CEO Audi nhận “cú đánh” cuối cùng

(ĐTCK) Vụ kiện tại Tòa án Lao động Đức có thể sẽ khiến sự nghiệp của CEO Audi Rupert Stadler kết thúc, khi lời khai của một kỹ sư bị mất việc đã đặt Stadler ở trung tâm của vụ bê bối gian lận khí thải tại Volkswagen.
CEO Audi Rupert Stadler CEO Audi Rupert Stadler

Volkswagen là một trong những tập đoàn sản xuất xe ô tô hàng đầu thế giới, với nhiều thương hiệu đình đám như Volkswagen, Audi, Bentley, Bugatti, Porsche…

Năm 2015, Volkswagen đã thừa nhận cài phần mềm gian lận cho khoảng 11 triệu xe trên toàn thế giới, trong đó có 600.000 xe tại Mỹ, nhằm giúp những chiếc xe này qua được các bài kiểm tra về khí thải của các cơ quan chức năng.

Liên quan đến vụ việc này, hồi cuối năm ngoái, 6 vị giám đốc của Volkswagen có liên đới đã bị FBI cáo buộc hình sự.

Tạp chí Spiegel của Đức mới đây tuyên bố có thể chứng minh “Audi đã có kế hoạch gian lận diesel với độ chính xác tuyệt đối”. Tạp chí này cho biết đang nắm giữ một bài thuyết trình nội bộ tại Audi năm 2007, mô tả các chiến lược và thủ thuật để qua mắt các nhà quản lý của Hoa Kỳ.

Người đã buộc tội CEO Audi Rupet Stadler là Ulrich Weib, một kỹ sư đã bị mất việc tại Audi, cũng là người từng đứng đầu mảng phát triển hệ thống truyền lực của Audi. Theo kỹ sư này, một số người trong nhóm kỹ sư thực hiện các kỹ thuật gian lận đã trực tiếp báo cáo công việc cho Stadler.

Theo báo cáo này, trong năm 2007 và 2008, các kỹ sư của Audi đã phải đưa ra “bản giới thiệu 2 chế độ hoạt động” để phù hợp với tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt. Cụ thể, chế độ thứ nhất là “chế độ hiệu quả” - tập trung vào tính năng vận hành của xe, chế độ thứ hai là “chế độ kinh tế” - kiểm soát khí thải theo tiêu chuẩn.

Hai chế độ này sẽ được cùng cài đặt và luân chuyển cho nhau. Phần mềm được cài đặt trên xe Audi được cho là có khả năng nhận biết bánh xe chạy trong khi vô lăng không xoay, từ đó sẽ kích hoạt “chế độ kinh tế” để qua mắt các nhà quản lý. Trong điều kiện vận hành bình thường, hệ thống kiểm soát khí thải sẽ bị ngắt để xe tập trung vào “chế độ hiệu quả”. Đây chính là phương thức gian lận khí thải của Audi.

Như vậy, lượng khí thải thực tế của xe sẽ cao hơn nhiều các con số trong phòng thử nghiệm. Đồng thời, các khách hàng cũng phải chịu gánh nặng bất hợp lý về việc tiêu thụ nhiên liệu của xe Audi. Hiện Audi vẫn chưa có bình luận nào về vụ việc và CEO Stadler rõ ràng không có ý muốn rời đi.

“Tôi muốn kiểm tra ai đã chịu trách nhiệm quản lý sản phẩm trong suốt thời gian đó, không chỉ ở Audi, mà còn ở phạm vi cả Tập đoàn”, Stadler nói.

Một trong những người sẽ phải “cẩn thận” là CEO Volkswagen Matthias Muller. Ông đã chuyển từ Audi sang công ty mẹ Volkswagen vào tháng 2/2007 để phụ trách các bộ phận dự án. Như vậy, Muller là người chịu trách nhiệm toàn cầu cho tất các các dự án xe của thương hiệu Volkswagen, cũng như các nhãn hiệu khác của tập đoàn.

Trước đó, hồi cuối năm 2016, Tập đoàn Volkswagen đã thừa nhận rằng, nhiều mẫu xe Audi được cài phần mềm gian lận khí thải, sau khi một số nguồn tin cho biết, Ủy ban Tài nguyên không khí California đã phát hiện phần mềm gian lận trong hộp số tự động của Audi.

Tờ Bild am Sonntag của Đức cho biết, CEO Volkswagen Matthias Mueller đã truy CEO Audi Rupert Stadler, yêu cầu giải thích tại sao ban lãnh đạo chỉ biết thông tin này qua báo chí, mà không phải từ các lãnh đạo Công ty. Về phía Repert Stadler, ông khẳng định, mình đã luôn cố gắng đảm bảo để Audi không có phần mềm gian lận.

“Đã rất nhiều lần tôi hỏi các nhân viên của mình: Chúng ta có trong sạch không? Hãy để tất cả được minh bạch”, Stadler nói.

Thực tế, những người trong cuộc từ lâu đã “chĩa mũi dùi” về phía Stadler. Khi scandal mới nổ ra, các tin đồn tại Nhà máy Volkswagen đã xôn xao về việc Stadler sắp rời đi và có khả năng Giám đốc bán hàng Dietmar Voggenreiter sẽ là người kế nhiệm. Một số nguồn tin từ Volkswagen cho biết, giữa CEO Audi Rupert Stadler và CEO Volkswagen Matthias Muller luôn có sự đối đầu, và rằng, Stadler “sống sót” cho đến nay là nhờ sự bảo hộ của Chủ tịch Volkswagen Ferdinand Piech.

Theo một báo cáo của tờ báo Đức Handelsblatt, Audi là khởi nguồn của mọi gian lận khí thải tại Volswagen. Cách đây 17 năm, các kỹ sư của Audi đã phát triển các phương pháp nhằm phá vỡ các quy định ngày càng nghiêm ngặt về khí thải.

Mặc dù đang đối mặt với rất nhiều thử thách tại các thị trường chính, song nhu cầu toàn cầu đối với các mẫu xe Audi trên toàn cầu nhìn chung vẫn được duy trì và tăng trưởng ổn định. Trong năm 2016, Audi đã có sự tăng trưởng doanh số ở cả ba khu vực chính: Bắc Mỹ tăng 5,9%, châu Á - Thái Bình Dương tăng 4,4% và châu Âu tăng 1,5%.

Ông Laurent Genet, Tổng giám đốc Audi Việt Nam cho hay, mẫu Audi Q7 tiếp tục phá vỡ kỷ lục doanh số tại Việt Nam và sự ra mắt thành công của phiên bản Audi A4 mới tại Hà Nội vào tháng 6/2016 đã giúp doanh số xe Audi giao tới tay khách hàng trong 7 tháng đầu năm 2016 đạt mức cao nhất, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2015.            

Mai Thảo (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục