Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã được nói đến nhiều. Thuật ngữ kinh tế số cũng bắt đầu được nói đến trong giới kinh doanh. Chuyện gì đang xảy ra vậy, thưa ông?
Nếu dùng thuật ngữ kinh tế số, thì có thể mọi việc trở nên phức tạp. Tôi ví dụ bằng sự thay đổi của chính các dịch vụ, sản phẩm đang phát triển cho dễ hiểu. Trước kia, khi đi máy bay, mỗi khách phải có 1 vé, chi phí cho phần này khoảng 1 USD. Nhưng giờ máy bay giá rẻ dùng vé điện tử, tiết kiệm được bao nhiều tiền từ trang thiết bị, vật liệu và cả nhân lực để phục vụ hàng chục triệu hành khách. Tới đây, phòng vé có thể không còn tồn tại…
Ông Bùi Quang Ngọc, CEO FPT
Rồi thói quen dùng thẻ tín dụng thay cho tiền mặt bắt đầu nhen nhóm. Đang có những dịch vụ mới làm thay đổi, thậm chí có thể “đè bẹp” cái cũ như câu chuyện của Uber, Grab và taxi truyền thống.
Vấn đề bây giờ là các doanh nghiệp, nền kinh tế phải chấp nhận sự thay đổi của cuộc chơi. Còn chấp nhận thế nào, theo kiểu nào thì phải sử dụng trí tuệ của mình. Đó là thời cơ, nhưng cũng giống như nhiều thời cơ, nếu không nắm bắt được, thì chúng ta lại không theo kịp trào lưu thế giới.
Là người trong cuộc, ông thấy sự sẵn sàng của doanh nghiệp và cả nền kinh tế Việt Nam với sự vận động của kinh tế số như thế nào?
Kinh tế số không giới hạn với bất cứ ai. Vấn đề nhiều người kinh doanh ở Việt Nam hay nhắc đến khi nói đến khó khăn là tiền, thì trong thời đại Internet, các quỹ đầu tưsẽ có mặt ngay khi tìm thấy ý tưởng. Ý tưởng là điều tối cần thiết để kinh doanh, khởi nghiệp trong kinh tế số. Nhưng phải thừa nhận, chúng ta còn ít ý tưởng độc đáo, có tính toàn cầu hóa.
Cái lõi trong nền kinh tế số hay cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là gì, thưa ông?
Đó là nguồn dữ liệu lớn tạo ra dịch vụ thông minh. Nền tảng của nó là trí tuệ nhân tạo. Nhìn lại, cả ý tưởng và khả năng hiện thực đều là những cái rất hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam.
Một trong những nguyên do, theo tôi, là chúng ta đang đào tạo chung chung, thậm chí tôi cho là đang thụt lùi về đào tạo toán so với thời tôi là sinh viên. Bây giờ, người ta thích ngồi bàn phím với công cụ A, công cụ B, nhưng đó là công cụ, còn cái lõi vấn đề là toán học.
Việt Nam đang thiếu và làm thế nào đào tạo nhân lực đáp ứng cách mạng 4.0 là câu chuyện rất lớn cho Chính phủ và các trường đại học. Đó là điều mà chúng tôi muốn gửi tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong VPSF 2017.
Tôi tin, với những kiến nghị cụ thể của chúng tôi, sẽ có các chính sách, chương trình để thúc đẩy các ý tưởng kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân, từ đó tạo động lực tăng trưởng mới, bền vững cho nền kinh tế.
Trở lại vấn đề ông từng đặt ra, rằng nếu doanh nghiệp nào đó không bắt kịp chuyến tàu 4.0 này thì số phận của họ sẽ đi về đâu?
Họ sẽ tàn lụi, biến khỏi cuộc chơi dù đã từng là những tên tuổi rất lớn. Cuộc chơi đang thay đổi, chúng ta phải hiểu, chấp nhận và tìm cách đi theo một cách có lợi nhất cho doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam. Chúng ta sẽ phải chấp nhận nhiều cái mới xuất hiện và nhiều cái cũ chết đi.
Nói riêng về FPT, chúng tôi có đặc thù riêng là tham gia toàn cầu hóa thì phải chuẩn bị nguồn lực rất tốt, chất lượng cao để tham gia nhiều nhất. Trong cuộc cách mạng 4.0, cơ hội rất lớn và thậm chí chúng tôi không đủ nguồn lực để tham gia. Chúng tôi sẽ phải tiếp tục theo đuổi con đường này.