CEO American Apparel bị mất chức vì… quậy

(ĐTCK) Mới đây, Ban lãnh đạo American Apparel, tập đoàn chuyên sản xuất các loại quần áo thời trang, đồng thời sở hữu luôn cả mạng lưới cửa hàng bán lẻ của Mỹ đã chính thức thông báo sa thải ông Dov Charney, 45 tuổi, Chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành (CEO), với lý do ông này đã có quá nhiều sai phạm trong quan hệ với cấp dưới.
CEO American Apparel bị mất chức vì… quậy

Cụ thể, Ban lãnh đạo nêu rõ, ông Dov Charney có hành vi quấy rối tình dục một cách thường xuyên, có hệ thống với các lao động nữ ngay tại cơ sở sản xuất, văn phòng của Tập đoàn. Ngoài ra, ông còn có nhiều hành vi kỳ quặc, khác người, hoàn toàn không thích hợp với vị trí lãnh đạo, làm xấu đi hình ảnh và uy tín của American Apparel trước công chúng và khách hàng.

Được biết, American Apparel có trụ sở chính tại TP. Los Angeles, bang California (Mỹ) và có cổ phiếu niêm yết tại Sở GDCK New York.

Đầu tuần này, ông Dov Charney đã khởi động chiến dịch “phản pháo”, dọa kiện lại Tập đoàn đã sa thải ông trái luật và yêu cầu phục hồi lại mọi chức vụ cho ông.

Phát biểu trước báo giới, ông Allan Mayer, đồng Chủ tịch American Apparel khẳng định: “Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào quyết định đúng đắn của mình. Đây là quyết định rất khó khăn và chẳng vui vẻ gì. Dov Charney đã có công thành lập và xây dựng doanh nghiệp như ngày nay, song ông đã quá nhiều lần vi phạm đạo đức, chuẩn mực chung, nên chúng tôi không thể cho phép ông tiếp tục làm việc tại Tập đoàn”.

Được biết, đã có 8 nhân viên nữ của American Apparel có đơn kiện Dov Charney về tội quấy rối tình dục. Có người còn cung cấp cả video clip quay cảnh ông “quậy tưng bừng ”, khi cởi truồng nhảy múa trước đám đông nhân viên nữ trong giờ làm việc. Rồi cả những biểu hiện, hành vi rất không bình thường của ông, như chỉ mặc quần đùi đi khắp các phân xưởng kiểm tra cấp dưới (chủ yếu là nữ). Chuyện này hầu như ai trong Tập đoàn cũng đều biết, song có lẽ do ông là lãnh đạo cao nhất, lại là cổ đông lớn (sở hữu tới 27% cổ phần), nên mọi người không muốn làm to chuyện.

Ban lãnh đạo đã nhiều lần cố gắng giải quyết theo hướng “đóng cửa bảo nhau, để ông rút kinh nghiệm”, song ông này vẫn “chứng nào tật ấy”. Vì thế, trong tuần qua (ngày 18/6), Ban lãnh đạo Tập đoàn đã quyết định ra tay với việc triệu tập cuộc họp, tại đây đưa ra tối hậu thư với Dov Charney: hoặc là ông tự viết đơn xin từ chức hoặc là bị sa thải. Và sự việc đã diễn ra như trên.

Ông John Luttrell, Giám đốc tài chính (CFO) được bổ nhiệm làm CEO tạm quyền.

Theo nhiều nhà phân tích, việc lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ bị mất chức trong các trường hợp tương tự (không phải vì lý do tài chính, kết quả kinh doanh) đã từng có không ít. Gần đây nhất, Dennis J. Wilson, CEO của Lululemon Athletica đã phải xin từ chức, sau khi có những lời bình luận khiếm nhã liên quan đến khách hàng nữ. Rồi Michael S. Jeffries, CEO Abercrombie & Fitch cũng bị mất ghế vì những hành vi, lời nói thiếu trách nhiệm với nhân viên nữ… Song hiện tượng quậy, ngang nhiên quấy rối tình dục tại công sở của ông Dov Charney là khá hiếm.

Ông Dov Charney, quốc tịch Mỹ, người gốc Canada. Ông sinh ra tại Montreal (Canada) trong một gia đình bố mẹ đều làm việc trong lĩnh vực sáng tạo, nghệ thuật. Bố ông là một kiến trúc sư, còn mẹ là nghệ sỹ. Năm 1989, mới 20 tuổi khi đang học tại Đại học Tufts ở bang Massachussett (Mỹ), ông đã bỏ học giữa  chừng, vay 10.000 USD lập ra xưởng sản xuất áo phông mang tên American Apparel. Đây chính là cơ sở ban đầu của Tập đoàn American Apparel sau này. Hiện tại, American Apparel có 10.000 nhân viên và 249 cửa hàng trên khắp nước Mỹ.

Ông Dov Charney có quan điểm là không đầu tư vào các thị trường có nhân công rẻ, như Trung Quốc, Bangladesh…, mà kêu gọi Chính phủ Mỹ nới lỏng chính sách nhập cư và trả lương tương xứng với công lao động. Năm 2006, American Apparel lên sàn chứng khoán và năm 2007 là năm đỉnh cao về sản xuất - kinh doanh, khi có lãi 15,5 triệu USD; doanh thu đạt 387 triệu USD. Thừa thắng xốc tới, American Apparel mở thêm 38 cửa hàng trong năm 2007 và 81 cửa hàng trong năm 2008. Năm 2009, American Apparel gặp hạn, khi nhà máy may của Tập đoàn ở Los Angeles bị cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất. Qua kiểm tra giấy tờ, nhiều lao động bị phát hiện không có giấy tờ hợp pháp (tức là nhập cư vào Mỹ theo con đường bất hợp pháp), nhà máy phải làm việc cầm chừng một thời gian dài do không tuyển được lao động.

Từ năm 2010 đến nay, Tập đoàn liên tục lỗ. Năm 2010, American Apparel bị lỗ 86 triệu USD và gần đây nhất, năm 2013, bị lỗ 106 triệu USD. Từ đầu năm 2014 đến nay, tình hình kinh doanh của American Apparel có chiều hướng bớt xấu đi, khi trong quý I/2014, American Apparel chỉ còn lỗ 5,5 triệu USD, giảm mạnh so với con số 46,5 triệu USD của quý I/2013. Song điều tệ nhất lại đến với Dov Charney.    

Trung Hiếu (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục