CEO FLC Global: "Kinh doanh thép vẫn rất tiềm năng"

(ĐTCK) Kinh doanh thép đòi hỏi vốn lớn, nhưng nếu lạm dụng đòn bẩy tài chính thì rủi ro thua lỗ là không nhỏ.
Ông Lê Thanh Dương Ông Lê Thanh Dương

Từng gắn bó với ngành thép hàng chục năm, từng nắm giữ vị trí quan trọng trong các doanh nghiệp thép hàng đầu tại Việt Nam, nhưng rồi lại quyết định về đầu quân cho FLC Global để bắt đầu lại mọi thứ. ĐTCK có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Dương - Tổng giám đốc CTCP Liên doanh Đầu tư Quốc tế FLC (FLC Global - mã CK KLF) xung quanh những trải nghiệm thú vị này.

Xin ông cho biết nguyên cớ nào đã khiến ông gia nhập FLC Global?

Trước khi đến với FLC Global, tôi đã có 8 năm lăn lộn với ngành thép, từ phụ trách thương mại đến sản xuất, kinh doanh các loại thép thương phẩm khác nhau. Hai công việc gần nhất mà tôi đảm nhiệm là Phó tổng giám đốc CTCP Thép Vạn Lợi và Giám đốc Nhà máy cán thép Nam Đô.

Làm thép có lúc dễ, lúc khó. Mấy năm gần đây, thị trường thép luôn bị chao đảo do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp lớn đã phải thu hẹp quy mô, thậm chí rời khỏi cuộc chơi. Trong lúc đó thì tôi tình cờ biết được ý định của Ban lãnh đạo FLC Global là muốn đẩy mạnh mảng kinh doanh thép. Điều đó khiến tôi bất ngờ. Nhưng điều bất ngờ hơn nữa là khi tìm hiểu sâu về FLC Global và tiếp xúc với Ban lãnh đạo Công ty, tôi thấy ở họ có những ý tưởng rất táo bạo, độc đáo và cách làm khác biệt với những doanh nghiệp khác. Mà kinh doanh thì phải có ý tưởng mới thành công. Nhận thấy đây là một môi trường hoàn toàn mới mẻ để thử sức, tôi đã nhận lời về làm Tổng giám đốc FLC Global.

Nghĩ lại thì thấy việc mình về với FLC Global có lẽ là do cái “duyên” ông trời đã se.

Vậy ngoài cái “duyên” như ông nói ra, chắc ông cũng phải nhìn thấy những tiềm năng thực sự ở FLC Global?

Vâng, chắc chắn rồi. Về với FLC Global, tôi được tiếp tục thử sức trong lĩnh vực vốn là sở trường của mình, đó là kinh doanh sắt thép. FLC Global là một công ty trẻ, năng động, có chiến lược kinh doanh rõ ràng.

Những ai quan tâm đến Tập đoàn FLC - trước kia là công ty mẹ của FLC Global, nay là cổ đông lớn của Công ty đều thấy, mảng kinh doanh vật liệu xây dựng, sắt thép, inox đã được tiến hành từ nhiều năm nay, doanh thu từ mảng này chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng doanh thu của FLC Group. Trong chiến lược kinh doanh của mình, FLC Global cũng phát triển mạnh lĩnh vực thương mại - dịch vụ, trong đó có các mặt hàng vật liệu xây dựng. Với lựa chọn này, FLC Global có thể kế thừa những kinh nghiệm, quan hệ đối tác và các nguồn lực khác mà FLC Group đã tạo dựng được trong lĩnh vực kinh doanh thép. Trong tương lai, FLC Group sẽ chuyển giao toàn bộ mảng hoạt động này cho FLC Global tiếp quản.

Mặc dù đang gặp phải những khó khăn, thách thức không nhỏ, nhưng về lâu dài, kinh doanh thép vẫn được xem là lĩnh vực rất tiềm năng, nhất là khi kinh tế vượt qua khủng hoảng, thị trường bất động sản, thị trường xây dựng phục hồi trở lại. Những doanh nghiệp nào bám trụ và vượt qua thời khắc khó khăn này của thị trường thì cơ hội thành công trong tương lai sẽ là rất lớn.

 

Thế còn những rủi ro trong lĩnh vực kinh doanh này là gì, thưa ông?

Giống như các ngành thương mại khác, kinh doanh thép có biên lợi nhuận không cao, đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro như: rủi ro thu hồi công nợ, rủi ro hàng tồn kho, rủi ro do yếu tố thị trường nói chung và rủi ro tỷ giá. Chẳng hạn, có những lô phôi thép chúng tôi nhập về, nếu tính toán tại thời điểm ký hợp đồng nhập khẩu thì mức lợi nhuận là tương đối cao, nhưng thực tế khi hàng về đến cảng thì giá cả đã biến động và tỷ giá tăng, nên lợi nhuận còn lại không được bao nhiêu. Kinh doanh thép là như thế,  luôn phập phù, khó đoán.

Một vấn đề nữa là kinh doanh thép đòi hỏi vốn lớn. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp thép đang kêu lỗ, mà nguyên nhân chủ yếu đến từ việc sử dụng đòn bẩy với tỷ lệ quá cao. Nếu hạn chế việc dùng đòn bẩy tài chính thì cũng giảm thiểu được chi phí và hạn chế rủi ro. Nhưng trong ngành thép thì không phải ai cũng nhìn thấy điều này. Phải rất bản lĩnh và tỉnh táo thì mới làm chủ được cuộc chơi.

 

Vậy ông có thể chia sẻ sâu hơn về một số định hướng của FLC Global trong lĩnh vực kinh doanh thép thời gian tới?

Trong 3 lĩnh vực kinh doanh mà FLC Global đang theo đuổi, thì kinh doanh dịch vụ sẽ phải tăng trưởng từ từ, không thể có đột phá. Hoạt động đầu tư thì cần có quá trình, từ lên kế hoạch đầu tư, nghiên cứu rồi đến triển khai, nên cũng chưa thể sớm mang lại doanh thu.

Vì vậy, trong một vài năm tới, cơ cấu doanh thu của FLC Global vẫn phải dựa vào thương mại là chính, trong đó kinh doanh sắt thép đóng vai trò chủ lực. Tuy nhiên, trong các năm tới, chúng tôi sẽ giảm dần tỷ trọng kinh doanh trong lĩnh vực này, đồng thời  nâng dần doanh thu từ các mảng dịch vụ, thu nhập từ đầu tư.

Với định hướng như trên, chúng tôi đã tích cực đàm phán với các đối tác để ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu đầu vào cho một số nhà máy thép và hợp đồng bán sản phẩm đầu ra. Các hợp đồng này đã được ký xong vào tháng 7 vừa qua. Thông thường, chu kỳ hoàn tất một hợp đồng mất khoảng 3 - 4 tháng, cho nên, doanh thu của FLC Global sẽ tăng mạnh vào cuối năm.

Trong thời gian tới đây, chúng tôi không chỉ cung cấp quặng thép, lõi thép cho nhà máy luyện thép, cán thép mà còn cung cấp phụ gia nữa. Với quy mô hoạt động các doanh nghiệp rất lớn như hiện nay, tôi cho rằng, chỉ cần đáp ứng được 1 phần nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào của các nhà máy này, thì FLC Global đã làm không hết việc rồi.

Lợi thế của FLC Global hiện nay là chúng tôi chưa phải sử dụng vốn vay mà vẫn đang tranh thủ nguồn vốn nhàn rỗi của Công ty chờ đầu tư vào các dự án. Tuy nhiên, kinh doanh sắt thép, vật liệu xây dựng thì yêu cầu vốn lưu động lớn, nên chúng tôi cũng đang tích cực làm việc với các ngân hàng để tìm kiếm các công cụ tài chính phục vụ nhu cầu vốn của Công ty.

CEO FLC Global: "Kinh doanh thép vẫn rất tiềm năng" ảnh 1

Kinh doanh sắt thép sẽ đóng góp doanh thu chủ yếu cho FLC Global trong vài năm tới

Uyên Phạm thực hiện
Uyên Phạm thực hiện

Tin cùng chuyên mục