CEO Ford Việt Nam: Doanh nhân cần táo bạo và quyết đoán

(ĐTCK) Có dịp trò chuyện với ông Jesus Metelo Arias Met, Tổng giám đốc Công ty Ford Việt Nam, mới thấy, sau vẻ bề ngoài lạnh lùng của ông là một trái tim nhiệt huyết, khao khát thực hiện ước mơ tạo sự đột phá cho thương hiệu.
CEO Ford Việt Nam: Doanh nhân cần táo bạo và quyết đoán

Sẵn sàng đối đầu thách thức

Chính thức nhận vị trí “thuyền trưởng” Ford Việt Nam từ tháng 7/2013, cùng lúc, ông Arias cũng đảm nhận luôn vai trò Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) từ người tiền nhiệm. “Với tôi, đây quả là thách thức không nhỏ”, ông Arias thẳn thắn chia sẻ dù mới lần đầu gặp mặt.

Tuy nhiên, ông thừa nhận, thách thức này rất thú vị, vì Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung không quá mới lạ với ông. “Khu vực này tôi đã đi lại khá nhiều lần và hiểu biết khá tường tận!”, ông Arias nói và cho biết, từ năm 2004, ông giữ nhiều cương vị lãnh đạo quan trọng trong các hoạt động về dịch vụ khách hàng ở Thái Lan, Ấn Độ, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và châu Phi.

Cách đây 3 năm, khi đảm nhận vai trò Giám đốc Dịch vụ chăm sóc khách hàng của Ford tại khu vực Đông Nam Á, ông Arias đồng thời chịu trách nhiệm điều hành các hoạt động sau bán hàng và dịch vụ ở khu vực Đông Nam Á và Nhật Bản.

Trong suốt thời gian đó, theo đánh giá của ông Matt Bradley, Chủ tịch Ford Đông Nam Á, ông Arias đã đưa ra nhiều quyết định có tính chiến lược để củng cố các hoạt động dịch vụ và chăm sóc khách hàng. “Chúng tôi vô cùng tự hào khi ông Arias tham gia ban lãnh đạo mới và rất tin tưởng vào năng lực và chuyên môn của ông trong việc dẫn dắt hoạt động kinh doanh của Ford tại Việt Nam”, ông Matt Bradley nói.

Nhiệm vụ của ông Arias quả là không dễ dàng, trong đó, thách thức lớn nhất chính là “thoát” khỏi cái bóng của những người tiền nhiệm, với những dấu ấn Fiesta, Focus và Ranger đã tạo được tại thị trường Việt Nam trong 2 năm qua và hơn 85.000 xe được bán ra, chiếm hơn 7% thị phần.

Còn thách thức thứ hai được chính ông Arias nhìn nhận với kinh nghiệm của người hơn 20 năm làm việc trong lĩnh vực dịch vụ, đó chính là phải hiểu biết về thị trường và khách hàng.

 

Lắng nghe khách hàng

Ford là công ty toàn cầu, với phong cách thuần Mỹ là thẳng thắn và thoáng, nhắm đến chất lượng là trên hết. Trong khi đó, lãnh đạo người phương Đông đôi khi nặng phần “lễ nghi” trong điều hành doanh nghiệp. Điều này liệu có tạo xung khắc trong quá trình làm việc?

Câu hỏi này của giới truyền thông đã được ông Arias trả lời khá cụ thể qua các cuộc tiếp xúc tại Triển lãm Vietnam Motor Show 2013 vừa qua. Theo ông, ở góc độ quản trị, dù ở đâu, lãnh đạo của Ford cũng có một chuẩn chung trên toàn cầu, với đầy đủ các tố chất như kiến thức chuyên môn, khả năng quản trị, tư duy lãnh đạo và cách điều hành.

Trong đó, lắng nghe và thấu hiểu nhu cầu thị trường, khách hàng chính là đặc tính không thể thiếu của hầu hết các CEO nước ngoài đã từng thành công tại thị trường Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung.

Có thể thấy rõ điều này ngay tại Vietnam Motor Show 2013. Nếu như trong các kỳ triển lãm trước đây, Ford thường xuất hiện với phong cách trung thành với nguyên bản, thì tại Vietnam Motor Show 2013, các sản phẩm của Ford được xuất hiện với “bộ mặt” hoàn toàn mới. Các sản phẩm chủ lực của Ford như Fiesta, Ranger, Focus đều được “độ thêm” nhiều phụ kiện, thể hiện các đặc tính riêng và đã cuốn hút rất đông khách tham quan.

Đây là quyết định táo bạo do đích thân ông Arias đưa ra chỉ trong vòng 1 tuần trước Triển lãm và được tích lũy từ hơn 10 năm kinh nghiệm “lăn lộn” ở lĩnh vực dịch vụ Ford khu vực ASEAN nói chung và một số nước châu Á nói chung. Điều này đã hiện thực hóa tiêu chí “phải biết lắng nghe nhu cầu thị trường và khách hàng” của ông Arias nói riêng và của Ford nói chung.

Thông thường, mỗi CEO đều tạo ra một ê-kíp hoặc đưa ra một triết lý điều hành riêng. Với ông Arias, triết lý kinh doanh tâm đắc là sự liêm chính. Nó bao gồm cả sự thành thật, tinh thần trách nhiệm và luôn làm những việc đúng đắn. “Tôi luôn giữ bản thân mình cũng như khuyến khích toàn đội của mình giữ vững sự liêm chính, đã nói là làm, đã hứa là thực hiện và luôn tự giác làm những việc đúng đắn, ngay cả khi không có ai theo dõi hay hối thúc”, ông quả quyết.

 

Việt Nam vẫn là “điểm đến” của Ford

Ngay khi có thông tin bổ nhiệm ông Arias, dư luận băn khoăn rằng, liệu việc bổ nhiệm một lãnh đạo chuyên về dịch vụ chăm sóc khách hàng là “thông điệp” cho thấy, Ford đang thu hẹp việc đầu tư sản xuất và bắt đầu tập trung vào lĩnh vực kinh doanh, nhập khẩu và phát triển dịch vụ tại Việt Nam.

Đi tìm lời giải cho câu trả lời trên thật không dễ dàng, khi ông Arias mới bắt đầu nhiệm kỳ và lại có thói quen khá “kín tiếng”. Thế nhưng, thật bất ngờ khi nhận được chia sẻ thẳng thắn của ông: “Năm 2013, Ford Việt Nam vẫn đang tiếp tục đầu tư vào tuyển dụng nhân lực, cũng như mở rộng sản xuất thêm 15%. Tôi hy vọng, với kinh nghiệm về dịch vụ và chăm sóc khách hàng, tôi cùng Ford Việt Nam sẽ mang đến cho khách hàng Việt Nam những sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao”.

Theo nhận định của các chuyên gia của Ford, với dân số gần 90 triệu dân, Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng. Từ đầu năm đến nay, thị trường xe hơi đang có dấu hiệu ấm lên và Ford là một trong những thương hiệu phát triển nhanh nhất trong năm nay tại Việt Nam, với doanh số đạt 5.488 xe, tăng 85% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Chúng tôi nỗ lực để mỗi năm sẽ mang một phẩm toàn cầu với nhiều công nghệ mới tới tay người tiêu dùng Việt Nam, tương tự công nghệ động cơ hoàn toàn mới EcoBoost 1.0L”, ông không ngần ngại chia sẻ mục tiêu đặt ra cho nhiệm kỳ của mình.

Bản lĩnh một CEO phải đo lường bằng chính hiệu quả điều hành công việc. Nhận định về “thuyền trưởng” Ford vào thời điểm này hoàn toàn chỉ mang tính chủ quan, nhất là khi thị trường Việt Nam dù tiềm năng, nhưng tiềm ẩn nhiều sự thay đổi khó lường, cạnh tranh ngày càng lớn.

Tuy nhiên, tin rằng, cách lắng nghe, biết thay đổi cho phù hợp và đặc biệt là trái tim nhiệt huyết, khao khát thực hiện ước mơ tạo sự đột phá cho thương hiệu sẽ là nền tảng vững chắc giúp ông Arias vượt qua những thách thức trong nhiệm kỳ tại Việt Nam.

Ông sắp xếp kế hoạch làm việc của mình một ngày như thế nào? Thời gian nào ông dành cho gia đình?

Mỗi ngày, trung bình tôi làm việc khoảng 11 tiếng, vì thế khi về đến nhà là tôi bỏ lại công việc ngoài cửa. Tôi thường tập trung tiêu dùng quỹ thời gian cho gia đình một cách chất lượng: cả nhà cùng nhau làm mọi việc, đi mua sắm hay đi xem phim vào tất cả các cuối tuần để thư giãn.

 

Theo ông, đâu là những tố chất cần thiết của một doanh nhân, đặc biệt là người kinh doanh trong lĩnh vực được cho là “nhiều nhạy cảm” như xe hơi?

Tôi nghĩ một doanh nhân cần sự táo bạo và quyết đoán. Dù vậy, bạn cũng cần tính kỹ những rủi ro có thể gặp phải và biết cách triệt tiêu nó. Bạn sẽ không thể tồn tại trong một ngành đầy tính cạnh tranh, nếu bạn không quyết đoán. Nhưng sự cẩn trọng và kiên trì cũng là yếu tố cần thiết cho các chiến lược dài hạn và các phẩm chất này sẽ giúp bạn hoạch định được chiến lược kinh doanh bền vững, đặc biệt là ở Việt Nam (cười).

 

Được biết, sở thích của ông là chơi billar. Sở thích này giúp ích gì cho ông trong công việc?

Chơi billard giúp tôi rèn tư duy sắc bén, cũng giống như chơi cờ vậy. Còn xem phim hay ở bên gia đình mỗi lúc rảnh rỗi giúp tôi thư giãn. Và những điều này giúp tôi cân bằng tốt hơn trong công việc nhiều áp lực.

 

Ông ấn tượng điều gì tại Việt Nam?

Đây không phải lần đầu tiên tôi đến Việt Nam, nhưng trở lại Việt Nam luôn là cảm giác vô cùng thú vị. Tôi thích đất nước này, con người ở đây. Tuy làm việc tại Hà Nội, nhưng tôi đã đi được nhiều tỉnh, thành phố để công tác và giám sát thị trường. Tôi chưa trải qua mùa đông ở Việt Nam và tôi mong đợi đến khoảng thời gian ấy.

 

 

Bửu Hà (Báo Đầu tư)
Bửu Hà (Báo Đầu tư)

Tin cùng chuyên mục