Đó là nhận định của ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam tại Hội thảo Triển vọng thị trường năm 2023 dành cho các khách hàng doanh nghiệp của HSBC Việt Nam với chủ đề “Việt Nam: Con đường phía trước” được tổ chức sáng 10/10 tại Hà Nội.
Theo ông Tim Evans, chúng ta đang sống trong một thế giới có nhiều yếu tố bất định về địa chính trị, sự sụt giảm nhu cầu của các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam… Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã cho thấy sự sụt giảm về sản lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Dù hiện nay đã có sự tăng trưởng nhất định về xuất khẩu, đặc biệt là sự dịch chuyển các sản phẩm nông nghiệp sang Trung Quốc, nhưng về cơ bản, xuất khẩu đang có xu hướng đi xuống.
Diễn biến trong 8 tháng năm 2023, chỉ có tháng 2 và tháng 8 chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tương ứng đạt 51,2 điểm và 50,5 điểm, các tháng còn lại, chỉ số PMI đều dưới ngưỡng 50 điểm. Đặc biệt, chỉ số PMI tháng 5/2023 đã giảm xuống 45,3 điểm, mức giảm thấp nhất kể từ tháng 11/2022, phản ánh sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động mua hàng và việc làm giảm.
“Chỉ số PMI các ngành sản xuất Việt Nam liên tục dưới ngưỡng 50 điểm cho thấy bức tranh ảm đạm trong sản xuất kinh doanh của các nhà sản xuất”, ông Tim Evans nói.
Dẫu vậy, theo ông Tim Evans, cũng có rất nhiều điểm sáng, đó là, Việt Nam đã ký 16 hiệp định thương mại tự do - FTA (trong đó có 15 hiệp định là ký với thị trường G20) nên câu chuyện FDI vẫn có nhiều tín hiệu tích cực. Việt Nam cũng đang dịch chuyển dần khỏi mô hình chỉ là nhà sản xuất dựa trên hiệu quả về mặt chi phí, thị trường tiêu dùng cũng đang phát triển rất mạnh với nền kinh tế số.
“Dự báo đến năm 2025, nền kinh tế số của Việt Nam sẽ đạt giá trị khoảng 50 tỷ USD. Đây sẽ là nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á. Đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ 10 trên thế giới, lớn hơn: Thái Lan, Anh, Đức… Hay nói cách khác, nền kinh tế Việt Nam đang mở rộng”, ông Tim Evans nhấn mạnh.
Cũng theo Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, số liệu GDP của quý III/2023 ở mức 5,3% và quý IV/2023 dự báo sẽ tiếp tục tăng. Như vậy, GDP cả năm 2023 ít nhất cũng đạt 5,0%, dù thấp hơn so với năm 2023, nhưng vẫn tốt hơn rất nhiều so với các thị trường khác trong khu vực.
Theo ông Frederic Neumann, Kinh tế trưởng khối Nghiên cứu Kinh tế châu Á, Ngân hàng HSBC, Việt Nam đang có nhiều lợi thế bởi sự dịch chuyển lớn FDI tiếp tục đổ vào châu Á. Trong đó, FDI vào khu vực ASEAN tăng kỷ lục, chủ yếu vào Singapore, Việt Nam, Thái Lan và phần nào đó là Indonesia. FDI vào Ấn Độ có tăng nhưng không bằng các quốc gia khác.
Ông Frederic Neumann, Kinh tế trưởng khối Nghiên cứu Kinh tế châu Á, Ngân hàng HSBC |
Việt Nam có đặc điểm khác biệt so với các quốc gia khác như nhân khẩu học, văn hóa, kinh tế… trong đó, tỷ lệ dân số ở độ tuổi lao động cao và còn nhiều thời gian để nâng cao kỹ năng lao động cho sự dịch chuyển về nhân khẩu học. Đáng chú ý, Việt Nam đang dẫn đầu khi có lượng gia đình có tài sản cao là tương đối lớn trên 250.000 USD.
Xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc đang tăng trưởng trở lại với thặng dư cán cân thương mại. Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam, dẫn đầu khu vực ASEAN về thu hút khách du lịch, là ngành tăng trưởng chủ chốt khi thương mại hàng hóa chậm lại.
“HSBC dự báo, GDP Việt Nam đạt 5,0% vào năm 2023 và với lạm phát được kiểm soát, dự báo GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,3% cao nhất trong năm 2024 không chỉ riêng trong khu vực ASEAN. Đây là con số đáng ngưỡng mộ và tất cả mới chỉ là điểm bắt đầu”, ông Frederic Neumann, nói.
Đồng quan điểm Việt Nam là thị trường phát triển hứa hẹn, ông Brook Taylor, CEO Quỹ VinaCapital Asset Management nhận định, Chính phủ đã có nhiều chính sách phục hồi thị trường bất động sản và thị trường này sẽ phục hồi.
"Khi đầu tư vào các doanh nghiệp, chúng tôi sẽ nghiên cứu liệu doanh nghiệp có tiềm năng? Có quy mô phát triển không? Việc ứng dụng công nghệ như thế nào? Thực tế là, Việt Nam có nhiều doanh nghiệp tốt, có nhiều cơ hội tăng trưởng. Có rất nhiều yếu tố hỗ trợ để nhà đầu tư quan tâm đến Việt Nam như trở thành đối tác chiến lược toàn diện, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã lên một tầm vóc mới”, ông Brook Taylor nói.
Hay như câu chuyện thị trường chứng khoán Việt Nam được ông Brook Taylor chỉ rõ, còn đang là thị trường cận biên và hy vọng năm tới sẽ xóa bỏ được rào cản để trở thành thị trường mới nổi. P/E VN-Index đang dưới 10 lần, rẻ hơn rất nhiều so với các thị trường khác trên thế giới nên có nhiều người đang nhìn ngắm thị trường để đầu tư. Mọi thứ đang sẵn sàng để thị trường chứng khoán tăng trưởng tích cực.
“Việt Nam có nhiều cơ hội sẽ trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2025. Tôi rất ấn tượng với các lãnh đạo cơ quan Chính phủ hiện nay. Tôi rất hy vọng Việt Nam sẽ vượt qua được “bẫy thu nhập trung bình” để trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2025… Tóm lại, có nhiều yếu tố “cơn gió ngược” nhưng hai thập kỷ qua chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ như tỷ lệ đói nghèo trước đây lên tới 20% nhưng nay chỉ còn 1% là một chỉ số không phải quốc gia nào đạt được nhanh như vậy. Do đó, chúng ta hãy giữ vững niềm tin”, ông Brook Taylor tin tưởng.