp tác với MB nhằm mục tiêu cung cấp các sản phẩm chuyên biệt cho khách hàng.
Hai năm trở lại đây, các đơn vị hỗ trợ của MBS đã đồng hành chặt chẽ với các đơn vị kinh doanh, Công ty cũng đã nâng cấp và ban hành một số quy định, quy trình nhằm nâng cao năng suất lao động gắn với cam kết SLA (cam kết về chất lượng dịch vụ) đối với các dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Bên cạnh đó là chuẩn hóa mô hình và quy trình giao dịch tại các sàn giao dịch, đã thực hiện thử nghiệm trong năm 2015 và sẽ áp dụng trên toàn hệ thống vào năm 2016. Hy vọng đây là điểm nhấn trong công tác cung cấp dịch vụ và chăm sóc khách hàng của MBS.
Trở lại vị trí TOP 5 thị phần môi giới trong bối cảnh cạnh tranh giữa các CTCK lớn hết sức gay gắt là thành quả đáng ghi nhận của MBS. Xin ông chia sẻ cảm nhận về áp lực giữ vững vị trí TOP 5 và thực hiện các mục tiêu kinh doanh 2015 mà ĐHCĐ giao phó?
Giữ vững vị trí TOP 5 không phải là một áp lực quá lớn đối với MBS. Đây là nhiệm vụ tất yếu nằm trong chiến lược phát triển 5 năm (2015 - 2020) của Công ty đã được HĐQT MB phê duyệt và thực tế Ngân hàng mẹ đã hỗ trợ mạnh mẽ về mọi mặt để MBS triển khai chiến lược thuận lợi, đặc biệt là các sản phẩm dịch vụ hợp tác giữa hai bên. Tính đến hết 30/6/2015, MBS đã hoàn thành 54% chỉ tiêu lợi nhuận và dự kiến hết năm, MBS sẽ hoàn thành vượt chỉ tiêu lợi nhuận trên 50 tỷ đồng. MBS tập trung đầu tư cải tiến nâng cao hoạt động công nghệ thông tin, đưa ra nhiều giải pháp nâng cao năng suất lao động với mục tiêu NHANH - HIỆU QUẢ - BỀN VỮNG.
Bằng sự nỗ lực và đóng góp xây dựng thị trường, MBS vừa được vinh danh CTCK tiêu biểu tại HNX. Tuy nhiên, nhiệm vụ sắp tới mà HNX muốn các CTCK lớn sẽ hợp sức với Sở là xây dựng hệ thống để vận hành TTCK phái sinh. MBS chuẩn bị gì cho kế hoạch này?
Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của UBCK, hai Sở và Trung tâm Lưu ký trong việc triển khai sản phẩm mới. Sản phẩm phái sinh hứa hẹn sẽ thu hút nhiều NĐT mặc dù thời gian đầu mới chỉ có sản phẩm phái sinh trên chỉ số và phái sinh trên trái phiếu chính phủ.
Ngay sau khi có dự thảo xây dựng TTCK phái sinh, MBS đã thành lập nhóm chuyên trách nghiên cứu riêng về sản phẩm này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tham khảo hoạt động của các CTCK khác trên thế giới, cũng như sẵn sàng xây dựng hệ thống mới theo các tiêu chuẩn và các chỉ số mà VSD và HNX đã ban hành.
Đặc biệt, MBS đang chờ đợi các quy định về giao dịch và tiêu chuẩn quản trị rủi ro của HNX để từ đó xây dựng các bộ tiêu chí, chính sách quản trị rủi ro cho sản phẩm phái sinh này. Song song, Công ty cũng có chương trình đào tạo và truyền thông về sản phẩm phái sinh cho các đơn vị kinh doanh và khách hàng. Tôi tin rằng, khi thị trường phái sinh chính thức hoạt động vào cuối năm 2016 đầu năm 2017, MBS hoàn toàn đáp ứng đầy đủ các quy định, điều kiện liên quan để triển khai sản phẩm này.
Sự kiện Việt Nam tham gia TPP và sắp tới là Cộng đồng Kinh tế ASEAN nhận được sự quan tâm rất lớn của công chúng đầu tư, nhưng sự quan tâm mới ở mức ngành nào, lĩnh vực nào sẽ được hưởng lợi hoặc chịu thách thức lớn. Ông cảm nhận ra sao về cơ hội phát triển TTCK khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu?
Tôi cho rằng đây là cơ hội để nâng hạng TTCK Việt Nam sau khi tham gia TPP và Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Theo đó, quy mô vốn hóa thị trường khả năng sẽ tăng trong những năm tới nhờ vệc đẩy mạnh mở room ngoại và thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa các DNNN có vốn hóa lớn như MobiFone, Vinaphone... Đây sẽ là tiền đề để thu hút dòng tiền lớn từ NĐT nước ngoài vào một thị trường tăng trưởng nhanh và tiềm năng như Việt Nam. Do đó, chúng tôi lạc quan về triển vọng của TTCK trong trung và dài hạn khi kỳ vọng dòng tiền đầu từ FDI và FII có thể tiếp tục gia tăng.
Riêng MBS, chúng tôi tiếp tục bám sát mục tiêu xin hồ sơ niêm yết trong năm 2015 và sẽ thực hiện kế hoạch niêm yết trong quý I/2016 khi điều kiện thị trường thuận lợi. Ngoài ra, MBS sẽ tăng cường hoạt động quản trị theo hướng tìm kiếm NĐT chiến lược nước ngoài có thể giúp MBS củng cố hoạt động, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, khai thác phát triển khách hàng tại các thị trường nước ngoài.