CEO của Best Buy mất chức vì thói trăng hoa

(ĐTCK) Mới đây, ông Brian Dunn, 52 tuổi, Giám đốc điều hành (CEO) Best Buy Co., tập đoàn kinh doanh chuỗi siêu thị điện máy lớn nhất Mỹ đã đột ngột đệ đơn xin từ chức mà không có lý do rõ ràng.
Brian Dunn

Sau đó, có nhiều nguồn tin tiết lộ rằng, ông này đã bị phát hiện là có quan hệ bất chính với một nữ nhân viên dưới quyền, 29 tuổi (trẻ hơn ông tới hơn 20 tuổi) trong một thời gian dài.

Ở Mỹ, chuyện trăng hoa kiểu này cũng được coi là bình thường, song ông này lại dùng tiền của Tập đoàn để đãi bồ, nên mới sinh chuyện, nhất là trong bối cảnh Best Buy đang bị lỗ nặng. Trong quý I/2012, Best Buy bị lỗ tới 1,23 tỷ USD, mức lỗ cao nhất của một quý trong vòng 46 năm tồn tại của mình. Hơn thế nữa, giá cổ phiếu của Best Buy cũng giảm tới 29% trong vòng 1 năm qua, hiện dao động ở mức trên dưới 22 USD/cổ phiếu. Vì thế, Best Buy đã thuê hẳn Công ty luật WilmerHale có trụ sở chính ở Washington D.C, để điều tra xác minh mọi diễn biến liên quan đến vụ scandal này nhằm có biện pháp xử lý. Nhằm tránh mọi điều tiếng, ông đã tự giác xin từ chức.

Cuối tuần qua, Best Buy đã công bố đền bù cho ông một khoản tiền trị giá 3,35 triệu USD, trong đó có 1,15 triệu USD bằng cổ phiếu và 2,2 triệu USD bằng tiền mặt.

Theo một số người thạo tin, mức đền bù này là quá hậu hĩnh với ông Brian Dunn, bởi nếu chiểu theo hợp đồng, trong trường hợp đơn phương từ chức hay bị sa thải thì ông không nhận được khoản tiền mặt 2,2 triệu USD. Song ông Greg Hitt người phát ngôn của Best Buy đã khẳng định: “Không có những bất đồng giữa ông Brian Dunn và Tập đoàn về bất kỳ vấn đề nào liên quan đến các hoạt động kinh doanh, kiểm soát tài chính, chính sách... Ông Brian Dunn ra đi theo thoả thuận giữa hai bên. Best Buy không nỡ lòng nào để ông bị thiệt thòi sau gần 28 năm cống hiến cho Tập đoàn”.

Ông Brian Dunn mới lên nắm quyền CEO chưa đầy 3 năm, kể từ tháng 6/2009.

Best Buy đã chỉ định G. Mike Mikan, một nhà quản lý cao cấp, làm việc ở đây từ năm 2008 lên đảm nhiệm vị trí CEO tạm thời, thay cho ông Brian Dunn cho đến khi tìm được một nhà lãnh đạo mới. G. Mike Mikan trước đây từng giữ chức Phó chủ tịch và Giám đốc Tài chính (CFO) của UnitedHealth Group; CEO của Optum, một công ty chuyên cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và là công ty thành viên của UnitedHealth.

Việc Best Buy tìm CEO có thể mất đến từ 6 đến 9 tháng. Ngay từ bây giờ, 2 cái tên đã được nhắc tới. Đó là ông Paul Raines, CEO của Gamestop Corp. và Darren Jackson, CEO của Advance Auto Parts Inc. Ông Richard Schulze, người sáng lập ra Best Buy hiện sẽ tiếp tục đảm nhận chức Chủ tịch.

Sự ra đi của ông Brian Dunn diễn ra trong bối cảnh Best Buy đang phải rất vất vả cạnh tranh với sự vươn lên mạnh mẽ của các hãng bán lẻ trực tuyến. Điểm mạnh của mô hình kinh doanh trực tuyến mà tiêu biểu là Amazon là không phải mất các khoản chi phí như thuê mặt bằng, tồn kho sản phẩm, nên họ có thể cung cấp sản phẩm với giá thấp hơn so với Best Buy và các công ty bán lẻ truyền thống khác, như Wal - Mart, Target... Hơn nữa, Best Buy lại không biết khai thác cơ hội khi 3 đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Circuit City, Comp USA và Crazy Eddie lần lượt bị phá sản. Thêm vào đó, mảng thương mại điện tử của Best Buy rất yếu. Cụ thể, trong dịp Giáng sinh 2011, hàng nghìn đơn đặt hàng qua mạng không được đáp ứng, khiến cho Best Buy mất khách.

Mới đây, Best Buy đã thông báo kế hoạch ngay trong năm nay, sẽ đóng cửa 50 trong tổng số hơn 1.100 cửa hàng ở Mỹ và sa thải 400 nhân viên để giảm chi phí, với hy vọng đến năm 2015 sẽ tiết kiệm được 800 triệu USD. Đổi lại, Tập đoàn dự định sẽ mở 100 cửa hàng khác với quy mô nhỏ hơn nhiều, mang tên Best Buy Mobile.

Với thị phần 19% hàng điện máy của thị trường Mỹ, năm 2011, Best Buy có tổng doanh thu toàn cầu là 50,3 tỷ USD; lợi nhuận thuần đạt 1,28 tỷ USD và tổng tài sản 17,8 tỷ USD.

Trở lại với trường hợp ra đi có phần đường đột của ông Brian Dunn. Ông này phát biểu: “Tôi cảm thấy rất lưu luyến với Best Buy, với quãng thời gian 28 năm gắn bó với Best Buy. Tôi thực sự thấy tự hào vì những người đồng nghiệp, cộng sự của mình và tôi chúc họ những điều tốt đẹp nhất”.

Có ý kiến cho rằng, dù bị dính “phốt” tương tự, song ông Mark Hurd, nguyên CEO của Hewlett-Packard Co. được nhận tới 40 triệu USD tiền đền bù, còn ông Brian Dunn nhận mức đền bù... hơi hẻo. So sánh là khập khiễng, bởi ông Brian Dunn đi lên từ vị trí bán hàng, lại chưa từng bước chân vào ngưỡng cửa đại học. Lại có người bảo rằng, ông Brian Dunn sướng không biết đường sướng, leo đến chức cao như vậy, trong khi đường học hành chẳng có gì nổi trội. Ở nhà có vợ và 3 con trai, đề huề như thế mà vẫn có thói trăng hoa, thì cũng là đáng đời.


Trung Hiếu (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục