Trong nhiều năm qua, các nhà lập pháp Mỹ đã đấu tranh để thông qua luật bảo mật dữ liệu liên bang, và mới đây họ đã có thêm một đồng minh bất ngờ là Giám đốc điều hành Apple Tim Cook.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với hãng tin ABC News, ông Cook cho biết các công ty công nghệ lớn vẫn không cố gắng sửa chữa sai lầm của họ, và đã đến lúc chính phủ phải có hành động - với ý tưởng là một dự luật bảo mật liên bang.
"Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều có thể thừa nhận rằng khi bạn cố gắng làm điều gì đó và các công ty vẫn chưa tự điều chỉnh chính mình, rằng đó là thời gian để có những quy định nghiêm ngặt," CEO Apple nói, và "tôi cho rằng chúng ta đã vượt qua mốc thời gian đó".
Nhưng trong khi nhiều người tập trung vào việc tách các công ty như Facebook thành các thực thể riêng biệt, nhỏ hơn, ông Cook cho rằng các nhà quản lý quá tập trung vào hành động chống độc quyền và không tập trung đủ vào quyền riêng tư dữ liệu.
"Việc phá vỡ các công ty công nghệ lớn mà không chú ý đến việc dữ liệu người dùng vẫn đang được thu thập là vô nghĩa," ông Cook nói.
Ông Cook có những phát biểu trên trong bối cảnh các đại gia công nghệ bao gồm Apple, Amazon, Facebook và Google phải đối mặt với nhiều cuộc điều tra chống độc quyền từ Bộ Tư pháp Mỹ cũng như cơ quan tư pháp các bang.
Các công ty này đang bị cáo buộc có các hoạt động kinh doanh chống cạnh tranh, có thể gây tổn thương cho người tiêu dùng.
Ông Cook thừa nhận rằng nếu một trong những công ty bị phát hiện là độc quyền và các nhà quản lý có thể chứng minh rằng họ đã lạm dụng quyền lực độc quyền đó, thì việc chia tách có thể là cần thiết.
Những lời bình luận trên của ông Cook được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Apple khởi công xây dựng một nhà máy mới ở Austin, Texas, có giá trị đầu tư 1 tỷ USD.
Trước đó, cũng tại Austin, ông Cook đã tháp tùng Tổng thống Mỹ Trump thăm một nhà máy sản xuất máy tính của Apple, để làm nổi bật chính sách "sản xuất tại Mỹ" của ông Trump.
"Tôi sẽ luôn nói về Apple, rằng tôi muốn thấy các nhà máy của Apple xây dựng ở Mỹ, và đó là những gì đang xảy ra," ông Trump nói với các phóng viên sau chuyến thăm. "Và Tim Cook là người mà tôi rất kính trọng".
Tháp tùng ông Trump trong chuyến thăm nhà máy sản xuất máy tính Apple có con gái và là cố vấn Nhà Trắng Ivanka Trump, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin.
Tuy nhiên, truyền thông Mỹ đã "bóc mẽ" các phát biểu trên của ông Trump như là những lời nói dối bởi thực tế nhà máy mà ông Trump "khoe" được vận hành bởi một công ty có tên gọi Flex - về pháp lý không thuộc sở hữu của Apple - và lắp ráp máy tính Mac từ năm 2013 và gần đây là Mac Pro, mẫu máy tính cao cấp có giá khởi điểm 6.000 USD.