Nỗ lực giành lại thị phần trên sân nhà
Nguyễn Hữu Tuất đảm nhiệm cương vị CEO FastGo ở tuổi 35 và trước đó đã có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất đầy nắng và gió Lệ Thủy (Quảng Bình), chàng trai trẻ mang trong mình nhiều đam mê, khát vọng chinh phục những thử thách, trải nghiệm mới. Đó cũng là lý do để anh bắt đầu với FastGo.
CEO FastGo Nguyễn Hữu Tuất.
FastGo được phát triển bởi CTCP Công nghệ MPOS thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Nextech.
Chính thức ra mắt thị trường vào tháng 6/2018 và nhanh chóng nhận được phản hồi tích cực. Chỉ sau 3 tháng ra mắt, FastGo đã có 30.000 xe cá nhân, gần 1.000 taxi của 25 hãng tại Hà Nội tham gia ứng dụng.
Thống kê trên hệ thống của FastGo cho thấy, có 100.000 khách hàng tải ứng dụng và có khoảng 25.000 cuốc khác được yêu cầu, trong đó FastGo đã xử lý cho 5.000 khách hàng đi xe thành công.
Hiện tại, FastGo duy trì được tốc độ tăng trưởng 10% mỗi ngày, đúng với kế hoạch đặt ra ban đầu.
“Lựa chọn và phát triển FastGo không phải là một quyết định bộc phát. FastGo ra đời là sự hội tụ của 3 điều kiện, đó là nền tảng công nghệ và sản phẩm đã được chuẩn bị từ 3 năm trước; thị trường đang mất cân bằng sau khi Uber rút lui và mong mỏi của các đối tác lái xe, khách hàng khi muốn có thêm sự lựa chọn”, CEO Nguyễn Hữu Tuất nhấn mạnh.
“FastGo tự tin vào thành công vì bên cạnh 3 yếu tố trên, ứng dụng còn nhận được sự ủng hộ rất lớn về tinh thần từ các khách hàng, doanh nghiệp, giới truyền thông vì mang lại giá trị cho người Việt, thực hiện ý chí và tinh thần dân tộc của người Việt, tiên phong giành lại thị trường trên sân nhà”, CEO FastGo cho hay.
Là ứng dụng gọi xe thông minh do người Việt sáng lập và vận hành, có những chương trình khuyến mại tốt, giá cước rẻ, thậm chí giờ cao điểm giá rẻ hơn 1/3 so với giá thị trường nên ngay khi ra mắt, FastGo đã nhận được nhiều sự quan tâm của khách hàng. Được biết, tỷ lệ đặt xe thành công của FastGo vào khoảng 60-70%.
Tham vọng chiếm lĩnh 40% thị phần gọi xe thông minh
Khi được hỏi thế mạnh của FastGo là gì và cách CEO FastGo lựa chọn để đối đầu với đối thủ nặng ký Grab là thế nào, vị CEO sinh năm 1983 này thẳng thắn cho hay:
“Thế mạnh của FastGo chính là người đi sau, chúng tôi cung cấp dịch vụ với chính sách tốt hơn cho khách hàng và đối tác lái xe. Cùng với đó, chúng tôi chiến đấu trên sân nhà với sự am hiểu về văn hoá và sự ủng hộ của người dân.
Chúng tôi không đối đầu với taxi truyền thống, mà đang hợp tác để gia tăng khách hàng và hỗ trợ các doanh nghiệp taxi truyền thống nâng cấp công nghệ. Chúng tôi sẽ chinh phục thị trường bằng việc đem lại nhiều giá trị hơn cho khách hàng và đối tác của mình”.
FastGo hướng tới thị trường Đông Nam Á, chứ không chỉ giới hạn trong phạm vi Việt Nam. Chúng tôi đang chuẩn bị các điều kiện để ra mắt 2 thị trường là Indonesia và Myanmar, sau đó tiếp tục mở rộng sang các nước khác. Trong khu vực Đông Nam Á, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam hoàn toàn đủ sức để cạnh tranh và phát triển
- CEO FastGo Nguyễn Hữu Tuất
Xác định không đối đầu với taxi truyền thống, mà coi họ là đối tác để gia tăng lợi ích cho khách đang là một bước đi khôn ngoan của CEO FastGo.
Về đối tượng khách hàng, FastGo hướng đến nhóm khách hàng trẻ, muốn trải nghiệm các dịch vụ mới. Cùng với đó, chiến lược quan trọng của FastGo là cung cấp ngược trở lại công nghệ và khách hàng cho các taxi truyền thống.
FastGo xác định đối thủ lớn nhất hiện nay là Grab. Trước khi FastGo ra mắt, Grab chiếm khoảng 98% thị phần tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tại, ứng dụng Việt này đã giành 10% thị phần.
“Xét về mặt con số, sau 2 tháng phát triển, FastGo tăng gấp 10-20 lần so với Grab. Vì thế, chúng tôi hoàn toàn tự tin rằng, với chiến lược của riêng mình, chúng tôi có thể phát triển nhanh hơn trong thời gian tới”, CEO Nguyễn Hữu Tuất nói.
FastGo đã nhận được vốn đầu tư của VinaCapital và theo như chia sẻ của người đứng đầu ứng dụng này, số tiền nhận được không dưới 3 triệu USD.
Đây là đòn bẩy tài chính quan trọng để FastGo có thể mở rộng và chinh phục thị trường. Xác định mục tiêu rõ ràng, trong năm 2018 sẽ phát triển trên 8 thành phố. Hiện FastGo đang có mặt ở Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng và thời gian tới sẽ mở rộng đến Nha Trang (Khánh Hòa), Vinh (Nghệ An), Hải Phòng, Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang).
Bước sang năm 2019, FastGo dự kiến mở rộng đến 12 tỉnh, thành phố khác trên cả nước. Theo vị thuyền trưởng trẻ tuổi này, việc phủ rộng thị trường sẽ giúp khách hàng của FastGo đi đâu cũng có thể sử dụng được dịch vụ của Công ty. Hiện tại, các chỉ số phát triển của FastGo đều tăng trưởng tốt ở các địa bàn.
Trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư Chứng khoán, liệu có quá tham vọng khi đặt ra mục tiêu chiếm từ 30-40% thị trường gọi xe tại Việt Nam chỉ trong 2 năm? Người đứng đầu của FastGo tự tin khẳng định, mức thị phần này hoàn toàn có thể đạt được.
“Cách đây 2 năm, không ai nghĩ Uber hay Grab có thể nhanh chóng chiếm thị phần của taxi truyền thống như hiện nay. Với thị trường sẵn có và tốc độ tăng trưởng cao hiện tại, , FastGo hoàn toàn có cơ sở và chiến lược thực thi đúng đắn để đạt được con số trên”, CEO Nguyễn Hữu Tuất nhấn mạnh.
Vươn ra quốc tế
Không chỉ tham vọng phủ sóng mạnh mẽ ở thị trường trong nước, CEO Nguyễn Hữu Tuất đã mang ứng dụng này ra nước ngoài và Đông Nam Á là thị trường đầu tiên mà FastGo muốn đánh chiếm.
Những ngày đầu tháng 9/2018, tức chỉ sau 3 tháng ra mắt, CEO FastGo liên tục có những chuyến bay đến Jakarta (Indonesia) để chuẩn bị cho cuộc chiến mới. Điều đáng chú ý, Indonesia là quê hương của ứng dụng gọi xe Go-Jek, vốn đã rất thành công ở thị trường này.
Việc FastGo lựa chọn chuyến xuất ngoại đầu tiên ở thị trường có thế mạnh về gọi xe công nghệ là một nước cờ táo bạo. CEO FastGo chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán:
“FastGo hướng tới thị trường Đông Nam Á, chứ không chỉ giới hạn trong phạm vi Việt Nam. Chúng tôi đang chuẩn bị các điều kiện để ra mắt 2 thị trường là Indonesia và Myanmar, sau đó tiếp tục mở rộng sang các nước khác. Trong khu vực Đông Nam Á, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam hoàn toàn đủ sức để cạnh tranh và phát triển”.
Được biết, hiện nay FastGo đã có văn phòng ở 8 nước và tất cả các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Công ty có sẵn lượng khách hàng lớn với hơn 12 triệu người dùng và 40.000 đối tác doanh nghiệp.
Chia sẻ về quan niệm trong kinh doanh, CEO Nguyễn Hữu Tuất cho hay, kinh doanh là một nghề như bao ngành nghề khác trong xã hội.
Trong môi trường toàn cầu hóa và có sự dẫn dắt của công nghệ, làm kinh doanh rất áp lực và khó khăn. Vì vậy, FastGo phải luôn nỗ lực và sáng tạo không ngừng.
Bên cạnh đó, theo vị CEO trẻ này, thành công hay thất bại chỉ có ý nghĩa trong một thời điểm nhất định trên hành trình đến tương lai của mỗi người, điều quan trộng là phải liên tục cố gắng trên hành trình ấy.
FastGo đang đi bằng sức mạnh của công nghệ, tâm huyết của đội ngũ và niềm tin có thể chinh phục được mọi nẻo đường.