CEO Kienlongbank: Lạc quan để bước tới thành công

(ĐTCK) Giã từ nghề giáo để chuyển sang lĩnh vực kinh doanh tiền tệ nhiều áp lực, sau hơn mười năm ngồi ghế điều hành ngân hàng, trong đó có gần 4 năm làm Tổng giám đốc Kienlongbank, chứng kiến không ít thăng trầm của ngành, ông Võ Văn Châu chia sẻ, ông chưa bao giờ phải hối tiếc với lựa chọn của mình. Ông hạnh phúc với công việc mình làm, mỗi ngày đều nỗ lực và chủ động cống hiến cho nghề và giữ “nghiệp”.
Ông Võ Văn Châu Ông Võ Văn Châu

Hoạt động kinh doanh ngân hàng, như ông chia sẻ, dù tình hình chung đang tốt lên, nhưng ở mỗi ngân hàng có sự khác nhau. Ông và các cộng sự luôn lạc quan nhìn về phía trước, từng bước đẩy mạnh xử lý nợ xấu, mở rộng quy mô hoạt động của Kienlongbank.

Làm sao để giữ được tâm thế đó trước trùng điệp khó khăn, áp lực của vị trí người đứng đầu ngân hàng? Bí quyết của ông Châu là: Luôn “khóa” hết nhọc nhằn trong công việc khi ra khỏi văn phòng để dành thời gian cho cuộc sống riêng, từ đó, mới có thể tìm ra được giải pháp thông minh hơn trong điều hành. 

Nhiều ngân hàng báo tin vui về lợi nhuận 2017, còn Kienlongbank thì sao, thưa ông?

Năm 2017, chúng tôi đạt 260 tỷ đồng lợi nhuận, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Nếu không giảm lãi suất cho khách hàng tới 150 tỷ đồng, mức lợi nhuận của Kienlongbank có thể đạt tới 400 tỷ đồng.

Hoạt động ngành ngân hàng trong thời gian qua nhìn chung có phần tốt hơn so với những năm trước đó, song cũng tùy nhà băng. Tuy nhiên, tôi luôn lạc quan để nhìn về phía trước và cùng đội ngũ cán bộ nhân viên Ngân hàng từng bước đẩy mạnh hoạt động, đẩy lùi được nợ xấu, đưa Kienlongbank ngày càng tăng trưởng bền vững.

Dẫn dắt ngân hàng trong nhiều năm, ông làm thế nào để giữ vững tâm thế trước những giai đoạn khó khăn, biến động của ngành nói chung và của Kienlongbank nói riêng?

Hơn 12 năm điều hành ngân hàng, trong đó có gần 4 năm ở Kienlongbank, tôi đã đứng trước không ít khó khăn cũng như cơ hội. Những khó khăn, thử thách và cơ hội đó đều cho tôi những bài học kinh nghiệm quý báu.

Bản thân tôi không bao giờ đặt áp lực nặng nề cho mình, mà luôn đề cao tính chủ động trong công việc. Tôi luôn “khóa” hết nhọc nhằn trong công việc khi ra khỏi văn phòng để dành thời gian cân bằng cuộc sống riêng. Nhờ vậy, tâm thế mình cũng vững vàng hơn, có thể tìm ra những giải pháp thông minh trong điều hành.

Ngoài ra, trong kinh doanh cũng như trong cuộc sống, tôi luôn đề cao chữ “Tâm”. Tôi cho rằng, nếu tâm mình sáng thì mọi việc sẽ diễn ra suôn sẻ và thành công.

Nhân sự là yếu tố quyết định thành công của mọi tổ chức. Ở vị trí CEO, ông đã truyền lửa cho nhân viên như thế nào để họ nhiệt tâm cống hiến cho công việc chung?

Tôi luôn nỗ lực tạo dựng môi trường làm việc tốt nhất cho cán bộ nhân viên. Hay nói cách khác, tôi cùng ban lãnh đạo luôn đồng hành cùng cán bộ nhân viên, giúp mọi người có ý thức cao trong quá trình làm việc.

Quan điểm “đồng hành” thấm nhuần và xuyên suốt trong quá trình điều hành hoạt động của Kienlongbank. Theo đó, có hai vấn đề có thể quan tâm trong quá trình điều hành của người lãnh đạo là luôn tạo cơ hội cho người lao động thăng tiến và tỏa sáng, quan tâm đến đời sống tinh thần cũng như chính sách lương, thưởng xứng đáng…

CEO Kienlongbank: Lạc quan để bước tới thành công ảnh 1

Tôi hiểu rằng với người lao động môi trường làm việc luôn là vấn đề quan trọng và được đặt lên hàng đầu trong quá trình công tác, họ luôn muốn cống hiến trong một môi trường lành mạnh, có cơ hội thăng tiến nên sẽ hết mình với nghề và nỗ lực trong công việc. Vì vậy, tôi luôn cố gắng để tạo ra một môi trường làm việc cho đội ngũ cán bộ ngân viên Ngân hàng.  

Xuất thân từ một giảng viên, hẳn ông có lợi thế trong truyền đạt những thông điệp điều hành tới cấp dưới?

Ở vị trí CEO Kienlongbank, tôi luôn dành thời gian để truyền đạt và chia sẻ kinh nghiệm thực tế cho cán bộ nhân viên một cách hệ thống để dễ dàng áp dụng vào công việc một cách hiệu quả nhất, thay vì chỉ có lý thuyết suông…

Chúng ta có thể chọn một nghề, nhưng để nghề trở thành nghiệp, thành công với nó thì phải luôn nỗ lực cố gắng mỗi ngày. Đặc biệt, người lãnh đạo cần phải có tố chất mới có thể truyền lửa được cho nhân viên của mình.

Rẽ sang nghiệp kinh doanh nhiều phức tạp, có khi nào ông tiếc thủa còn đứng lớp?

Sau gần 10 năm đứng lớp ở giảng đường Đại học Kinh tế TP. HCM, chứng kiến một số bạn bè  thành công trong ngành ngân hàng cổ phần, nên tôi đã quyết định rẽ sang lĩnh vực này.

Cho đến hôm nay, tôi luôn thấy quyết định của mình là đúng đắn. Tôi hạnh phúc với công việc mình đang làm, luôn cống hiến với “nghề” cũng như theo “nghiệp”.

Nền kinh tế đang tăng trưởng tích cực, nhiều ngân hàng đang tuyển dụng thêm nhân sự mới để mở rộng quy mô hoạt động, gia tăng độ phủ thị trường. Kienlongbank có kế hoạch gia tăng quy mô nhân sự so với con số 4.500 người trong hệ thống hiện tại?

Kienlongbank đang dần mở rộng quy mô, đến một thời điểm môi trường kinh doanh ngân hàng thuận lợi hơn, việc tuyển thêm nhân sự có thể được tính đến.

Tuy nhiên, chúng tôi luôn ưu tiên giải pháp tạo ra chính sách lương thưởng hợp lý để khuyến khích người lao động cống hiến hết mình cho công việc, tăng năng suất lao động, đem lại hiệu quả kinh doanh cao nhất cho Ngân hàng trước khi tính đến việc tuyển thêm người.

Quan điểm của tôi trong chính sách tiền lương, đây không phải là chi phí mất đi mà chính là đầu tư cho nguồn nhân lực, đem lại hiệu quả trong kinh doanh. Chính sách lương thưởng chính là “lực kéo” trong quá trình kinh doanh.

Ông có thể chia sẻ về kế hoạch kinh doanh 2018 của Kienlongbank? 

Trong năm qua, chúng tôi đã hy sinh nhiều thứ để đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu như giảm lãi trực tiếp và giảm lãi dự thu cho khách hàng và kết quả thu về hơn chỉ tiêu đặt ra.

Trong bối cảnh ngành ngân hàng đang được đánh giá có thuận lợi hơn, chúng tôi đặt chỉ tiêu cho năm 2018 cao hơn. Kienlongbank dự kiến chỉ tiêu lợi nhuận đạt 400 tỷ đồng trong năm nay.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, hoạt động kinh doanh ngân hàng cũng vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Những khó khăn, tồn tại cũ của Kienlongbank phần nào đã được giải quyết và thách thức trong thời gian tới của chúng tôi chính là đẩy mạnh phát triển. Điều này đòi hỏi tinh thần của người lãnh đạo luôn phải vững vàng để “truyền lửa” cho anh em bên dưới.

Nói vậy, trong chiến lược điều hành của ông cũng sẽ có thay đổi?

Đúng là như vậy, bởi tất cả đều phải thay đổi theo xu thế phát triển. Nhân viên chúng tôi là đội ngũ tri thức trẻ. Nếu bản thân tôi không ngừng học hỏi và biết cách trẻ hóa lại thì khó có thể nhận được sự đồng thuận của toàn thể cán bộ nhân viên.

Quan điểm của tôi là lãnh đạo phải biết lắng nghe nhiều và chỉ đưa ra quyết định sau khi các anh em cùng nhau thảo luận, bàn bạc. Nói cách khác, tôi thường là người "nêm" và "nếm" cuối cùng để "món ăn” đó được hoàn hảo nhất. 

Thùy Vinh thực hiện

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục