Thế nhưng, trò chuyện với chúng tôi, Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc HD Mon Real Estate - chủ đầu tư dự án - lại nói về… những nỗi lo khi anh bảo, bán được sản phẩm mới chỉ là giai đoạn đầu tiên. Cầm trong tay đồng tiền của khách hàng, còn là gánh trên vai niềm tin và sự kỳ vọng của họ về một mái ấm.
Từ gia đình đến cộng đồng
Nằm ngay trên công trường dự án, phòng làm việc của Nguyễn Anh Tuấn khá đơn giản, hầu như chỉ có sách vở, tài liệu... Mở cửa sổ ra là nhìn thấy toàn cảnh công trường với hàng trăm công nhân, hàng chục máy móc cỡ lớn miệt mài làm việc gần như 24/7. Với cường độ làm việc này, diện mạo của Mon City mỗi ngày một khác và hình hài của một “thành phố trong lòng thành phố” đang dần hiện lên.
Quan sát dự án với vẻ mặt khá lạc quan, vị CEO trẻ tuổi đẹp trai như một tài tử điện ảnh cho biết, tiến độ đã vượt vài tháng so với kế hoạch. “Tuy nhiên, nhanh nhưng không được ẩu, chất lượng và thẩm mỹ từng chi tiết nhỏ nhất phải được đặt lên hàng đầu”, Nguyễn Anh Tuấn nói và cho biết, toàn bộ Ban lãnh đạo HD Mon Real Estate và tất cả các cán bộ, nhân viên đều dành hết tâm sức, trí lực vào dự án này. Bởi đây là dự án đầu tay của Công ty, chất lượng và thương hiệu của dự án sẽ là “tấm vé thông hành” đưa HD Mon Real Estate đường hoàng bước chân vào thị trường bất động sản chuyên nghiệp.
“Chúng tôi tâm niệm, không chỉ chăm chút dự án vì khách hàng, mà còn vì chính tương lai của chúng tôi. Tôi luôn nói với anh chị em trong Công ty, hãy làm dự án như thể đang xây nhà cho gia đình mình”.
Đó là những lời nói chân thành của vị CEO trẻ tuổi, bởi tôi biết rằng, Mon City thành công còn là tâm nguyện của cá nhân anh. Bởi đây không chỉ là dự án đầu tiên của HD Mon Real Estate, mà còn là dự án đầu tay của Nguyễn Anh Tuấn tại Việt Nam sau những tháng năm công tác, học tập ở nước ngoài.
Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống kinh doanh với người cha là một doanh nhân nổi tiếng, anh cần một sự khẳng định mình. Và không có sự khẳng định nào tốt hơn việc tạo lập thành công một dự án bất động sản quy mô gần 6.000 tỷ đồng, gây được tiếng vang trên thị trường và hình thành được một cộng đồng dân cư an bình, hạnh phúc.
Sinh năm 1984, nhưng Tuấn đã có một gia đình hạnh phúc, một cậu con trai gần 10 tuổi. Đã đi mua nhà, đang ở trong một chung cư, nên anh hiểu những điều cần có để hình thành nên một mái ấm và những điều một chủ đầu tư cần làm để khiến cư dân hài lòng.
Hơn 7 giờ sáng đã có mặt tại công trường dự án và thường xuyên “trụ lại” đến 8 - 9 giờ tối, vị CEO có thời gian rất dài sống ở Anh quốc bảo, việc chăm chút tỉ mỉ từng chi tiết cho Mon City không chỉ là trách nhiệm, mà còn là thú vui của anh, bên cạnh niềm vui gia đình.
Môn thể thao ưa thích của anh là chạy bộ. Những môn có tính chất đối kháng như tennis, bóng đá, đặc biệt là golf cũng từng là niềm đam mê của anh, nhưng công việc liên miên của người điều hành một dự án bất động sản lớn đang trong giai đoạn thi công nước rút không cho phép anh phân tâm.
“Mình gắn với dự án cả tuần từ sáng đến đêm, cuối tuần lại xách gậy lên sân golf nữa thì thời gian đâu dành cho gia đình, chơi với con cái. Mà tôi luôn cho rằng, gia đình là vô cùng quan trọng, chỉ khi có trách nhiệm với gia đình nhỏ của mình thì ra cộng đồng, ta mới có thể nghĩ đến và làm được những điều lớn lao hơn”, Tuấn chia sẻ và cho hay, trong các môn thể thao, giờ chỉ có chạy bộ là không bỏ được.
“Dù bận tới đâu, mỗi ngày tôi đều dành khoảng 1 tiếng sau giờ làm việc cho môn thể thao này. Đó cũng là lúc tôi có thể tĩnh tâm suy nghĩ về những kế hoạch kinh doanh, những điều cần làm, những ý tưởng hay. Gia đình tôi sống tại Khu đô thị Ciputra. Mỗi lần chạy bộ trên những con đường rợp bóng cây ở đây, tôi cảm thấy rất ‘yêu’ chủ đầu tư này. Họ mang lại cho cư dân cảm giác thực sự thư thái và yên bình. Đó cũng là một trong những điều mình muốn làm cho cư dân Mon City”.
... và sự kết nối
Nói về thị trường bất động sản, Nguyễn Anh Tuấn bảo, một điểm đáng mừng là tư duy kinh doanh của các nhà phát triển bất động sản Việt Nam thời gian gần đây đang bắt đầu tiệm cận với những điều mà anh đã được thấy, được học hỏi khi ở nước ngoài. Đó là kinh doanh bất động sản không phải là một loại hình kinh doanh siêu lợi nhuận. Việc quản lý, vận hành, tạo lập không gian sống cho cộng đồng dân cư sau khi dự án hoàn thiện mới là điều làm nên đẳng cấp một nhà phát triển bất động sản.
Đề cập đến Mon City không chỉ với tư cách người đại diện chủ đầu tư, Nguyễn Anh Tuấn còn nói với vị trí của ông chủ một gia đình. Anh bảo rằng, sau những giờ phút làm việc căng thẳng, ai trong chúng ta chẳng muốn tìm về một mái ấm, một không gian nhẹ nhàng, thoải mái để nạp lại năng lượng sống. Nhưng thực tế, yên tĩnh, nhẹ nhàng không có nghĩa là biệt lập, là xa cách.
Trong cuộc sống hiện đại, người ta sống không thể thiếu sự kết nối, kết nối giữa con người với các tiện ích hạ tầng giáo dục, y tế, kết nối với hạ tầng giao thông và đặc biệt là kết nối giữa người với người. Hai điều tưởng như trái ngược nhau giữa sự sôi động, sự chia sẻ và nhu cầu sống yên tĩnh thật ra có thể giải quyết rất hài hòa khi hình thành được một cộng đồng dân cư với đầy đủ các tiện ích, các hoạt động chung và riêng. Và đó là điều Mon City hướng tới.
Ông bố của cậu con trai gần 10 tuổi tâm sự: “Tôi với anh, buổi sáng nào chẳng phải sấp ngửa gọi lũ trẻ dậy sớm, vệ sinh cá nhân, cho chúng ăn uống rồi đưa đi học. Ra đường, nhìn cả đoàn xe cộ nhích từng chút một thì thực sự bức bối, nên có một nhà trẻ trong khu đô thị là cực kỳ cần thiết và cũng rất may mắn là xung quanh Mon City có những trường học chất lượng cao của Hà Nội”.
Những điều anh nói về việc tạo lập một không gian sống, hay đơn giản là “những khoảng thở” cho dự án là rất chuẩn xác, nhưng thực sự nói thì dễ mà làm thì khó vô cùng. Chẳng hạn, tại Mon City, chỉ cần “tiết kiệm” mỗi chỗ một chút là đã có thêm vài căn biệt thự, vài căn liền kề trị giá vài chục đến cả trăm tỷ đồng?
Anh nói rất đúng. Tại Mon City, chúng tôi gọi đó là sự hy sinh cái lợi trước mắt để chủ đầu tư và khách hàng “ở với nhau” lâu dài, có nghĩa là trách nhiệm của chủ đầu tư không chấm dứt, mà còn mở rộng hơn sau khi đã chìa khóa trao tay sản phẩm cho cư dân.
Thứ hai, tôi cho rằng, muốn tạo ra một thương hiệu bất động sản thân thiện, không còn cách nào khác, chủ đầu tư phải chau chuốt từng cột đèn, từng viên đá lát vỉa hè, từng gốc cây trong dự án. Chẳng hạn, tại Mon City, toàn bộ hệ thống cây xanh, ánh sáng, thiết kế không gian… đều được một đơn vị thiết kế nổi tiếng của nước ngoài lên phối cảnh, sau nhiều lần chỉnh sửa, ưng ý rồi mới được triển khai trên thực địa.
Đó là những lý do khiến lợi nhuận ban đầu sẽ giảm xuống, nhưng tôi cho đó là điều hợp lý, đúng đắn khi chúng tôi không coi lợi nhuận là ưu tiên hàng đầu, thay vào đó là uy tín, thương hiệu để đi dài lâu trên thị trường bất động sản.
Tôi nghĩ rằng, uy tín có thể quy ra tiền, thương hiệu có thể tính bằng tiền, nhưng trong rất nhiều trường hợp, tiền không thể mua được uy tín, mà chỉ có cái tâm của chủ đầu tư được thể hiện trong một quá trình dài mới có thể gây dựng được.
Nhưng để khẳng định xây dựng thương hiệu trong một thị trường bất động sản cực kỳ sôi động như tại phía Tây Hà Nội là không hề đơn giản, khi những chủ đầu tư lớn hầu hết đều có mặt ở đây, thưa anh?
Đúng vậy. Trong khoảng hơn 1 năm trở lại đây, khu vực quận Nam Từ Liêm có cả chục dự án bất động sản quy mô với sức cạnh tranh lớn. Tuy nhiên, tôi cho đây là một điều tốt. Thứ nhất là tốt cho khách hàng, cho thị trường. Mình rất thích khách hàng phải có được sự lựa chọn, so sánh. Thứ hai, vẻ đẹp của sự cạnh tranh là động lực khiến ta phải vươn lên, phải làm những điều tốt đẹp hơn. Vì vậy, trong sự cạnh tranh, điều đầu tiên ta có thể vượt qua là vượt qua chính mình.
Và đặc biệt, mình không nghĩ các dự án xung quanh là đối thủ, mà họ là bạn của mình. Điều này cũng dễ hiểu thôi, một khu vực có quần thể nhiều dự án tốt sẽ hình thành được một cộng đồng dân cư đẳng cấp với quy mô lớn. Điều này sẽ thu hút những khách hàng tiềm năng khác. Đồng thời, cư dân ở dự án này có thể sử dụng, thụ hưởng một số tiện ích, môi trường, không gian của dự án kia.
Vì vậy, nhìn một cách toàn diện, những dự án tốt ở cạnh nhau còn tôn nhau lên trong con mắt khách hàng.
Vĩ thanh
Đã trò chuyện với nhiều chủ đầu tư, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên tôi nghe những lời khen rất “thiệt tình” của chủ một dự án này với các dự án khác. Từ việc rất “yêu” chủ dự án nơi gia đình mình đang ở, đến việc muốn là “bạn” và cùng thành công với những dự án đang cạnh tranh trực tiếp với dự án mà mình đang triển khai.
Điều đó, rất thú vị lại đến từ một CEO còn trẻ và lần đầu tiên “chạm tay” vào thị trường địa ốc. Không thể nói đó là những suy nghĩ mơ mộng hay lạc quan tếu, vì Mon City đang hái quả ngọt với hơn 700/816 căn hộ và hầu hết trong số 146 sản phẩm nhà liền kề thuộc giai đoạn 1 của dự án đã có chủ. Điều đó nói lên rằng, nếu kinh doanh bắt nguồn từ cái tâm thì dù sức ép cạnh tranh có lớn đến đâu, thị trường vẫn là một “đại dương xanh” có chỗ cho tất cả chúng ta.