CEO Ernst & Young Việt Nam Trần Đình Cường: “Trong tôi chỉ có một nửa là doanh nhân”

(ĐTCK) Nụ cười luôn nở trên môi, nói chuyện với sự khiêm tốn dù người đối diện là ai, Trần Đình Cường, Tổng Giám đốc Ernst & Young Việt Nam luôn mang lại cảm giác dễ chịu cho những người tiếp chuyện mình.
Ông Trần Đình Cường, Tổng Giám đốc Ernst & Young Việt Nam Ông Trần Đình Cường, Tổng Giám đốc Ernst & Young Việt Nam

Phóng viên Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với anh về giải thưởng “Ernst & Young - Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp” mà anh là người đạo diễn, về tinh thần kinh doanh đang được khơi gợi, về góc nhìn của xã hội đối với “nghề doanh nhân”. Một cuộc trò chuyện thú vị với người tự nhận mình chỉ có “một nửa là doanh nhân”.

Ở góc độ một doanh nhân, nhìn về giải thưởng “Ernst & Young - Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp” do chính mình thực hiện, anh sẽ nói điều gì?

Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, doanh nhân hay bị gắn với những hình ảnh xấu xí, ví dụ thành đạt thì đi kèm là phung phí, giàu có sẽ bị nghi ngờ tài sản không minh bạch… Trong khi đó, do có điều kiện được làm việc với nhiều doanh nhân thành công, cũng như những người trước kia thành công nhưng giờ đây khó khăn và ngược lại, tôi đều thấy có một điểm chung: họ đều là những người làm việc thật, nhiệt huyết. Cho dù có thể từng thất bại, nhưng ý chí, quyết tâm làm việc của họ là phi thường và chúng tôi rất khâm phục tinh thần đó.

Do vậy, chúng tôi nghĩ cần phải vinh danh những doanh nhân này một cách xứng đáng.

Đặc biệt, khi nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển như hiện nay, những tấm gương doanh nhân - những người dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân, dám chấp nhận thất bại là rất hiếm và càng cần được tôn vinh, nêu gương. Họ là những đầu tàu, những người lính xung kích trên mặt trận kinh tế, nên sự thành công hay thất bại, thậm chí hy sinh của họ trên chiến trường này đều đáng được ghi nhận, học tập và là nguồn cổ vũ to lớn cho các thế hệ doanh nhân kế tiếp.

Bản thân là tổng giám đốc một doanh nghiệp lớn và được dư luận đánh giá là một doanh nhân thành đạt. Theo anh, liệu có hay không nghề làm doanh nhân?

Nếu xét về góc độ doanh nhân thuần túy, tôi nghĩ tôi không phải là một doanh nhân, bởi quá trình trưởng thành là làm việc ở Ernst & Young Việt Nam, vững bước về mặt kỹ thuật rồi tham gia công tác quản lý. Đến khi ở vị trí đứng đầu, tôi là người đưa ra quyết sách và điều hành giống như một doanh nhân, nhưng thực chất là “bị ép” thành doanh nhân.

Hay chúng tôi vẫn nói chuyện với nhau rằng, mình là doanh nhân trưởng thành trong điều kiện “chân không”, bởi được hoạt động trong một môi trường tương đối chuẩn tắc nên hầu như tính sáng tạo và ý chí dấn thân khó so sánh được với các doanh nhân khác.

CEO Ernst & Young Việt Nam Trần Đình Cường: “Trong tôi chỉ có một nửa là doanh nhân” ảnh 1

" Nếu xét về góc độ doanh nhân thuần túy, tôi nghĩ tôi không phải là một doanh nhân"

Chúng tôi cũng xả thân nhưng có giáp sắt bảo vệ bởi cả hệ thống sau lưng, có quản trị rủi ro, quản lý chất lượng và các quy trình mang tính cẩn trọng nghề nghiệp cao…, chứ không phải tự mình chiến đấu, tự mình dấn thân, đơn thương độc mã như các doanh nhân trên thương trường. Thực sự, tôi ngay từ đầu đã không phải là doanh nhân theo tiêu chí được đặt ra ở trên.

Dù làm việc trong môi trường thế nào và con đường phát triển ra sao thì ở cương vị hiện nay, anh cũng đã có những thành công nhất định. Vậy, tố chất nào đã giúp anh có được kết quả như ngày hôm nay?

Tôi nghĩ là rất khó để có thể trả lời câu hỏi này bởi có câu “cờ tới tay ai người ấy phất”, chỉ khi ở trong một hoàn cảnh nhất định người ta mới có thể phát huy được năng lực mà trong điều kiện khác không nhận ra. Tôi chỉ tâm niệm rằng, đã làm gì thì phải hiểu thấu đáo, làm cho đến cùng và rất khó để bắt tôi bỏ cuộc.

Cho dù cái gọi là thành công hay không khó đo lường được, bởi có người nhìn thế này là thành công nhưng người khác lại nhìn theo hướng khác. Nhưng, theo tôi, tố chất giúp mình đạt được kết quả ngày hôm nay là sự độ lượng. Tôi không đứng ở vị trí lãnh đạo để nói đến từ này, mà ở tư cách mình được làm việc chung với cả nghìn con người, ai cũng có ít nhất 1 bằng đại học, chưa kể thạc sỹ, tiến sỹ, giải quốc tế…

Họ đều là những con người rất tài năng, do vậy, nếu chúng ta không độ lượng, tôn trọng lẫn nhau, ai cũng đặt cái tôi của mình lên trên hết thì rất khó để đoàn kết, cùng hướng về mục tiêu chung, đạt được thành công chung. Tôn trọng và độ lượng với nhau là yếu tố mấu chốt tạo nên thành công của cá nhân tôi nói riêng và để Ernst & Young Việt Nam nói chung thực sự lớn mạnh, phát triển.

Dẫu vậy, vẫn có những nhân viên Ernst & Young Việt Nam chuyển ra ngoài, thậm chí sang một công ty kiểm toán khác. Anh cảm nhận thế nào mỗi khi nhận được tờ đơn xin chuyển việc của nhân viên mình?

Việc các cá nhân chuyển ra công ty ngoài có nhiều lý do: hoàn cảnh gia đình, thay đổi công việc, mục tiêu, sự nghiệp… Hơn nữa, việc chuyển đổi công việc của các nhân viên tại các công ty chuyên nghiệp là điều không thể tránh khỏi cả ở Việt Nam và trên toàn thế giới.

Những người ở lại với Ernst & Young đều đáp ứng được các tiêu chí về giá trị của Công ty. Do vậy, chúng tôi xác định rõ đối tượng, bồi dưỡng, đào tạo, kèm cặp để họ phát triển, yên tâm công tác.

Nhưng kể cả những người đã được quy hoạch mà muốn thay đổi công việc, môi trường, tích lũy thêm kinh nghiệm khác thì tôi cũng hoan nghênh. Bởi như tôi đã đề cập, nếu chúng ta cứ trưởng thành bằng cách tuần tự đi lên từ đây, chúng ta sẽ trở thành những doanh nhân bất đắc dĩ như chính tôi đây. Trong tôi chỉ một nửa là doanh nhân, đó là giới hạn khi làm việc tại Ernst & Young Việt Nam. Do vậy nếu tích lũy được kinh nghiệm khác hay có những va chạm khác thì sẽ tạo ra những doanh nhân cứng cáp hơn, toàn hiện hơn.

CEO Ernst & Young Việt Nam Trần Đình Cường: “Trong tôi chỉ có một nửa là doanh nhân” ảnh 2

"Tố chất giúp mình đạt được kết quả ngày hôm nay là sự độ lượng"

Vấn đề quan trọng là cần phải có ghi nhận kịp thời đối với người xuất sắc và người phù hợp với nghề để có những tham vấn phù hợp trong công việc. Do vậy, có rất nhiều người đã ra đi và quay lại. Đó cũng là minh chứng cho việc, nếu chúng ta xây dựng được văn hóa mà mọi người thấy mình được đại diện cho giá trị của mình, được đóng góp cho giá trị chung thì sẽ xây dựng được đội ngũ mang bản sắc riêng và các cá nhân đã ra đi có thể lại quay về.

Có những trường hợp nào anh thấy thực sự tiếc?

Có chứ, có những trường hợp tôi phải suy nghĩ rất nhiều, thậm chí mất ăn mất ngủ vì không thể hiểu được tại sao mọi thứ đang rất tốt đẹp, họ được quan tâm, chăm sóc đầy đủ mà vẫn cần một cái khác. Điều này cũng khiến tôi có những lo lắng, băn khoăn và mất tự tin.

Nguyện vọng, tâm tư của mỗi người đôi khi tôi không biết hết được, nhưng cũng có những cá nhân chuyển việc vì muốn dấn thân vào “cuồng phong” để thể hiện được bản lĩnh của mình. Tôi tôn trọng và ủng hộ quyết định của mọi người khi cơ hội đến.

Tôi không đứng ở vị trí lãnh đạo để nói đến từ này, mà ở tư cách mình được làm việc chung với cả nghìn con người, ai cũng có ít nhất 1 bằng đại học, chưa kể thạc sỹ, tiến sỹ, giải quốc tế…

Có những người rời khỏi công ty để sang doanh nghiệp là đối thủ cạnh tranh thì từ mặt, hiềm khích, thù hận, nhưng đối với tôi không có những điều đó. Sau này gặp nhau vẫn nói chuyện, chia sẻ bình thường về đam mê hay thậm chí về công việc. Nếu là nơi mọi người nghĩ rằng vẫn có thể phát huy được khả năng và luôn thật lòng, người ta sẽ quay lại và tôi luôn đón chào.

Do đó, có không ít người ra đi rồi lại quay lại khiến tôi an tâm hơn vì đã làm hết sức và cứ làm những điều tôi tin là đúng. Có thể hoàn cảnh thúc bách khiến chúng ta phải rời xa nhau, nhưng mọi việc cứ để tùy duyên.

Anh làm thế nào để cân bằng giữa công việc căng thẳng và cuộc sống cá nhân của mình?

Có những lúc phải tập trung cao độ và quyết liệt để giải quyết dứt điểm công việc, nhưng cũng có lúc buộc phải tạm dừng. Ở góc độ công việc thì không có ngày tốt hay xấu, nhưng xét về mặt tâm lý, tôi cho rằng, có những ngày tốt và có ngày xấu. Có những ngày không thể nào giải quyết được công việc mà hết việc này lại dồn dập đến việc khác, mọi việc đều bừa bộn, ngổn ngang…

Nếu chưa quá khẩn cấp, tôi sẽ tạm dừng, không nghĩ đến việc đó nữa, chuyển sang công việc khác. Khi ngày mai đến, với suy nghĩ tươi mới, tỉnh táo hơn, không chừng có thể phát hiện ra phương án giải quyết rõ ràng.

Tất nhiên, muốn giữ được cân bằng, cần phải giữ thể lực, tập luyện thể thao hoặc những gì mình thấy phù hợp, giúp đầu óc được nghỉ ngơi, thư giãn. Để giữ cân bằng cuộc sống, chúng ta phải chủ động tự tìm ra con đường phù hợp với bản thân mình, không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh, hay kêu ca, khóc lóc…

Nhân viên của anh “mách”, phải ra sân bóng đá để hiểu rõ về anh?

Đá bóng giúp tôi cân bằng trong cuộc sống và ra sân là không còn khoảng cách giữa nhân viên và sếp. Tính tôi đã làm gì thì làm hết mình, nên tôi muốn mọi người chơi trên sân bóng cũng phải cháy hết mình. Đây có lẽ là môn thể thao thể hiện rất rõ tính cách của tôi, muốn làm tốt nhất và tốt hơn nữa trong khả năng của mình, do vậy mới đòi hỏi cao ở bản thân cũng như mọi người.

Ở sân bóng, tôi chơi ở vị trí tiền vệ, thường là người kiến thiết: vừa phải lo phòng thủ, vừa phải lo tấn công, rồi tổ chức và kiến tạo cơ hội để tiền đạo ghi bàn nên khi được hoạt động một cách bản năng sẽ bộc lộ hết bản chất: cũng hiếu thắng, quyết liệt, cũng có máu chỉ đạo một chút.

Cách thể hiện của tôi khi chơi bóng cũng thể hiện công việc của người làm kiểm toán: chỉ tập trung vào vấn đề, làm tốt đến mấy nhưng có một vài vấn đề chưa làm được thì kiểm toán phải nói ra. Kiểm toán không nói là anh làm tốt 10 điểm, không được 2 điểm mà sẽ nói ngoại trừ 2 điểm anh chưa làm tốt, phần còn lại là tốt. Nó thể hiện tư duy thẳng, nói ngay vào vấn đề.

Bây giờ tôi không chơi bóng đá nữa do cũng không còn trẻ, nhưng vẫn luôn đều đặn ra sân cổ vũ đội bóng. Nếu như trên sân bóng, tôi sẽ dàn hòa khi thấy các đồng nghiệp trẻ phê bình nhau gay gắt, trên sân là phải tập trung chơi và thưởng thức trận đấu thì tại những cuộc họp, tôi cũng phải phân tích và nói về những điểm tốt. Bởi việc chỉ nói những khuyết điểm sẽ khiến người nghe mất tự tin, khiến họ chỉ nghĩ đến chuyện khắc phục điểm yếu mà quên đi điểm mạnh. Các bạn trẻ cần sự ghi nhận, động viên kịp thời, cần sự tự tin. Tư duy quản trị của tôi đã thay đổi dẫn đến tư duy về thể thao tự nhiên cũng thay đổi.

Nhuệ Mẫn thực hiện

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục