CEO DRH Holdings và chiến lược “đi tắt đón đầu”

(ĐTCK) Sử dụng chiến lược mua bán, sáp nhập (M&A) khéo léo, xác định con người là tài sản vô giá và là yếu tố quan trọng trong chuỗi giá trị bền vững của doanh nghiệp, doanh nhân Phan Tấn Đạt, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc của cả hai công ty lớn là DRH Holdings và Công ty Xây dựng Khoáng sản Bình Dương (KSB) đã từng bước lèo lái doanh nghiệp hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
CEO DRH Holdings và chiến lược “đi tắt đón đầu”

Đi lên bằng con đường M&A

Sinh ra và lớn lên ở miền Trung xứ Quảng, năm 2002, Phan Tấn Đạt vào TP.HCM học đại học, sau đó làm việc tại Ngân hàng Eximbank. Năm 2006 - 2007, thời điểm bùng nổ của thị trường chứng khoán, Eximbank thành lập Phòng Đầu tư và Đạt là nhân sự của phòng. Khoảng thời gian này, Eximbank đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau như tài chính, chứng khoán, bất động sản... Nhiệm vụ của Đạt là nghiên cứu đầu tư mua lại cổ phần của nhiều doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp địa ốc.

CEO DRH Holdings và chiến lược “đi tắt đón đầu” ảnh 1

Doanh nhân Phan Tấn Đạt

“Sau 8 năm làm việc tại Eximbank, kinh qua nhiều vị trí khác nhau, từ nhân viên, chuyên viên, đến Phó giám đốc Đầu tư..., tôi đã chứng kiến nhiều thăng trầm của thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản, rút ra được không ít bài học về đầu tư cho bản thân”, ông Đạt nói.

Ý nghĩ ra làm riêng xuất hiện từ năm 2014, thời điểm cuộc khủng trên thị trường bất động sản bước vào giai đoạn cao trào, nhiều doanh nghiệp địa ốc nợ ngân hàng chồng chất, rơi vào khủng hoảng, không còn khả năng cầm cự, nên muốn bán tài sản với giá khá rẻ. Nhận thấy nhiều cơ hội hình thành trong khủng hoảng, ông Đạt và những anh em thân quen bắt tay vào việc góp vốn đầu tư.

“Thời gian đầu, chúng tôi chỉ tham gia mua đi, bán lại rồi hưởng chênh lệch. Nhưng sau đó nghĩ lại, làm vậy thì hiệu quả không cao, không làm lớn được. Muốn làm lớn thì phải có doanh nghiệp và phải là doanh nghiệp niêm yết để có điều kiện huy động vốn”, ông Đạt kể lại và cho biết, từ suy nghĩ này, họ thực hiện chiến lược săn tìm doanh nghiệp để mua lại.

Công ty cổ phần Đầu tư Căn nhà mơ ước (DRH) - doanh nghiệp kinh doanh địa ốc đã niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM đã lọt vào tầm ngắm của nhóm cổ đông Phan Tấn Đạt. Thật ra, trước khi chọn DRH, họ đã tìm kiếm và đàm phán với khá nhiều doanh nghiệp khác. Quyết định mua lại DRH chủ yếu là mua cái vỏ, bởi tài sản của DRH lúc đó chỉ đủ để xử lý vấn đề của doanh nghiệp.

“Tài sản không nhiều, vốn thấp, giá cổ phiếu hơn 5.000 đồng/cổ phiếu, nhưng chúng tôi vẫn quyết định mua lại DRH với giá cao hơn mệnh giá, bởi đây là doanh nghiệp niêm yết có đủ điều kiện để xây dựng một chiến lược phát triển mới”, ông Đạt kể.

Nhiều dự án được “hồi sinh”

Cuối tháng 6/2015, thương vụ thâu tóm DRH thành công, ông Đạt và các cổ đông mới chính thức vào điều hành, bắt đầu tái cơ cấu doanh nghiệp một cách quyết liệt và toàn diện. Trước đó, dù mang danh nghĩa là công ty bất động sản, nhưng DRH hoạt động chủ yếu là phân phối và đầu tư thứ cấp. Nguồn doanh thu chính để DRH tồn tại là mảng phân bón.

Sau khi tái cơ cấu, DRH đặt ra định hướng hoạt động mũi nhọn là đầu tư bất động sản, trong 3 năm, ít nhất phải trực tiếp đầu tư từ 3 - 5 dự án. Trong chiến lược lâu dài, DRH sẽ trở thành doanh nghiệp hàng đầu hoạt động theo mô hình holdings.

Tham vọng lúc đó của DRH quả thật khiến không ít người hoài nghi, bởi ông Đạt và những cộng sự đều còn khá trẻ, thuộc thế hệ 8X. Tuy nhiên, sau 3 năm theo dõi bước đi của DRH, chứng kiến những gì mà DRH đã làm, những hoài nghi đã dần tan biến, khi hầu hết các mục tiêu đặt ra đều được thực hiện.

“Lúc mới tham gia điều hành DRH, tôi gặp không ít khó khăn. Chính thức nhận bàn giao DRH từ giữa năm 2015, nhưng đến cuối năm 2015 và đầu năm 2016 vẫn chưa đầu tư được gì, mà chủ yếu loay hoay với vấn đề sổ sách, xử lý lại các công ty con, lo bài toán nhân sự. Phải mất một năm sau, tức là đến giữa năm 2016, việc tái cơ cấu của DRH mới cơ bản hoàn thành và Công ty bắt đầu thực hiện chiến lược đầu tư”, ông Đạt chia sẻ.

Giữa năm 2016, DRH công bố thông tin về việc nhận chuyển nhượng các dự án, như dự án Khu căn hộ phức hợp 177 - Huỳnh Tấn Phát (quận 7, TP.HCM) và một số dự án ở các địa phương khác. Đầu năm 2017, dự án đầu tay của DRH là Khu căn hộ cao cấp D-Vela tại quận 7, TP.HCM được đầu tư xây dựng thành công và đang trong giai đoạn bàn giao nhà cho khách hàng.

Sau dự án D-Vela, DRH đã mua lại và đầu tư thành công dự án Cetral Garden tại Bình Dương. Cuối năm 2017, DRH tiếp tục đầu tư xây dựng và triển khai bán hàng thành công dự án Aurora tại quận 8, TP.HCM. Năm 2018, DRH cũng khai thành công dự án Khu phức hợp thương mại Symbio Garden tại quận 9, TP.HCM.

Như vậy, chỉ sau 3 năm, từ một doanh nghiệp không có gì, DRH đã triển khai thành công 4 dự án bất động sản. Vừa qua, Công ty đã mua lại thành công một dự án có quy mô 74 ha tại Bình Thuận là dự án Khu du lịch sinh thái biển Lạc Việt. Dự án có vốn đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng.

Bên cạnh những dự án trên, DRH cũng đã âm thầm thu gom nhiều quỹ đất khác tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Phan Thiết…, bởi theo CEO Phan Tấn Đạt, với một doanh nghiệp đầu tư bất động sản, tạo lập quỹ đất để phát triển dự án là mục tiêu đặc biệt quan trọng. Đặc biệt, trong bối cảnh thủ tục pháp lý để thực hiện dự án ngày càng khó khăn, việc sử dụng phương thức M&A có thể được xem là chiến lược đi tắt, đón đầu hiệu quả nhất.

Hướng đến mô hình Holdings

Ba năm là một khoảng thời gian không quá dài đối với một doanh nghiệp đầu tư bất động sản, nhưng DRH đã làm được những điều dường như không tưởng. Song theo ông Đạt, đây mới chỉ là thời điểm bắt đầu.

“Lĩnh vực bất động sản dù còn nhiều tiềm năng để phát triển, nhưng nếu chỉ đơn thuần đầu tư bất động sản rồi bán đi thì chỉ là một tích lũy tư bản. Muốn đi đường dài, phải phát triển mô hình bất động sản khai thác như bất động sản cho thuê, văn phòng, khách sạn, thương mại...”, ông Đạt nói.

Tham vọng sắp tới của DRH là trở thành doanh nghiệp hoạt động theo mô hình holdings. Khởi đầu cho chiến lược mới này, DRH đã chính thức đổi tên thành DRH Holdings.

“Công ty đã bước đầu phát triển theo mô hình tập đoàn và thời gian tới, sẽ tiếp tục mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác”, ông Đạt nói.

Hiện nay, DRH Holdings đã sở hữu hơn 28% cổ phần của Công ty cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB), một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực khoáng sản, đá xây dựng. Năm 2019, KSB đặt kế hoạch doanh thu 1.400 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 400 tỷ đồng. Nửa đầu năm, Công ty ước đạt khoảng 602 tỷ đồng doanh thu, 190 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Ông Đạt cho biết, KSB dự kiến sẽ hoàn thành kế hoạch sản xuất của năm 2019.

Kế hoạch đến năm 2020, KSB sẽ trở thành nhà cung cấp sản phẩm vật liệu xây dựng, đặc biệt là đá xây dựng chất lượng cao hàng đầu Đông Nam Bộ nhờ sáng tạo, tiêu chuẩn hóa các sản phẩm, dịch vụ và đặc biệt là thông qua mở rộng nguồn tài nguyên, quy mô hoạt động với việc đẩy mạnh hoạt động M&A.

Hiện nay, KSB đang rốt ráo tiến hành M&A những doanh nghiệp cùng nghành sở hữu mỏ đá lớn, chất lượng tốt để trước là thay thế cho mỏ Tân Đông Hiệp sẽ đóng cửa vào cuối năm 2020 và sau là tăng gấp đôi số lượng mỏ đá trong vòng ba năm tới.

Chia sẻ về bí quyết dân đến thành công, doanh nhân Phan Tất Đạt cho rằng, bên cạnh chiến lược phù hợp, con người là tài sản vô giá và là yếu tố quan trọng trong chuỗi giá trị bền vững của doanh nghiệp. Cũng như các tài sản khác, nguồn nhân lực cần được tiếp tục đầu tư để đảm bảo người lao động phát huy hết năng lực và mang lại những sáng kiến cải tiến.

Nằm 2019, Phan Tấn Đạt đã vinh dự được xướng tên trong Top 10 doanh nhân trẻ xuất sắc nhất tại Giải thưởng Sao Đỏ như một minh chứng cho sự phấn đấu và thành công. Nói như Phan Tấn Đạt: “Đây chỉ là thành công bước đầu, con đường phía trước chắc chắn có không ít khó khăn, trở ngại. Nhưng khó khăn nào cũng có lối ra, điều quan trọng nhất là chúng ta phải có đam mê, khát vọng, sự tận tâm và chiến lược rõ ràng, thì thành công ắt sẽ đến”.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tăng Triển
Báo Đầu tư Bất động sản Tết Canh Tý

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục