CEO France Télécom/Orange tạm qua cơn nguy biến

(ĐTCK) Stéphane Richard được giữ nguyên chức CEO cho đến khi hết hạn hợp đồng (hết tháng 5/2014), thì các cơ quan chức năng Pháp mới tạm để ông yên.
Stéphane Richard. Stéphane Richard.

Trong tuần qua, việc ông Stéphane Richard, 51 tuổi, quốc tịch Pháp, hiện là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) France Télécom/Orange, tập đoàn viễn thông lớn nhất Pháp bị bắt tạm giam đã phần nào gây xôn xao trong dư luận Pháp nói chung và giới đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông nói riêng.

Lý do ông này bị bắt tạm giam là để phục vụ điều tra về vai trò của ông trong vụ án được gọi vắn tắt là “Tapie” (kéo dài từ năm 1993 đến 2008).

Để tiện theo dõi, xin tóm tắt qua vụ án “Tapie”. Vụ án “Tapie” bắt nguồn từ việc tranh chấp tài chính giữa tỷ phú Bernard Tapie, quốc tịch Pháp, nguyên là ông chủ của Câu lạc bộ Giải hạng Nhất Pháp Olympique de Marseille và Ngân hàng Crédit Lyonnais (Pháp - đã bị phá sản) liên quan đến vụ bán cổ phiếu của Tập đoàn sản xuất giày thể thao Adidas (Đức) do ông này sở hữu vào năm 1993.

Khi đó, ông được tân Tổng thống Pháp Francois Mitterand (thuộc cánh tả) chọn vào làm bộ trưởng trong nội các. Vì thế, để tránh “xung đột lợi ích”, ông Bernard Tapie bắt buộc phải bán đi số cổ phần của Adidas. Khi bán thì mọi việc êm ả, song sau này, chính ông Bernard Tapie lại cáo buộc Ngân hàng Crédit Lyonnais đã cố tình dìm giá số cổ phần của Adidas do ông sở hữu và đòi Nhà nước (từng là cổ đông chính của ngân hàng trên) phải bồi thường. Khi ông kiện vụ này, Tổng thống Pháp khi đó là ông Nicolas Sarkozy (vốn là bạn ông), còn bà Christine Lagarde là Bộ trưởng Tài chính Pháp (2007-2011) và ông Stéphane Richard là Chánh văn phòng Bộ Tài chính (là một trong những phụ tá thân cận của bà Christine Lagarde).

Bà Christine Lagarde đã chỉ định một nhóm chuyên gia làm trọng tài giải quyết vụ tranh chấp và các trọng tài đã ủng hộ đơn kiện của ông Bernard Tapie. Nhờ đó, ông này được bồi thường 285 triệu euro (lấy từ công quỹ), tính cả lãi là 400 triệu euro (515 triệu USD) vào năm 2008. Vụ án tưởng xong xuôi, có thể khép lại, thì đầu năm nay, lại có một số người có thế lực trong Chính phủ Pháp yêu cầu điều tra, xác minh và làm rõ lại vụ án. 

Có cả ý kiến nghi ngờ rằng, ông Bernard Tapie được nhận khoản tiền bồi thường lớn như vậy, có thể coi như là hình thức “trả ơn” sự ủng hộ dành cho Tổng thống Nicolas Sarkozy trong cuộc bầu cử năm 2007, bởi doanh nhân này đóng vai trò rất tích cực trong chiến dịch tranh cử đó.

Trong tháng 5 vừa qua, bà Christine Lagarde, hiện là Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nhận được giấy triệu tập yêu cầu trở về Pháp để thẩm vấn liên quan tới cáo buộc bà có dính líu về mặt pháp lý đến vụ bê bối. Song do không tìm được bằng chứng xác đáng, nên bà coi như vô can.

Tuy nhiên, sau đó, vụ việc vẫn chưa thể khép lại, khi các nhà điều tra lại chuyển hướng sang ông Stéphane Richard, phụ tá của bà. 

Theo một số nguồn tin, ông Bernard Tapie là doanh nhân lọc lõi, đồng thời cũng là chính trị gia cáo già, nên ông “biết cách” huy động mọi phương tiện hợp pháp lẫn bất hợp pháp thì mới thắng kiện. Hơn nữa, trong quá khứ, ông Bernard Tapie đã từng bị “dính chàm” (bị tù giam 6 tháng do trực tiếp dính líu đến việc dàn xếp tỷ số bóng đá của Câu lạc bộ Bóng đá Olympique de Marseille)...

Hiện cũng do chưa có bằng chứng kết tội, nên sau 48 giờ bị tạm giam (theo luật của Pháp), ông Stéphane Richard trở lại công việc bình thường.

Điều quan trọng là giữa tuần này, sau khi Tổng thống Pháp đương nhiệm Francois Hollande công khai ủng hộ ông Stéphane Richard được giữ nguyên chức CEO cho đến khi hết hạn hợp đồng (hết tháng 5/2014), thì các cơ quan chức năng Pháp mới tạm để ông yên.

Ông Stéphane Richard hiện là một trong những CEO được đánh giá cao ở Pháp, một phần do ông thuộc tầng lớp tri thức dạng tinh hoa được đào tạo tại các trường đại học uy tín bậc nhất Pháp. Mặt khác, do ông đã trải qua nhiều cương vị trong Chính phủ Pháp lẫn trong quản lý doanh nghiệp, nên có nhiều kinh nghiệm. Giới doanh nhân Pháp rất cần nhiều nhân vật sáng giá như ông.

Là tập đoàn viễn thông lớn thứ 4 ở châu Âu (có mặt tại 32 quốc gia trên thế giới), France Télécom/Orange hiện có khoảng 230 triệu thuê bao (số liệu đến ngày 31/3/2013), trong đó có 172 triệu thuê bao di động. France Télécom/Orange có cổ đông lớn nhất là Chính phủ Pháp (sở hữu 27% cổ phần). Năm 2000, France Télécom đã mua lại toàn bộ Orange , vốn là công ty cung cấp dịch vụ điện thoại di động của Anh. Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2013 tổ chức vào cuối tháng 5 vừa qua, có tới 99,64% phiếu đồng ý đổi tên France Télécom thành Orange. Lý do đổi tên là một phần trong chiến lược toàn cầu hoá của Tập đoàn, cho dù hiện vẫn có tới gần 50% doanh thu của Tập đoàn là từ thị trường Pháp.

Hiện tại, mọi người vẫn sử dụng thương hiệu France Télécom/Orange, song từ ngày 1/7/2013 trở đi, Tập đoàn sẽ chính thức chỉ còn tên là Orange .


Trung Hiếu (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục