CEO HSBC Việt Nam: “Đừng để khủng hoảng đi qua một cách vô ích”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, một cuộc khủng hoảng chung, theo cách nào đó, sẽ mang chúng ta lại gần nhau hơn và một tập thể gắn kết sẽ luôn đạt kết quả tốt hơn.
Lời chào nồng ấm từ Tim và các con tới độc giả Báo Đầu tư Chứng Khoán nhân dịp xuân mới. Lời chào nồng ấm từ Tim và các con tới độc giả Báo Đầu tư Chứng Khoán nhân dịp xuân mới.

Một năm đầy khó khăn trên mọi phương diện, tuy nhiên các dự báo của ông về Việt Nam luôn tràn đầy sự lạc quan và mang đến những năng lượng tích cực. Ví dụ như cuối năm vừa qua ông từng nói: “Tình huống tồi tệ nhất đã nằm lại sau lưng chúng ta”. Liệu có phải, sau một thời gian ở Việt Nam, ông đã có những tình cảm đặc biệt với đất nước này nên đã có những ưu ái trong nhận định?

Tôi cho rằng, một CEO nên giữ cho mình cái đầu lạnh thay vì để cảm xúc lấn át. Nếu không, nhân viên sẽ không tin tưởng bạn. Sự lạc quan của tôi về Việt Nam dựa trên những điều kiện cơ bản của nền kinh tế, tinh thần bền bỉ của người dân và đúc kết từ những trao đổi của tôi với các khách hàng, những người sống và vận động cùng với nền kinh tế này mỗi ngày.

Khi khủng hoảng Covid ập tới, Việt Nam có nền tảng kinh tế vững mạnh và triển vọng tương lai vô cùng tích cực. Những yếu tố này vẫn còn dù chúng ta đã trải qua 2 năm đầy thách thức. Việt Nam vẫn là điểm đến yêu thích của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước kiên cường và có tinh thần khởi nghiệp cao, tiền Đồng vẫn ổn định, các chính sách của Chính phủ ổn định và nhất quán, đất nước có nguồn dự trữ ngoại tệ đáng kể và hơn hết, dân tộc Việt Nam có bản lĩnh vượt qua nghịch cảnh.

Nhưng dẫu sao, gạt bỏ những “niềm đau” và lên kế hoạch cho tương lai là điều không dễ dàng, với kinh nghiệm của người cũng đã trải qua những nghiệt ngã của thị trường tài chính toàn cầu, ông có gợi ý nào cho Việt Nam?

Bạn nói đúng, lên kế hoạch trong các điều kiện vô cùng bất ổn chưa bao giờ là điều dễ dàng cả. Chúng ta không thể luôn đoán được tương lai, đặc biệt trong điều kiện như ngày nay, nhưng chúng ta cần cố gắng dự đoán. Mọi công ty cần đảm bảo rằng họ vẫn mang lại những giá trị ý nghĩa và phù hợp cho khách hàng của mình. Gắn kết với khách hàng, thấu hiểu và làm việc cùng với họ là điều cần thiết cho tương lai. Nếu quên mất khách hàng của mình là ai, hoặc không lắng nghe họ, cuối cùng bạn sẽ không còn phù hợp với khách hàng nữa.

Việt Nam cần tiếp tục quan tâm đến tương lai. Đất nước nên tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng và đảm bảo được thăng hạng trên bảng xếp hạng “Dễ dàng kinh doanh”, vì đây là điều mà các nhà đầu tư và doanh nghiệp tìm kiếm.

Tôi tin rằng, khi chúng ta thoát khỏi cơn khủng hoảng này, Việt Nam hoàn toàn có thể nắm bắt bất cứ cơ hội nào đến với mình. Bằng chứng là cuối năm 2021, Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng quý IV là 5,2%, cao hơn các dự đoán. Lý do là hoạt động sản xuất được cải thiện rất nhanh chóng, trong khi xuất khẩu cũng đạt mức cao kỷ lục. Đồng thời, lĩnh vực dịch vụ cũng tăng trưởng trở lại.

Được biết, kết quả kinh doanh không riêng của HSBC Việt Nam, mà ngân hàng nước ngoài khác tại Việt Nam cũng như một số ngân hàng Việt cũng không khả quan do đại dịch, nhưng cũng có câu “trong cái rủi có cái may”. Với cương vị là người đứng đầu Ngân hàng, ông có bình luận gì?

Người ta thường nói rằng, ngân hàng chỉ hoạt động tốt khi khách hàng của họ tốt. Nếu khách hàng gặp khó khăn, ngân hàng cũng thế. Nếu khách hàng trở nên thịnh vượng, ngân hàng cũng vậy. Điều đó cho thấy, trong khi cả nền kinh tế gặp khó trong 12 tháng qua, ngân hàng cũng không thể ngoại lệ.

Tuy nhiên, tôi tin rằng, điềm lành sẽ đến với các ngân hàng trong tương lai, đặc biệt là những ngân hàng đã luôn sát cánh cùng khách hàng trong những giai đoạn khó khăn. Khách hàng luôn ghi nhớ điều đó, những ngân hàng đã hỗ trợ họ vượt khó sẽ xây dựng được quan hệ tốt đẹp, vững mạnh hơn với các khách hàng.

Nếu quên mất khách hàng của mình là ai, hoặc không lắng nghe họ, cuối cùng bạn sẽ không còn phù hợp với khách hàng nữa.

Nếu quên mất khách hàng của mình là ai, hoặc không lắng nghe họ, cuối cùng bạn sẽ không còn phù hợp với khách hàng nữa.

Tôi không cho rằng Covid thể hiện câu “trong cái rủi có cái may”. Tôi muốn nhắc lại một câu nói của Winston Churchill là "đừng bao giờ để một cuộc khủng hoảng đi qua một cách vô ích". Mặc dù không thể đại diện cho các ngân hàng khác, nhưng tôi có thể chia sẻ từ quan điểm của HSBC, chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều cải tiến để khách hàng có thể giao dịch từ xa với Ngân hàng và để nhân viên có thể làm việc từ xa.

Chúng tôi cũng tập trung nhiều vào các chương trình tài chính xanh, tài chính bền vững tại Việt Nam vì một tương lai phát triển bền vững lâu dài của đất nước. Chúng tôi cũng đã hoàn thành nhiều giao dịch đầu tiên trong lĩnh vực này, ví dụ như trái phiếu bền vững có quyền chọn nhận cổ phiếu đầu tiên trên thế giới…

Lạc quan về kinh tế Việt Nam trong năm 2022 sẽ quay trở lại lộ trình phục hồi thực sự, chắc hẳn, HSBC Việt Nam cũng đã có lộ trình phục hồi song hành cùng nền kinh tế. Ông có thể chia sẻ những điểm nhấn trong lộ trình này của HSBC Việt Nam?

Chúng tôi tin rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ, nhất là trong lĩnh vực sản xuất. Điều này sẽ tiếp tục thúc đẩy khối lượng hàng hóa xuất khẩu lớn. Cùng với nội lực ngày càng lớn của khu vực doanh nghiệp trong nước, đây sẽ là những nhân tố giúp kinh tế tiến lên phía trước. Ngân hàng cần hỗ trợ và tham gia vào các lĩnh vực này nếu muốn thành công.

Các tín hiệu lạc quan khác là tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, sẽ thúc đẩy chi tiêu trong nền kinh tế. Cùng với đó, chi tiêu mạnh mẽ cho cơ sở hạ tầng và sự tăng trưởng liên tục của tài chính xanh sẽ giúp Việt Nam giải quyết những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, tạo ra cơ hội cho ngân hàng, doanh nghiệp và người dân Việt Nam.

Ông gia nhập Tập đoàn HSBC cách đây 26 năm, nắm giữ nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn trên khắp “ba châu lục và bảy thị trường”… Thành ngữ Việt Nam có câu “ba chìm bảy nổi…” để ví cảnh ngộ của một người khi lên xuống, phiêu dạt, long đong vất vả nhiều phen. Tự nhìn lại bản thân, ông có nghĩ chặng đường đã qua của mình cũng giống câu thành ngữ này?

Khi còn trẻ, một người thỉnh thoảng cũng có hình dung rằng cuộc đời và sự nghiệp của họ là một đường thẳng, đều sẽ tốt lên từ năm này qua năm khác. Điều này có lẽ không áp dụng với tôi. Sẽ có lúc sự nghiệp của chúng ta phát triển tốt, nhưng cũng có những thời điểm chúng ta phải đối mặt với thử thách, khi ấy chúng ta sẽ đặt câu hỏi cho chính mình, nghi ngờ chính mình và tự hỏi xem liệu mọi thứ sẽ có thể tốt hơn không.

Tôi nghĩ đó là thực tế cuộc sống. Thời gian khó khăn sẽ thử thách chúng ta. Chúng ta học hỏi từ đó và hy vọng có thể trở thành những chuyên gia tốt hơn.

Tôi nhớ lại khi tôi trải qua cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á, cấp trên của tôi lúc ấy đã nói rằng, đây là một cơ hội tốt, vì một người chỉ có thể trở thành một nhân viên ngân hàng giỏi nếu có thể vượt qua một cuộc khủng hoảng kinh tế.

Tôi không mong muốn bất cứ ai trải qua những bài học này, nhưng thường khi chúng ta vượt qua nghịch cảnh, chúng ta sẽ hiểu được bản thân nhiều nhất và điều đó giúp chúng ta kiểm soát được khủng hoảng trong tương lai theo cách tốt hơn.

Theo thông lệ, một nhiệm kỳ của tổng giám đốc là 4 năm, điều này có nghĩa ông đã sắp trải qua nửa nhiệm kỳ tại Việt Nam, có điều gì ông cảm thấy hối tiếc bởi đã chưa triển khai được theo như cam kết khi nhận nhiệm vụ và sẽ thực hiện trong thời gian tới?

Nếu hoàn thành xuất sắc công việc hay có một dấu ấn đặc biệt…, nhiệm kỳ tổng giám đốc sẽ được gia hạn thêm 1 năm. Tôi mong muốn sẽ có nhiệm kỳ 5 năm tại Việt Nam, nên hy vọng là tôi vẫn chưa đi được một nửa chặng đường của mình. Khi mới đến đây, tôi mang theo nhiệm vụ tiếp tục phát triển hoạt động kinh doanh vốn đã thành công rực rỡ của HSBC tại thị trường Việt Nam. Thật không may, chỉ ba tháng sau đó, Covid đã bùng phát. Bạn chỉ có thể chơi với những quân bài mà mình đã được chia.

Mặc cho những thách thức mà chúng tôi đã đối mặt, tôi tin rằng, hoạt động kinh doanh và con người tại HSBC đang ở trong điều kiện thuận lợi để nắm bắt những cơ hội trong tương lai dành cho Việt Nam. Tôi cũng tin rằng, khi cùng nhau vượt qua cuộc khủng hoảng này, chúng ta sẽ xích lại gần gũi hơn. Một cuộc khủng hoảng chung, theo cách nào đó, sẽ mang chúng ta lại gần nhau hơn và một tập thể gắn kết sẽ luôn đạt kết quả tốt hơn.

Hồng Dung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục