CEO Lion Air có “vung tay quá trán”?

(ĐTCK) Giờ đây, chúng tôi đã có rất nhiều tiền, muốn mua xe Rolls Royce thì mua được ngay, nhưng mua làm gì mới quan trọng. Còn Lion Air chắc chắn sẽ phát triển mạnh, nên cần phải mua nhiều máy bay mới.
Rusdi Kirana

Ngày 18/3/2013, tại Điện Elysée ở Paris (thủ đô Pháp), trước sự hiện diện của Tổng thống Pháp François Hollande, ông Rusdi Kirana, Giám đốc điều hành (CEO) của Tập đoàn Lion Air (Indonesia) đã cùng với ông Fabrice Brégier, Chủ tịch kiêm CEO của Tập đoàn sản xuất máy bay Airbus ký kết hợp đồng mua tới 234 máy bay gia đình A320, có tổng trị giá tới 18,4 tỷ euro (gần 24 tỷ USD). 234 máy bay này bao gồm 109 chiếc A320neo, 65 chiếc A321neo và 60 chiếc A320ceo.

Đây là một trong số đơn đặt hàng có giá trị “khủng” nhất mà Airbus nhận được từ trước đến nay, cả về số lượng máy bay lẫn tổng trị giá. Với hợp đồng trên, Lion Air đã chính thức trở thành một khách hàng “sộp” của Airbus.

Có thể nói, 7 ngày qua là một tuần “rất hên” với Airbus, bởi trước đó vài ngày, Hãng này cũng đã ký được hợp đồng bán 117 máy bay gia đình A320 cho Turkish Airlines, hãng hàng không lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại lễ ký, ông Fabrice Brégier phát biểu: “Chúng tôi vui mừng chào đón Lion Air trở thành nhà khai thác máy bay mới và quan trọng của Airbus”.

Trong lời đáp, ông Rusdi Kirana khẳng định: “Đơn đặt hàng quan trọng này giúp đảm bảo rằng, Tập đoàn Lion Air sẽ tiếp tục phát triển với một trong những đội bay hiện đại và tiên tiến nhất thế giới”.

Lion Air (tên đầy đủ là PT Lion Mentari Airlines) là hãng hàng không tư nhân lớn nhất Indonesia và hãng hàng không lớn thứ 2 nước này, chỉ đứng sau Hãng hàng không quốc gia Garuda. Lion Air hiện nắm tới 45% thị phần của thị trường nội địa Indonesia , cao hơn cả Garuda.

Bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2000 với 1 máy bay duy nhất, nay Lion Air đã có gần 100 chiếc và trở thành một trong những hãng hàng không phát triển nhanh nhất châu Á. Lion Air đang khai thác một mạng bay rộng khắp, bao gồm hơn 70 điểm đến ở Indonesia và Đông Nam Á, trong đó có TP. HCM (Việt Nam).

Cần phải nói thêm rằng, trước đây hơn 1 năm, vào tháng 11/2011, Lion Air cũng đã ký hợp đồng đặt mua một lúc tới 230 máy bay chở khách tầm trung Boeing 737 của Tập đoàn Boeing (Mỹ), với tổng giá trị 21,7 tỷ USD. Tính ra, chỉ hai hợp đồng với Airbus và Boeing đã có tổng giá trị lên tới gần 46 tỷ USD, một con số cao ngoài sức tưởng tượng của nhiều người.

Đã có câu hỏi đặt ra, ông chủ Lion Air giàu có đến mức nào mà dám làm ăn lớn đến như vậy? Liệu ông có “vung tay quá trán” trong 2 thương vụ trên?

Ông Rusdi Kirana, 49 tuổi, là người đồng sáng lập và hiện là CEO Lion Air. Năm 1999, ông này và anh trai là Kusnan Kirana (năm nay 52 tuổi) đã chung nhau góp tổng cộng 850.000 USD để thành lập Lion Air. Theo số liệu thống kê gần đây nhất của Tạp chí Forbes (Mỹ), hai anh em  Rusdi và Kusnan Kirana hiện có tổng tài sản ước đạt 900 triệu USD, đứng thứ 33 trong số những người giàu có nhất Indonesia. Song để tậu một đống máy bay giá trị tới vài chục tỷ USD thì số tài sản trên lại… chẳng thấm tháp gì. Vậy ông Rusdi Kirana trông vào nguồn tài chính nào để mua máy bay?

Được biết, các thương vụ đặt mua máy bay trên, phần lớn nhờ vào vốn vay của tổ hợp nhiều ngân hàng thương mại quốc tế. Họ phải rất tin tưởng vào tiềm năng phát triển và khả năng trả nợ của Lion Air, mới dám cho vay.

Ông Bertrand Grabowski, nhà quản lý của Ngân hàng DVB (Đức), một ngân hàng tham gia tài trợ vốn tín dụng mua máy bay của Lion Air phát biểu: “Tôi tin rằng, Lion Air sẽ là một hãng hàng không tầm cỡ ở khu vực ASEAN”.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Tổng cục Thống kê Indonesia, trong năm 2012, có tổng cộng hơn 60 triệu lượt hành khách sử dụng dịch vụ hàng không nội địa ở Indonesia. Hơn nữa, Indonesia , nền kinh tế lớn nhất ASEAN có tốc độ tăng trưởng GDP nhiều năm gần đây đạt bình quân 6,5%/năm. Tức là khả năng khai thác thị trường nội địa của Lion Air là rất lớn.

Bản thân ông Rusdi Kirana luôn tự hào là có được cơ ngơi như Lion Air ngày nay hoàn toàn nhờ công sức của hai anh em ông.

Chính ông tâm sự: “Gia đình tôi rất nghèo, tôi không được học hành đến nơi đến chốn. Ban đầu, tôi phải kiếm sống bằng bán máy chữ, với thu nhập 10 USD/tháng. Sau đó, tôi chuyển sang nghề làm bánh mỳ, rồi đi làm cho một công ty quảng cáo. Sau này lại theo anh làm việc ở một công ty lữ hành. Và chuyện thành lập Lion Air thì mọi người đều rõ cả”.

Nay ông tuy rất giàu có, song rất biết quý và trân trọng đồng tiền.

Mới đây, khi trả lời phỏng vấn báo giới, ông Rusdi Kirana nói: “Giờ đây, chúng tôi đã có rất nhiều tiền, muốn mua xe Rolls Royce thì mua được ngay, nhưng mua làm gì mới quan trọng. Còn Lion Air chắc chắn sẽ phát triển mạnh, nên cần phải mua nhiều máy bay mới. Tiền mua máy bay đều vay ngân hàng cả. Các ngân hàng không thể tài trợ tín dụng cho một công ty làm ăn không ra gì. Các bạn nên nhớ điều đó!”.      


Trung Hiếu (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục