CEO JPMorgan Chase: Hỗn loạn trong ngành ngân hàng vẫn chưa kết thúc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) CEO Jamie Dimon của ngân hàng JPMorgan Chase cảnh báo rằng, cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng hiện tại vẫn chưa kết thúc và hệ luỵ sẽ kéo dài trong nhiều năm tới.
CEO JPMorgan Chase: Hỗn loạn trong ngành ngân hàng vẫn chưa kết thúc

“Cuộc khủng hoảng hiện tại vẫn chưa kết thúc và ngay cả khi nó đã ở phía sau, chúng ta vẫn sẽ cảm nhận hậu quả trong nhiều năm tới”, ông Dimon quan ngại.

Theo vị CEO này, mây đen vẫn đang bao trùm nền kinh tế Mỹ như cách đây một năm. Ông còn nói, hệ thống ngân hàng đang phải chịu áp lực mới sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank và thương vụ giải cứu Credit Suisse của UBS hồi tháng trước.

CEO của nhà băng lớn nhất nước Mỹ theo tổng tài sản nhấn mạnh: “Khả năng thị trường rơi vào hỗn loạn đã tăng lên đáng kể. Mặc dù cuộc khủng hoảng lần này khác với năm 2008, vẫn chưa rõ khi nào nó sẽ kết thúc”.

Cuộc khủng hoảng đã khơi mào nhiều lo lắng trên thị trường và rõ ràng sẽ khiến các điều kiện tài chính bị thắt chặt, bởi các ngân hàng và những tổ chức cho vay khác sẽ trở nên thận trọng hơn.

Mặc dù vậy, ông Dimon không rõ liệu sự gián đoạn trên thị trường tài chính có làm chậm chi tiêu của người tiêu dùng, một trong những động cơ chính giúp thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ hay không.

Vị CEO cho biết thêm rằng, những rủi ro dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện nay đang ngày càng thấy rõ. Ông đề cập đến những thiệt hại mà lãi suất tăng cao và tiền gửi không được bảo hiểm đã gây ra cho sự sụp đổ của Silicon Valley Bank.

Theo CEO của JPMorgan Chase, cuộc khủng hoảng năm 2008 đã ảnh hưởng đến những ngân hàng lớn, các công ty cho vay thế chấp và công ty bảo hiểm có liên hệ mật thiết với hệ thống tài chính thế giới. Vì vậy, ông không cho rằng vụ việc lần này tương đồng với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Sau khi nắm quyền lãnh đạo JPMorgan Chase vào năm 2006, ông Dimon đã chủ trì các thương vụ thâu tóm một số ngân hàng đang gặp khó khăn, bao gồm Bear Stearns và Washington Mutual. Đến nay, Washington Mutual vẫn là ngân hàng lớn nhất từng sụp đổ trong lịch sử Mỹ, trong khi Silicon Valley Bank xếp thứ hai.

Khi cuộc khủng hoảng lần này nổ ra, ông Dimon đã một lần nữa đóng vai trò trung tâm, dàn xếp để 11 ngân hàng lớn hỗ trợ ngân hàng First Republic 30 tỷ USD.

4 ngân hàng lớn nhất là Bank of America, Wells Fargo, Citigroup và JPMorgan Chase sẽ góp mỗi ngân hàng khoảng 5 tỷ USD, Goldman Sachs và Morgan Stanley mỗi ngân hàng góp khoảng 2,5 tỷ USD. Các ngân hàng còn lại gồm Truist, PNC, U.S. Bancorp, State Street và Bank of New York Mellon sẽ góp khoảng 1 tỷ USD mỗi ngân hàng.

11 ngân hàng vừa kể trên đều nằm trong top 15 có tổng tài sản lớn nhất nước Mỹ tính đến ngày 31/12/2022. First Republic - ngân hàng được giải cứu có tổng tài sản gần 213 tỷ USD và xếp thứ 14, theo số liệu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Ông Dimon cho rằng, các nhà quản lý cần phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi triển khai bất kỳ quy định mới nào nhằm đối phó với tình trạng hỗn loạn trong ngành ngân hàng hiện nay.

Trong năm 2023, cổ phiếu của JPMorgan Chase giảm gần 3% nhưng không đáng ngại bằng mức giảm 13% của cổ phiếu ngành ngân hàng thuộc chỉ số S&P 500.

JPMorgan Chase cùng các gã khổng lồ khác là Bank of America và Citigroup, đã có lượng tiền gửi tăng vọt sau khi Silicon Valley Bank sụp đổ.

Di Di
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục