Từ góc nhìn thú vị
Học chuyên Hóa, từng thi đỗ Học viện Kỹ thuật Quân sự, nhưng cuối cùng lại học khoa Cầu đường, Ðại học Giao thông Vận tải và rồi trở thành CEO một công ty bất động sản. Ði lên vị trí điều hành từ một nhân viên, đó là khái quát chặng đường hơn 20 năm “tự lớn” của vị CEO này.
Việc vừa làm vừa học và là dân kỹ thuật “chính hiệu” đã tạo cho CEO Ðào Văn Duy cách quy mọi câu chuyện về góc nhìn kỹ thuật, nhìn nhận các vấn đề hoàn toàn là kỹ thuật. Là người điều hành doanh nghiệp, Ðào Văn Duy quan niệm mô hình giải quyết các bài toán tài chính cũng không khác nhiều so với mô hình của các bài toán kỹ thuật.
“Cơ bản là người giải quan niệm đối tượng của mình là gì, như thế nào. Người làm xây dựng thì đối tượng nghiên cứu là bê tông, cốt thép, địa chất, địa hình…, người làm lĩnh vực tài chính thì đối tượng là nền kinh tế, thị trường, các chỉ tiêu kinh tế… Bản chất của đối tượng trong các lĩnh vực là những con số rời rạc hoặc cũng có thể có những mối quan hệ với nhau, người xử lý phải thông qua những công cụ, nền tảng kiến thức căn bản để ra được những quy luật, sơ đồ tính toán hoặc lựa chọn phù hợp. Công cụ cơ bản như nhau, chỉ là sự thay đổi về mặt đối tượng”, anh ví dụ.
…Đến “triết lý hài hòa”
Làm CEO bất động sản, người chủ doanh nghiệp không chỉ phải lo đến lợi ích của công ty, các cổ đông, mà còn phải hài hòa với lợi ích của cộng đồng. Có vậy mới có thể phát triển bền vững. Ðây là quan điểm nhất quán mà CEO Ðào Văn Duy tự đề ra cho mình trong quá trình điều hành doanh nghiệp.
Vị CEO này dễ khiến người đối diện bị lôi cuốn vào những vấn đề tưởng chừng khô khan. Kể cả nói về kinh tế hay dự án, cách anh đưa ra vấn đề và trình bày nó luôn thật thú vị và đặc biệt dễ hiểu.
Trong khoảng 4 giờ trò chuyện, vô tình, nội dung chính bên ly cà phê lại xoay quanh câu chuyện hài hòa lợi ích. Theo anh, tiêu chí căn bản khi làm CEO trước hết phải giúp doanh nghiệp tồn tại trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt.
Sau đó, mang lại quyền lợi cho cổ đông và người lao động. Nhưng quan trọng hơn, trong quá trình đó, phải nhìn thấy lợi ích và trách nhiệm của doanh nghiệp trong xã hội, phải cân bằng để hài hòa giữa hai lợi ích này, cả hai phải song hành, không được nâng bên nào cao, bên nào thấp.
Khi tôi hỏi, cổ đông bao giờ cũng muốn tối đa hóa lợi nhuận, nên câu chuyện hài hòa có vẻ không dễ thực hiện? Anh cười và bảo: “Ðiều đó có thể đúng ở nơi khác, còn ở doanh nghiệp của anh, các cổ đông, các thành viên hội đồng quản trị rất lắng nghe các phân tích đa chiều của Ban điều hành. Ðã làm kinh doanh, ai cũng đều muốn có lợi nhuận cao, nhưng là người điều hành, mình phải phân tích cho mọi người cùng thấy lợi ích cộng đồng và doanh nghiệp để từ đó chọn điểm “hài hòa” nhất có thể”.
Tôi hỏi: Vậy còn giải pháp? Như chạm vào vấn đề tâm huyết, anh say mê phân tích về cách thức tiếp cận, giải quyết vấn đề.
Ví dụ khi phát triển một đô thị, nếu doanh nghiệp chọn giải pháp quy hoạch có mật độ cao, tức có khối lượng lớn, thì suy nghĩ đơn thuần sẽ có doanh thu và lợi nhuận lớn. Logic là vậy, nhưng còn một cách làm cũng rất logic, đó là không chọn khối lượng lớn mà lựa chọn khối lượng vừa phải nhưng vẫn đảm bảo kết quả tương tự.
Anh phân tích sâu hơn, nếu giảm mật độ ở mức vừa phải thì sẽ tăng được hạ tầng đường sá, tiện ích, như vậy giảm khối lượng bán nhưng sự hấp dẫn của đô thị tăng lên, tính thanh khoản của dự án tốt, giá bán có thể tăng, kết quả khi kết thúc dự án thì lợi nhuận có thể tương đương nhau.
Khách hàng được hưởng chất lượng cao hơn, chủ đầu tư tạo dựng được sản phẩm tốt, từ đó có thương hiệu. Do đó, đôi khi chưa chắc chọn khối lượng lớn nhân đơn giá thấp đã hiệu quả bằng khối lượng nhỏ nhân với đơn giá cao. Ðiều này chỉ khác nhau về cách tiếp cận và quan điểm làm dự án.
Vì khách hàng, cộng đồng
Anh nói đến đây, tôi lại nhớ, cách đây chừng 3 tháng, chính công ty anh đã bắt tay cùng một doanh nghiệp công nghệ để áp dụng công nghệ thông minh cho các khu đô thị, chuỗi khách sạn mà VIID đang triển khai. Việc bổ sung thêm yếu tố thông minh vào dự án không nằm ngoài chiến lược gia tăng giá trị sản phẩm, mang đến cho khách hàng nhiều hơn những sản phẩm chất lượng.
Trong cuộc chuyện trò, tôi nhận thấy, CEO Ðào Văn Duy luôn thể hiện lòng hàm ơn với những người anh, người chị đi trước khi đã dìu dắt, tạo điều kiện cho anh được học hỏi phát triển, trưởng thành. Gặp và làm việc với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, tôi thấy, hình như đây cũng là nét tính cách không thể thiếu, dẫu mỗi người có một cách thể hiện khác nhau.
Là người điều hành một doanh nghiệp bất động sản, Ðào Văn Duy đang trăn trở với việc cải tạo chung cư cũ. Anh và các cộng sự đã từng lập một đề án cải tạo chung cư cũ với cách tiếp cận khác và vẫn theo triết lý như anh chia sẻ là không đặt mật độ, tầng cao hay số lượng sản phẩm lên hàng đầu.
Theo đề án này, nhà đầu tư sẽ dùng quỹ đất hiện hữu của các khu chung cư cũ để triển khai một vài tòa nhà cao tầng, giúp gom dân và tái định cư tại chỗ, diện tích còn lại, sẽ mở rộng đường xá, xây dựng các công trình công cộng, nhà công vụ, nhà thấp tầng. Cách làm này sẽ giải quyết đồng thời được nhiều vấn đề vốn tồn tại và là điểm nghẽn khi cải tạo chung cư cũ.
Ðó là: hài hòa quyền lợi nhà nước, người dân, chủ đầu tư; tái định cư tại chỗ, tránh xáo trộn đời sống người dân, dễ nhận được sự đồng thuận; hầu như không làm thay đổi dân số khu vực; có thể áp dụng để cải tạo nhiều khu chung cư cũ đã xuống cấp,...
CEO Duy cho biết, anh và các anh em đã dành nhiều thời gian nghiên cứu đề án này. VIID hoặc một đơn vị nào khác sẽ thực hiện, miễn sao đề án được triển khai để giúp người dân có được chỗ ở mới an toàn, khang trang.
Nói VIID là doanh nghiệp xã hội thì không đúng, nhưng có lẽ, bảo VIID đang là doanh nghiệp có nhiều nỗ lực vì cộng đồng xã hội thì chẳng sai. Còn nhiều kế hoạch, dự định mà CEO Duy và các đồng sự đang ấp ủ. Mong sao, với cách làm và tiêu chí “hài hòa lợi ích doanh nghiệp, cộng đồng”, VIID sẽ sớm vươn mình lớn mạnh.