>> CEO Bùi Quang Ngọc: Tôi làm Tổng giám đốc tốt hơn cho FPT
>>Thách thức nào chờ CEO 4.0 của FPT?
Tôi hỏi Bùi Quang Ngọc, đã có ai từng nói với ông, nhìn ông giản dị và chất phác, chẳng hề giống Tổng giám đốc một tập đoàn lớn như FPT, thì ông cười rất sảng khoái: “Rất nhiều. Nhưng con người bên trong của tôi không giống vẻ bề ngoài này đâu”. Và đúng là càng nói chuyện, càng thấy ông… ghê gớm hơn vẻ bề ngoài rất nhiều.
1.
Thực ra, đó chính là cảm giác của tôi khi lần đầu tiên có dịp tiếp xúc với Bùi Quang Ngọc, kể từ khi ông chính thức ngồi vào chiếc “ghế nóng” của FPT vào ngày 31/7/2013.
Trông ông có vẻ hiền lành, chất phác, giản dị, trầm bình, như một nhà khoa học, khác hẳn với Chủ tịch Trương Gia Bình, lúc nào cũng rất phong độ, rổn rảng nói cười, đúng “chất” ngoại giao.
“Trông bề ngoài vậy thôi, chứ những người ở gần tôi lâu đều biết tôi là một nhà lãnh đạo khó tính, khắt khe với nhân viên, thích làm việc khó và cũng yêu cầu nhân viên làm nhiều việc khó”, Bùi Quang Ngọc nói, rồi kể rằng, chuyện ông đập bàn, quát mắng nhân viên là rất thường.
“Tôi rất nóng tính, có lẽ cũng phải cố gắng để sửa”, ông cười.
Thảo nào, lọ mọ tìm kiếm thông tin về Bùi Quang Ngọc, mới hay rằng, nhân viên ở FPT gọi ông là “nỗi kinh hoàng trong các cuộc họp”.
Hẳn là thế, nếu hình ảnh thường thấy là một vị sếp khó tính, hay đập bàn, đập ghế quát mắng nhân viên.
Nhưng tôi cũng hiểu, đó là cách nói vui, mà ẩn chứa trong đó là sự kính trọng mà mỗi nhân viên FPT dành cho Bùi Quang Ngọc, một con người chính trực, thẳng thắn và kiên định, người luôn gắn với những thành công vang dội của FPT trong 25 năm qua.
Đó là thành công trong các dự án cung cấp hệ thống thiết bị tin học cho các ngân hàng Công thương, Đầu tư và Phát triển, Hàng hải, những dự án tin học lớn nhất Việt Nam từ đầu những năm 1990, rồi Dự án Triển khai hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc cho Bộ Tài chính, mà ngay cả IBM cũng phải bó tay. Cả chuyện giải quyết vô vàn các vấn đề liên quan đến quản trị nội bộ ở FPT, một tập đoàn hoạt động trong rất nhiều ngành khác nhau, với mô hình kinh doanh, quản lý, tổ chức khác nhau.
CEO Bùi Quang Ngọc: "tôi là một nhà lãnh đạo khó tính, khắt khe với nhân viên"
Thảo nào, người FPT gọi Bùi Quang Ngọc là một nhà quản trị xuất sắc. Họ bảo, ông là người luôn tiên phong trong việc hiện đại hóa hệ thống quản trị FPT và có nhiều kinh nghiệm quản trị các dự án lớn, phức tạp, cần huy động nhiều nguồn lực khác nhau của Tập đoàn.
Tôi thì không hiểu nhiều lắm về cái mớ rối rắm liên quan đến quản trị doanh nghiệp, chỉ thắc mắc một điều, ông ở FPT đã 25 năm, vậy thì tư duy sẽ cũ, mà cách điều hành có lẽ ít có đột biến chăng?. Vậy thì làm thế nào để FPT tạo được một bước ngoặt mới sau 25 năm xây dựng và trưởng thành?
Ông chỉ cười, rằng cũ hay mới là do mỗi người. Rằng, trước sức cạnh tranh của nền kinh tế, của ngành công nghệ thông tin - truyền thông, bạn không làm mới mình không được.
“Tôi chính là người đã đề xuất với Chủ tịch Trương Gia Bình áp dụng phương pháp quản trị Thẻ điểm cân bằng (Balanced Score Card) ở FPT, bắt đầu từ năm ngoái”, ông Ngọc chia sẻ.
Đây là một phương pháp quản trị tiên tiến, chỉ mới xuất hiện trong vòng 20 năm nay và hầu hết các công ty lớn trên thế giới đều sử dụng. Ở Việt Nam thậm chí rất ít doanh nghiệp biết đến phương pháp luận quản trị này. Nói một cách vắn tắt thì thực hiện Thẻ điểm cân bằng, tất cả các định hướng chiến lược của FPT phải được thể hiện trên một bản đồ, với các bộ chỉ số cụ thể rõ ràng, có thể đo đếm, giám sát việc thực thi chiến lược.
“Hiện chúng tôi đang phải làm 7 bản đồ như vậy, cho Tập đoàn và cho 6 ngành hàng của FPT. Đây là việc rất khó, đòi hỏi sự nỗ lực, nghiêm khắc, bản lĩnh của mỗi thành viên FPT. Ở FPT, tính dân chủ rất cao, không thể dùng mệnh lệnh để giải quyết được vấn đề, mà phải thuyết phục mọi người hiểu và tuân thủ. Trong trường hợp như vậy, thì… chất phác sẽ không được việc đâu”, ông cười.
2.
Ở FPT, hay ở ngoài xã hội cũng vậy, ai cũng biết, Chủ tịch Trương Gia Bình và Tổng giám đốc Bùi Quang Ngọc là bạn bè. Thân đến độ, người FPT còn ví von, nếu FPT là ban nhạc The Beatles, thì Trương Gia Bình là John Lennon, còn Bùi Quang Ngọc là Paul McCartney.
Là bạn, nhưng lại khác nhau rất nhiều. Một người hay hùng biện, một người lại ít nói. Một người hay nói về chiến lược, một người thuộc về kế hoạch, triển khai. Một người mơ mộng đôi khi viển vông, một người vô cùng thực tế. Một người hay cười nói, một người nhìn nghiêm túc hơn. Một người hướng ngoại, một người hướng nội.
Chính Bùi Quang Ngọc cũng thừa nhận, ông và Chủ tịch Trương Gia Bình là một cặp bài trùng.
“Tôi rất hiểu Chủ tịch Trương Gia Bình, thậm chí là đồng điệu với ông Bình. Rất nhiều ước mơ của ông Bình, tôi chia sẻ. Tôi hiểu rất nhanh những ý tưởng đó và đồng điệu với nó”, Bùi Quang Ngọc chân thành.
Nhưng nếu Chủ tịch Trương Gia Bình vượt trội trong xây dựng chiến lược, thì với Tổng giám đốc Bùi Quang Ngọc, một con người tỉ mỉ, kỹ càng, việc điều hành và thực thi chính là thế mạnh.
“Tôi là người kiên định trong việc điều hành, cái gì cũng phải làm đến đầu đến đũa, đến từng chân tơ kẽ tóc, tôi không chấp nhận chuyện làm việc nửa vời”. Có lẽ, đó cũng là lý do khiến Bùi Quang Ngọc luôn đặt yêu cầu cao đối với mỗi nhân viên của mình. Nhưng không thế, sao có được FPT ngày hôm nay. Không thế, sao những nhân viên từng bị Bùi Quang Ngọc mắng té tát giờ đã trở thành những cán bộ cốt cán ở FPT.
Nếu không giữa chừng rẽ ngang theo lời rủ rê của người bạn thuở thiếu thời Trương Gia Bình, Bùi Quang Ngọc, người đã từng tốt nghiệp khoa Toán, Đại học Tổng hợp Kishinhov (Cộng hòa Moldova) năm 1979 và bảo vệ luận án tiến sỹ về Cơ sở dữ liệu tại Đại học Grenoble (Pháp) năm 1986, có lẽ giờ này vẫn là một giảng viên ở Trường đại học Bách khoa Hà Nội.
Có lẽ, bản năng của một nhà giáo, nhà khoa học đã khiến ông luôn nghiêm khắc, đòi hỏi cao ở nhân viên, nhưng cũng luôn sẵn sàng dìu dắt, chỉ dạy họ đến nơi đến chốn. Bởi thế, Bùi Quang Ngọc luôn nhận được sự tôn kính của mỗi nhân viên FPT.
Nhưng có một điều khiến tôi không hiểu, đó là đã là cặp bài trùng từ cách đây 25 năm, vì sao đến giờ này, Bùi Quang Ngọc mới chấp nhận ngồi vào chiếc ghế CEO, vốn có khá nhiều thay đổi trong thời gian qua.
“Chúng tôi đã muốn chuyển giao công tác điều hành cho thế hệ trẻ, nhưng đến giờ này, thì nói thực là không thành công”, ông Ngọc thừa nhận.
“Thực ra, tôi đã hỗ trợ ông Bình làm công tác điều hành từ rất lâu. Giờ đây, với việc được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc, tôi được chính danh thực thi đúng trách nhiệm của mình và tôi sẽ cố gắng đóng góp tốt hơn cho Tập đoàn”, ông Ngọc chia sẻ.
3.
Quá quen việc, nên chuyện ngồi vào chiếc “ghế nóng” không phải là một áp lực quá lớn đối với Tổng giám đốc Bùi Quang Ngọc. Nhưng ông bảo, chính những khát vọng của FPT, sự kỳ vọng của giới đầu tư và xã hội khi nhìn vào FPT lại là áp lực đối với ông.
“Nhưng tôi tin tưởng vào tương lai phát triển của FPT”, Bùi Quang Ngọc khẳng định.
Ông bảo, áp lực trong hiện tại của ông là làm sao hoàn thành kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2013 và làm sao để đến năm 2016 - 2017, có thể đạt doanh thu 2 tỷ USD.
Còn nhìn xa hơn, là ước vọng đưa FPT có chỗ đứng vững chắc hơn, danh tiếng tốt hơn ở thị trường Việt Nam, và tất nhiên, cao hơn, là kế hoạch toàn cầu hóa, với tỷ trọng doanh thu từ thị trường nước ngoài lớn hơn, là ước muốn có tên trên bản đồ công nghệ và giải pháp của thế giới, đạt được những tốc độ tăng trưởng như đã từng có…
Ông không nói cụ thể con số tăng trưởng mơ ước. Nhưng doanh thu tăng trung bình 53,23%/năm; lợi nhuận tăng trung bình 52,57%/năm; tổng nộp ngân sách nhà nước gần 23.562 tỷ đồng và tạo 15.000 việc làm là những gì mà 25 năm qua, FPT đã có được. 25 năm Bùi Quang Ngọc đã gắn bó FPT với tư cách là nhà đồng sáng lập và trải qua rất nhiều vị trí quản lý, điều hành khác nhau, mà dù ở vị trí nào, ông cũng là người xuất sắc.
Với ông, FPT như là máu thịt, là gia đình, là mồ hôi, nước mắt. Chia sẻ với các nhân viên của mình, Bùi Quang Ngọc đã nói như vậy. Rằng tình yêu của ông đối với FPT vô cùng mãnh liệt, da diết và thủy chung. Và tình yêu này chắc chắn sẽ tiếp tục và còn lâu hơn nữa.
Với tình yêu ấy và với sức làm việc không mệt mỏi, cộng thêm một bộ óc xuất sắc, chẳng lý gì để không tin tưởng vào tương lai phát triển của tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam hiện nay - FPT.
Trò chuyện với Bùi Quang Ngọc
Người Việt Nam thường có tính đố kỵ rất cao. Ông là bạn của ông Trương Gia Bình, nhưng bao nhiêu năm qua, luôn chỉ là “phó tướng” và đứng sau bạn mình. Có bao giờ ông cảm thấy khó chịu?
(Cười) Tôi chẳng khó chịu gì cả. Vì thực ra, tuy làm “phó” cho ông Bình, nhưng tôi cũng đảm nhận rất nhiều chức vụ và những việc ấy cũng đều có tên có tuổi, chứ không đến nỗi… tệ lắm. Thậm chí, tính ra, tôi là người có nhiều chức danh nhất ở FPT, phải đến gần 10 chức danh.
Hơn nữa, ông Bình là một cá nhân xuất sắc, một ngọn cờ của FPT, là người sáng lập, là Chủ tịch và cho đến bây giờ, ông ấy vẫn làm việ hết mình từ sáng đến tối. Nếu có đứng sau một người như vậy, thì tôi cũng rất rất vui vẻ. Thêm nữa, tôi cũng không có tính đố kỵ.
25 năm ở FPT, có bao giờ ông cảm thấy nản?
Không hề. Tôi nghĩ, cả tôi và ông Trương Gia Bình đều như vậy. Nếu có, chỉ là có những lúc cảm thấy thất vọng. Ví như, thất vọng khi thấy có một vài chiến hữu, bạn bè của mình rời bỏ FPT.
Thất vọng, vì họ đã không vượt qua được những khó khăn ở thời điểm nào đó, hay vì họ không nhìn thấy hết được tiềm năng phát triển của FPT.
Nói thế thì có thể hiểu rằng, Bùi Quang Ngọc sẽ không bao giờ rời bỏ FPT?
Nói vậy, thì hơi to tát. Nhưng chắc là như vậy, vì tôi vẫn tin vào tương lai của FPT.
Quá bận rộn như vậy, làm sao ông cân bằng được công việc và cuộc sống?
Với tôi, gia đình là chỗ dựa tinh thần quan trọng. Bởi thế, tôi luôn cố gắng dành thời gian để chăm sóc gia đình. Mỗi khi về nhà, thấy đứa cháu ngoại đòi bế, rồi vuốt má, sờ râu, tôi cảm thấy mọi mệt mỏi, phiền muộn biến đi hết. Đó là những giá trị mọi người nên hiểu, nên biết để biết cách gìn giữ. |